Diêm dân Cát Hải bỏ hoang ruộng muối

09/12/2013 08:39 GMT+7

Quanh năm cơ cực nhưng làm chẳng đủ ăn, hơn một nửa diêm dân ở huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng đã thôi nghề, để hoang đồng muối.

Quanh năm cơ cực nhưng làm chẳng đủ ăn, hơn một nửa diêm dân ở huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng đã thôi nghề, để hoang đồng muối.

 
Các đồng muối ở Cát Hải vắng người dù đang chính vụ - Ảnh: B.H 

Ở Hải Phòng có hai vùng muối, một trong số đó là làng muối Bàng La, Đồ Sơn thì người dân đã gần như bỏ hẳn, chỉ còn một số hộ ở huyện Cát Hải còn theo nghề. Nhưng theo UBND huyện Cát Hải, diện tích đồng muối của huyện hiện còn 134 ha với 1.260 hộ sản xuất song 534 hộ đã bỏ ruộng, với tổng diện tích 64 ha. Hệ quả là sản lượng muối 10 tháng qua chỉ đạt 1.793 tấn, cả năm ước đạt 2.300 tấn, bằng 58% kế hoạch.

Đến cánh đồng muối xã Văn Phong, chỉ thấy cảnh hoang tàn với những bể chứa nước đã bỏ không, những sân phơi cát cây cỏ đã mọc quá nửa người. Chính quyền địa phương cho biết đấy là hệ quả tất yếu khi mà tình trạng diêm dân bỏ nghề trong nhiều năm, nhất là hai, ba năm gần đây. Xã Văn Phong có tổng diện tích canh tác 200 ha, trong đó 40 ha là đất làm muối, toàn xã có 2.300 nhân khẩu thì có trên 1.000 người gắn bó với nghề này. Năm 2012, xã được huyện giao chỉ tiêu sản xuất 2.700 tấn muối nhưng xã chỉ đạt được 1/2 kế hoạch. Năm 2013, huyện cũng giao cho xã chỉ tiêu này, nhưng đến hết tháng 5, xã mới chỉ đạt 10% kế hoạch. Ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Văn Phong cho biết, trong một tương lai không xa, nghề muối của xã ông cũng như của cả đảo Cát Hải sẽ biến mất, tựa như làng muối Bàng La ở Đồ Sơn…

Cũng chung tình trạng trên, xã Nghĩa Lộ có 50 ha đất làm muối thì nay có tới 70% diêm dân bỏ nghề. Số còn lại chỉ sản xuất cầm chừng. Năm 2013, huyện giao chỉ tiêu cho xã làm 1.200 tấn muối nhưng hết tháng 5 cũng chỉ đạt 10%. Ông Lương Văn Mộc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Nghĩa, xã Nghĩa Lộ chia sẻ: nghề muối phải chi phí cao cho ruộng, bể, nhưng sản phẩm làm ra thì thành phố không mua, tư thương có mua nhưng ép giá nên không đủ để bù chi phí, chưa nói đến lãi.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Ấn, một diêm dân ở xã Nghĩa Lộ cho biết: gia đình có 720 m2 ruộng muối, sản lượng hàng năm là 8 tấn. Số muối ấy, tính theo thời giá bây giờ khoảng 3,4 triệu đồng, chưa bằng thu nhập của một hộ nghèo nên cả nhà chẳng ai còn thiết tha. "Các con tôi đều tìm việc khác làm, còn tôi không có việc gì làm thì mới ra ruộng làm muối”, bà Ấn nói.

Ông Nguyễn Văn Toán, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải cho biết: Văn Phong và Nghĩa Lộ là hai trong số năm xã có nghề làm muối của huyện Cát Hải đang có chung khó khăn trong sản xuất muối. Nghề muối là nghề truyền thống, đã gắn bó lâu đời với người dân huyện đảo, là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ gia đình và từng có thời thịnh vượng. Tuy nhiên, trước biến động của kinh tế thị trường nên nghề làm muối manh mún ở đây đã không còn thích ứng. Hiện trung bình một năm mỗi hộ sản xuất được khoảng 5-6 tấn muối, với giá bán buôn dao động từ 1.200 đến 2.000 đồng/kg, tổng thu nhập bình quân của mỗi hộ khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ cho bà con cải tạo ô nề, bể chạt, không có vốn tích lũy nên diện tích bỏ hoang ngày càng nhiều.

Cũng theo ông Toán, năm 2010, thành phố Hải Phòng ra Nghị quyết 14 về hỗ trợ cho nông nghiệp thủy sản, trong đó có hỗ trợ diêm dân. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này mới chủ yếu là để cải tạo kênh mương thủy lợi, kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất cho sản xuất muối là 20%, còn lại diêm dân phải tự bỏ vốn. Sự hỗ trợ này chưa "tới" với người dân, và làm cho người dân Cát Hải "nhạt" với nghề muối….

Bùi Hương

>> Ninh Thuận di dời 200 hộ dân trong khu vực đồng muối Quán Thẻ
>> Sẽ di dời 200 hộ dân trong khu vực đồng muối Quán Thẻ
>> Dân khốn khổ vì đồng muối
>> Giá muối cao, diêm dân ra đồng sớm
>> Diêm dân khổ vì giá muối quá thấp
>> Hỗ trợ diêm dân có diện tích muối thiệt hại
>> Diêm dân Sa Huỳnh khốn khó vì muối rớt giá kỷ lục
>> Mất mùa muối, diêm dân Sa Huỳnh lao đao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.