Điểm danh các đội tham dự CKTG Liên Minh Huyền Thoại: Fnatic

15/09/2015 08:00 GMT+7

Một đội hình vô địch tuyệt đối trời tây, 4 chàng trai trẻ dưới sự dẫn dắt của một con cáo gì. Liệu Hoàng Đế Châu Âu - Fnatic sẽ làm gì trước những kẻ ngáng đường tại Chung kết Thế Giới lần này?

1 lần vô địch giải Liên Minh Huyền Thoại thế giới, 5 lần đỉnh trên đỉnh cao nhất của LCS châu Âu, một đội hình đã đi vào huyền thoại với cái tên xPeke, đó chính là Fnatic. Sau một mùa giải lột xác với những nhân tố mới tưởng như họ sẽ suy yếu nhưng không, Fnatic đã trở lại mạnh mẽ hơn gấp bội. Họ bây giờ là một con quái vật khổng lồ, sẵn sàng nuốt chửng tất cả để chiếm lấy ngôi báu.

(Ảnh: Fnatic)

1. Đội hình chính thức 

Huni

Tên thật: Seong Hoon Heo

Vị trí thi đấu: Đường trên

Tướng sở trường: Ryze, Rumble, Lissandra

Reignover

Tên thật: Kim Ui-jin

Vị trí thi đấu: Đi rừng

Tướng sở trường: Rek’sai, Rengar, Olaf

Febiven

Tên thật: Fabian Diepstraten

Vị trí thi đấu: Đường giữa

Tướng sở trường: Azir, LeBlanc, Viktor

Rekkles

Tên thật: Martin Larsson

Vị trí thi đấu: Xạ thủ

Tướng sở trường: Lucian, Tristana, Ashe

YellOwStaR

Tên thật: Bora Kim

Vị trí thi đấu: Hỗ trợ (đội trưởng)

Tướng sở trường: Alistar, Leona, Annie

2. Tiểu sử và thành tích

Đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Fnatic chính thức ra đời vào ngày 14.3.2011, với tiền thân là đội tuyển myRevenge. Đội hình ban đầu gồm có: WetDreaM, xPeke, LaMiaZeaLoT, Shushei, Cyanide, Mellisan, và MagicFingers.

Thành công đến với họ rất sớm khi Fnatic giành được chức vô địch Chung kết Thế Giới mùa 1, mặc dù giải đấu này lúc đó không được quan tâm lắm nhưng nó vẫn là một cột mốc quan trọng cho các thành công về sau.

Sang tới mùa 2, Fnatic tiếp tục tham gia 2 kỳ Intel Extreme Masters tại Cologne và New York. Vài tháng sau, cả đội sang Hàn Quốc thi đấu Azubu The Champions Spring với tư cách khách mời, rất tiếc Fnatic lại nằm trong một bảng đấu quá khó và phải trắng tay ra về, không có nổi một trận thắng. Quay trở lại châu Âu, một vài bất đồng đã diễn ra và kết quả là sOAZ thay thế Shushei tại đường trên.

Những nhà vô địch thế giới đầu tiên (Ảnh: Riot Games)

Fnatic sau đó tham gia vòng loại khu vực châu Âu để kiếm một vé tới Chung kết Thế Giới mùa 2, mặc dù đã vào tới bán kết nhưng xPeke và đồng đội đã phải gục ngã trước một Moscow 5 quá mạnh thời điểm đó. Trong trận đấu quyết định gặp Counter Logic Gaming EU, họ đã bị Froggen và Yellowpete đánh bại một thuyết phục, đành phải ngậm ngùi trao chiếc vé cuối cùng cho đối thủ.

Đầu mùa 3, mặc dù Rekkles đã đầu quân được một thời gian, nhưng anh này vẫn chưa đủ tuổi để thi đấu chuyên nghiệp. YellOwStaR gia nhập ở vị trí xạ thủ, tụ họp với những người đồng đội cũ là sOAZ và nRated. Fnatic bắt đầu chiến dịch chinh phục giải đấu LCS châu Âu. Với một đội hình đồng đều về mọi mặt, dưới sự dẫn dắt của xPeke, cả đội càn quét mọi đối thủ bằng hai chức vô địch liên tiếp, thẳng tiến tới Chung kết Thế Giới mùa 3 với vị thế hạt giống số 1. Fnatic có một giải đấu rất thành công khi kết thúc ở vị trí thứ 3, cũng như là đội tuyển châu Âu vào sâu nhất.

Đội hình Fnatic tham gia CKTG mùa 3 (Ảnh: Riot Games)

Fnatic tiếp tục khẳng định sức mạnh ở châu Âu bằng chức vô địch LCS châu Âu mùa Xuân 2014. Họ sau đó đến Siêu Sao Đại Chiến Paris và dừng bước trước SKT T1 K của Faker. Lúc này Alliance (Elements cũ) của Froggen đang nổi lên như một thế lực, Fnatic bị đánh bại ở trận chung kết LCS châu Âu mùa Hè 2014, đành chấp nhận đến Chung kết Thế Giới mùa 4 với vị tư cách hạt giống số 2. Mặc dù thi đấu cực kỳ xuất sắc nhưng vận may lại không mỉm cười với họ, Fnatic bị loại ngay từ vòng bảng, kết thúc một mùa 4 đầy biến động.

Bước sang mùa giải mới, Fnatic phải chịu một mất mát cực lớn khi xPeke rời đi để tự lập một đội riêng cho bản thân - Origen, sOAZ và Cyanide cũng nốt gót theo người đội trưởng. Rekkles chuyển sang Elements để tìm kiếm thành công, người cuối cùng còn sót lại là YellOwStaR, họ gần như chỉ còn là một đống tro tàn.

Lúc này ban lãnh đạo đã giao cho YellOwStaR toàn quyền quyết định công cuộc tái thiết. Anh ta nhanh chóng tìm kiếm và mang về 4 tuyển thủ mới: Huni và Reignover từ học viện SKT, Febiven của H2k Gaming và cuối cùng là xạ thủ Steeelback. Với một đội hình chắp vá như vậy, Fnatic vẫn vô địch LCS châu Âu mùa Xuân cực kỳ ấn tượng. Sau đó mặc dù bị chỉ trích rất nhiều, Rekkles vẫn quay lại mái nhà xưa thế chỗ Steeelback, khởi đầu cho sự thống trị của một ông hoàng châu Âu mới.

Fnatic vô đối tại LCS châu Âu mùa Hè 2015, họ lập kỷ lục 18 trận thắng liên tiếp, tiêu diệt tất cả các đối thủ để rồi cuối cùng chạm trán Origen, đội tuyển do chính xPeke xây dựng nên. Sau một cuộc đối đầu nghẹt thở, YellOwStaR cùng đồng đội đã chiến thắng với tỉ số suýt soát 3-2, giành chức vô địch LCS châu Âu mùa Hè 2015, thẳng tiến đến Chung kết Thế Giới với tư cách đội hạt giống số 1.

Đội hình mạnh nhất châu Âu hiện tại

Thành tích nổi bật đã đạt được:

  • Vô địch Chung kết Thế Giới mùa 1
  • Vô địch Intel Extreme Masters New York 2011
  • Á quân Intel Extreme Masters Cologne 2012
  • Vô địch DreamHack Winter 2012
  • Vô địch LCS châu Âu mùa Xuân 2013
  • Vô địch LCS châu Âu mùa Hè 2013
  • Hạng 3 Chung kết Thế Giới mùa 3
  • Vô địch LCS châu Âu mùa Xuân 2014
  • Á quân LCS châu Âu mùa Hè 2014
  • Hạng 4 All-Star Paris 2014
  • Vô địch LCS châu Âu mùa Xuân 2015
  • Hạng 3 Mid-Season Invitational 2015
  • Vô địch LCS châu Âu mùa Hè 2015

3. Cá nhân nổi bật

Nhắc đến Fnatic, thường thì mọi người nghĩ ngay tới xạ thủ Rekkles, chàng béo Huni ở đường trên hoặc Febiven trấn thủ tuyến giữa. Quả thực đội hình của họ nhìn đâu cũng thấy sao và ai cũng ở đẳng cấp thế giới nhưng người có công lớn nhất xây dựng đế chế Fnatic bất bại như ngày hôm nay phải kể tới đội trưởng của họ - YellOwStaR.

Là người chơi hỗ trợ hay nhất châu Âu, thậm chí nằm trong top 3 thế giới, YellOwStaR có tầm ảnh hưởng khổng lồ lên các thành viên Fnatic. Anh ta không những là đội trưởng mà còn là thũ lĩnh tinh thần, nhà chiến lược cũng như người tìm ra 4 ngôi sao trong đội hình Fnatic hiện tại.

YellOwStaRLà một trong hai tuyển thủ tham dự đủ cả 5 kỳ Chung kết Thế Giới (người còn lại là Dyrus của TSM), anh sở hữu bề dày kinh nghiệm chinh chiến đáng nể, không một hỗ trợ nào trên thế giới đạt tới tầm cáo già như YellOwStaR. Trong những cuộc chiến tầm nhìn và kiểm soát mục tiêu, YellOwStaR nắm ưu thế tuyệt đối và có thể outplay đối phương hoàn toàn, Fnatic mạnh mẽ như ngày hôm nay có hơn một nửa công của chàng trai này.


Hỗ trợ hay nhất châu Âu, top đầu thế giới

Ba vị trí còn lại: Rekkles, Huni và Febiven đều là những cá nhân kiệt xuất giai đoạn gần đây của nền Liên Minh Huyền Thoại. Để chọn ra một ai đó thực sự nổi bật có vẻ hơi khó, nhưng mọi người thường đánh giá cao Huni hơn hai tuyển thủ còn lại. Tuy Rekkles có kỹ năng cá nhân rất cao, nhưng đó là nhờ bên cạnh có YellOwStaR. Febiven là mẫu người chơi đường giữa đa năng, gần giống Bjergsen của Team SoloMid, có điều người thường xuyên tạo đột biến lại không phải anh ta mà chính là Huni.

Thông minh, tinh quái và cưc nhạy với meta, những phẩm chất của Huni hiếm ai có được. Ở anh ta là sự chắc chắn nhưng không kém phần bùng nổ, nếu xét về kỹ năng Huni hoàn toàn không thua bất kỳ ai trên thế giới.

Tại LCS châu Âu mùa Hè 2015, người đi đường trên của Fnatic sử dụng tổng cộng hơn 10 vị tướng khác nhau, một con số đáng kinh ngạc. Chính anh ta cũng là người khởi đầu meta khi mang Ryze, Ekko ra đấu trường chuyên nghiệp. Có thể nói Huni là mẫu tuyển thủ toàn diện, có thể chơi bất cứ vị tướng nào nếu chiến thuật yêu cầu, từ các sát thủ như Riven, Hecarim mở giao tranh, đến cả Lulu để bảo vệ chủ lực. Sức mạnh và nguồn cảm hứng của Fnatic, tất cả đều đến từ anh chàng Hàn Quốc vui tính này.


"Faker đường trên"

4. Lối chơi

Khác những đội tuyển toàn sao hoặc một người gánh tất cả, phong cách của Fnatic chú trọng vào các giao tranh đông người, càng hỗn loạn họ càng dễ chiến thắng. Trong hầu hết các trận đấu ở LCS, Febiven thường phải tự thân vận động vì người đi rừng Reignover chỉ thích ghé lên đường trên vỗ béo Huni, vì vậy ngòi nổ chính của họ đến từ những pha Dịch Chuyển của Huni. Fnatic thường không chú trọng lắm về việc kiểm soát đầu trận, YellOwStaR chỉ đảo đi khi đường dưới đã yên ổn và Rekkles có thể tự đẩy lẻ được.


Febiven cũng thích troll chả kém gì ai

Ở những pha giao tranh lớn, Reignover luôn là con thiêu thân lao lên trước thu hút đối thủ, tạo đường cho Huni tiến vào, sau đó mới tới Febiven và cuối cùng là Rekkles dọn dẹp những gì còn lại. Những pha mở bát của họ đều do YellOwStaR khởi xướng.

Nếu trận đấu kéo dài vào cuối game Fnatic sẽ lại đánh theo kiểu bảo vệ xạ thủ,và Rekkles thì lúc nào cũng nổi tiếng với những vị tướng cầm một đống đồ rồi bắn dạng như Ashe hoặc Tristana. Do các cá nhân đều có kỹ năng cao và rất tuân thủ chiến thuật, Fnatic chính là một trong những đội có lối đánh đa dạng nhất thế giới.


Ngoài đường trên Fnatic vẫn còn một xạ thủ siêu khủng

5. Cơ hội tại Chung kết Thế giới mùa 2015

Fnatic đến Chung kết Thế Giới mùa 2015 với kỳ vọng rất lớn. Căn bản họ đã là người chiến thắng tuyệt đối tại châu Âu, quá nhiều danh hiệu lớn cho một đội tuyển vừa tái cơ cấu, do vậy chỉ còn chiếc cúp vô địch thế giới là đủ thỏa mãn các chàng trai Fnatic. Đặc biệt đối với Rekkles, đây là mục tiêu cao nhất khi anh ta chỉ toàn có những kỷ niệm buồn với giải đấu này.

Fnatic cũng đang tập luyện liên tục cho CKTG (Ảnh: facebook)

Xét một cách khách quan thì trừ các đội hàng đầu Trung Quốc và Hàn Quốc, Fnatic không ngán ngại bất kỳ ai. Họ có một đội trưởng tuyệt vời và bốn chàng trai trẻ đầy tham vọng, nhiều khả năng Fnatic sẽ vào tới bán kết, còn chuyện sau đó không thể nói trước được. Rất có thể YellOwStaR sẽ lại lập nên kỷ lục khi là người đầu tiên hai lần lên ngôi vô địch thế giới.

6. Lời kết

Sức mạnh của Fnatic tại châu Âu là không cần bàn cãi, nhưng khi ra đấu trường thế giới lại là chuyện khác. Các đội Trung Quốc hay Hàn Quốc chẳng phải loại dễ nhằn, đó là chưa kể Fnatic vẫn là một đội tuyển trẻ, kinh nghiệm và áp lực thi đấu tại Chung kết Thế Giới rất khác so với LCS châu Âu.


Mặc dù vậy người hâm mộ vẫn đánh giá cơ hội vô địch của họ chỉ sau SKT T1 và LGD Gaming, nên nhớ YellOwStaR là tuyển thủ duy nhất vẫn giữ được phong độ rất cao sau chừng đó năm thi đấu, kinh nghiệm là thứ có thể xoay chuyển tình thế và nó luôn đúng với bất kỳ đội tuyển nào. Hãy cùng chờ xem vị vua châu Âu có lật đổ được ách thống trị của người Hàn tại giải đấu cao nhất trong năm của Liên Minh Huyền Thoại không nhé.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.