Điểm danh 'thủ phạm' gây tăng cân ngày Tết

16/02/2018 19:24 GMT+7

Nếu không kiểm soát chế độ dinh dưỡng, món ngon ngày Tết dễ dàng gây tăng cân , ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt với những người mắc các bệnh mạn tính.

Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết có năng lượng rất cao, các món ăn có xu hướng nhiều đường, nhiều béo, nhiều đạm động vật và chế độ ăn “nghèo” rau xanh chính là thủ phạm gây tăng cân, gia tăng các bệnh mạn tính, đặc biệt là tăng huyết áp, đái tháo đường…
Đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, nhưng lại là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50 gr cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng bánh chưng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể (ước khoảng 300 - 400 kcal). Trong khi đó, với 30 phút đi bộ (tốc độ đạt 5 km/giờ) thì mới tiêu thụ được khoảng 120 kcal.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, là nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường... Ở trẻ em, ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Để khắc phục tình trạng tăng cân ngày Tết, tăng đường huyết do chế độ ăn nhiều ngọt; tăng mỡ máu do chế độ ăn nhiều chất béo, các chuyên gia lưu ý mọi người không nên bỏ quên rau xanh và trái cây vì đây là nguồn cung cấp vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân.
Lượng rau quả được khuyến cáo trong ngày Tết: với người bình thường nên ăn ít nhất 5 suất rau và trái cây 1 ngày (mỗi suất tương đương 80 gr) để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, béo phì…
Uống an toàn
Theo Cục Y tế dự phòng, đối với người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%), hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml hay 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). Tuy nhiên, tùy mỗi cơ thể, ngưỡng rượu, bia sử dụng khác nhau, do đó cần chủ động kiểm soát đồ uống có cồn.
Cùng với kiểm soát rượu, bia, mỗi người cần chú ý cung cấp đủ nước uống (từ 2 lít nước/ngày) để đảm bảo sự hấp thu, chuyển hóa và cơ thể không mệt mỏi vì thiếu nước. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gout... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.