Điểm mù quân sự trong cuộc chiến loại bỏ phát thải khí nhà kính

10/07/2023 19:45 GMT+7

Trong lúc khí hậu ngày càng cực đoan, các nhà khoa học đang tăng áp lực lên Liên Hiệp Quốc để yêu cầu ngành quốc phòng công khai lượng khí thải từ các hoạt động, và chấm dứt quyền miễn trừ lâu dài đối với lĩnh vực quân sự, Reuters đưa tin ngày 10.7.

Báo cáo được công bố trên tạp chí Nature ước tính tỷ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu từ các hoạt động quân sự rơi vào khoảng 1-5%, tương đương với ngành hàng không và vận tải biển. 

Các tác giả lưu ý rằng chỉ riêng quân đội Mỹ đã thải ra nhiều khí nhà kính hơn nhiều quốc gia, bao gồm Peru, Singapore và Thụy Sĩ. Nếu là một quốc gia, quân đội Mỹ sẽ có lượng khí thải bình quân đầu người cao nhất thế giới (ở mức tương đương 42 tấn CO/nhân viên).

Hoạt động quân sự: điểm mù trong cuộc chiến chống khí thải

Tiến sĩ Oliver Heidrich, giảng viên cao cấp tại Trường Kỹ thuật thuộc Đại học Newcastle (Anh), trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng tổng số thực tế có thể còn cao hơn bởi tồn tại nhiều lỗ hổng trong các quy định quốc tế về kiểm soát lượng khí thải từ hoạt động quân sự.

Điểm mù quân sự trong cuộc chiến loại bỏ phát thải nhà kính - Ảnh 1.

Xe tăng K1A1 của quân đội Hàn Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận bắn đạn thật với Mỹ ở TP.Pocheon, Hàn Quốc ngày 22.3

REUTERS

Lỗ hổng trong quản lý

Theo trang Inside Climate News, Nghị định thư Kyoto năm 1997 về giảm khí thải nhà kính đã nhất trí miễn trừ khai báo khí thải từ các hoạt động quân sự đa phương, bao gồm các hoạt động có sự tham gia của hơn 2 quốc gia, và từ các tàu và máy bay tham gia vận tải quốc tế. Điều này đồng nghĩa phần lớn lượng carbon thải ra trong các hoạt động quân sự của các quốc gia thành viên sẽ không cần phải được theo dõi và báo cáo cho Liên Hiệp Quốc (LHQ). Điều khoản này tiếp tục được miễn trừ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, với lý do dữ liệu về việc sử dụng năng lượng của quân đội có thể làm tổn hại an ninh quốc gia. 

Xung đột ở Ukraine vì sao làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu?

Hiện các nhóm môi trường Tipping Point North South và The Conflict and Environment Observatory, cùng với các học giả từ các đại học gồm Lancaster, Oxford và Queen Mary của Anh đang thúc đẩy các cơ quan hữu quan quản lý việc giám sát chặt chẽ lượng khí thải quân sự toàn diện và minh bạch hơn. 

"Tình trạng khẩn cấp về khí hậu của chúng ta không còn đủ khả năng cho phép loại bỏ khí thải liên quan xung đột và quân sự trong quy trình của Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC)", nhóm này viết.

Đề xuất cách giảm khí thải trong quân sự

Reuters dẫn lời chuyên gia Neta Crawford, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford (Anh), cho biết việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, cũng như tập trận quân sự quy mô nhỏ hơn, đã góp phần vào việc giảm lượng phát thải ra môi trường.

Điểm mù quân sự trong cuộc chiến loại bỏ phát thải nhà kính - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine khai hỏa ở tiền tuyến tại tỉnh Kharkiv ngày 6.7

REUTERS

Việc sử dụng máy bay không người lái ở quy mô lớn hơn cũng có thể giúp ích. "Một trong những công nghệ giảm phát thải lớn nhất là sử dụng máy bay không người lái (drone). Khi giảm bớt 1 người trên máy bay, hiệu suất năng lượng được cải thiện đáng kể", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên nói với Reuters.

Viện dẫn sự gia tăng lượng khí thải gây ra do xung đột Ukraine, các nhóm vận động hành lang tại LHQ cho rằng đây là lý do chính đáng cho sự thay đổi.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng chính xung đột tại Ukraine đã khiến các nước khác e dè trong việc báo cáo phát thải quân sự và làm chậm các cuộc thảo luận trong thời gian tới.

Ông James Appathurai, Phó trợ lý Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phụ trách các thách thức an ninh mới, cho biết: "Điều quan trọng là phải hiểu rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến vấn đề này trở nên phức tạp hơn một chút".

Một số quân đội nói rằng việc công bố chi tiết về lượng năng lượng hóa thạch mà họ sử dụng sẽ là điểm yếu cho chính họ trong xung đột. Theo ông Markus Ruelke, thành viên cơ quan bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng Đức, cho biết: "Chúng tôi không muốn cho mọi người biết chúng tôi sử dụng bao nhiêu nhiên liệu trong các nhiệm vụ này, chúng tôi bay bao xa, lái xe bao xa và mô hình tập luyện của chúng tôi là gì".

Điểm sáng mới?

Theo Reuters, hiện tại, có rất ít khả năng xuất hiện bất kỳ kết quả khả quan nào đối với nỗ lực vận động hành lang trong năm nay. Ban thư ký UNFCCC cho biết chưa có kế hoạch cụ thể nào để sửa đổi quy định về quản lý khí thải quân sự. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai, bao gồm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bắt đầu vào ngày 30.11.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy một số quân đội đang chuẩn bị cho những thay đổi nhằm giảm tác động do khí hậu. Đơn cử, một đại diện NATO nói với Reuters rằng liên minh đang chuẩn bị giải pháp để buộc các thành viên báo cáo lượng khí thải quân sự.

Trong khi đó, Washington đã cử đại diện của quân đội và hải quân Mỹ tới dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập vào năm ngoái. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Lầu Năm Góc tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, theo thống kê của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ - chuyên giám sát hoạt động mua dầu, 84 triệu thùng đã được mua vào năm 2022, giảm gần 15 triệu thùng so với năm 2018. Trong khi đó, lượng phát thải vào năm 2022 đã giảm xuống 48 triệu tấn so với 51 triệu tấn của năm 2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.