Điểm nhìn cao, tầm nhìn thấp

10/11/2023 07:23 GMT+7

Vừa qua, cư dân địa phương và du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) hụt hẫng và bức xúc trước việc Công ty Hoàng Gia Đà Lạt cho xây một công trình khách sạn - nhà hàng có khối tích lớn, cao 4 tầng (cho tới hiện tại) ngay trong không gian đồi Cù, làm phá vỡ trục cảnh quan và tầm nhìn đẹp của thành phố du lịch này.

Điểm nhìn cao, tầm nhìn thấp - Ảnh 1.

Đà Lạt nhìn từ trên cao

Độc Lập

Trả lời báo chí, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, biện hộ: "Góc nhìn quy hoạch được xác định từ đầu đèo Prenn về hướng núi Langbiang".

Phát biểu trên đã được báo chí trích dẫn, cho thấy đằng sau đó là một tư duy quản lý quy hoạch hết sức nguy hiểm. Vì nếu lấy cao điểm đầu đèo Prenn (đồi Robin chẳng hạn) để nhìn về phía núi Langbiang, thì nguy cơ sẽ kéo theo hệ lụy là khu nội đô Đà Lạt trong tương lai gần được cho phép mọc lên những cao ốc rất dễ dàng. Cảnh quan đặc trưng sẽ còn bị tác động nhiều hơn.

Và nếu cũng đứng từ điểm nhìn mà vị lãnh đạo Sở nói trên đề xuất để nhìn cảnh quan thành phố, lúc bấy giờ chỉ có thể thấy một thung lũng ken kín các công trình cao tầng bức bối, không còn mảng xanh; không chỉ các công trình di sản kiến trúc, biểu tượng của thành phố mà cả núi Langbiang nữa, sẽ trở thành những "tiểu cảnh" mờ nhạt, chìm khuất.

Đặt tầm nhìn vào nơi có con người sinh hoạt, đi lại, cân nhắc tỷ lệ để đường chân trời mở ra phóng khoáng, thiên nhiên hiện diện trong nhãn quan cư dân và du khách, đó là tiêu chí bắt buộc mà bất cứ một đô thị nào muốn phát triển bền vững cũng phải tuân theo. Nói bảo tồn thiên nhiên và di sản không thể là cách nói chung chung, mà phải được thể hiện qua việc bố trí, chỉnh trang cấu trúc đô thị, nơi các trục cảnh quan phải đảm bảo yếu tố khoa học, thẩm mỹ và cứu cánh là mang lại chất lượng sống cho con người hiện diện trong đô thị.

"Mã gene" quy hoạch để có một thành phố xinh đẹp trong lòng mọi người đã được các kiến trúc sư, nhà quy hoạch Pháp như Ernest Hébrard, Pineau hay J.Lagisquet phân tích, thiết lập rất kỹ trong quá khứ. Tiếc thay, thành phố với nhiều không gian bất kiến tạo, công viên lớn, những lối đi nhiều cây xanh, các trục đường tản bộ bên hồ nước để du khách và cư dân tìm thấy sự thanh bình, thư thái (như chúng tôi đã từng đề cập trong bài Trả lại không gian thư nhàn cho Đà Lạt, Thanh Niên số ra ngày 23.4.2023) đã tồn tại trong hơn 100 năm, nhưng những điều đó đang mất dần bởi những điểm nhìn sai lệch trong quản lý quy hoạch khoảng 30 năm qua.

Đặc tính, bản sắc đô thị mất mát từ các bài tính sai, "điểm nhìn cao mà tầm nhìn thấp" đã kéo theo những ảnh hưởng nhãn tiền về kinh tế du lịch, truyền thông hình ảnh đô thị. Minh chứng là gần đây lượng khách đến Đà Lạt có xu hướng sụt giảm, Đà Lạt vừa bị loại khỏi top 5 thành phố được du khách trong nước yêu thích (theo bình chọn từ Vietnam Travel Market Tracker tháng qua) có lẽ một phần do sự mất mát giá trị đặc thù.

Trở lại chuyện xây công trình lớn trong Đồi Cù, án ngữ tầm nhìn hướng núi Langbiang mà dư luận đang bức xúc, đại diện Sở Xây dựng Lâm Đồng nói với báo chí rằng chính quyền đã cân nhắc kỹ trước khi cho phép chủ đầu tư tiến hành xây dựng. Nhưng câu hỏi đặt ra khi các bài tính của chính quyền được "giải" từ một điểm nhìn, tầm nhìn tưởng "cao" về địa lý nhưng thấp về tâm, tầm chuyên môn, dẫn đến giá trị đặc trưng đô thị bị hủy hoại, thì có kịp cứu vãn không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.