Điểm nóng Kashmir và 7 thập niên xung đột

01/03/2019 08:05 GMT+7

Ấn Độ và Pakistan đã trải qua 2 cuộc chiến tranh và hàng loạt cuộc xung đột tại Kashmir kể từ khi Anh chấm dứt chế độ thực dân ở Nam Á năm 1947.

Kashmir - vùng đất nằm phía tây của dãy Himalaya, là trung tâm của sự thù địch hơn 70 năm qua kể từ khi Ấn Độ dưới sự cai trị của Anh chia tách thành 2 nước Ấn Độ với đa số người Hindu và Pakistan của người Hồi giáo. Vấn đề nảy sinh khi nhiều vương bang thuộc chế độ cũ muốn duy trì sự độc lập trong khi người dân tại những vùng này lại phản đối bằng bạo lực.

Cuộc chiến tranh thứ nhất

Theo The Telegraph, sau khi chia tách vào năm 1947, Kashmir với vị trí nằm giữa Ấn Độ và Pakistan có thể chọn sáp nhập vào một trong hai nước. Tiểu vương Hari Singh, người cầm quyền của Kashmir, là một người Hindu trong khi đa số dân cư vùng này là người Hồi giáo. Do không thể đưa ra lựa chọn, Hari Singh quyết định con đường trung lập.
Tuy nhiên, đến tháng 10.1947, Pakistan xua quân đánh vào thủ phủ Srinagar của Kashmir khiến ông Singh phải cầu viện Ấn Độ. Ngày 26.10.1947, ông ký văn kiện nhường Kashmir cho Ấn Độ. Cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Ấn Độ và Pakistan chính thức nổ ra tại Kashmir và kéo dài đến cuối năm 1948.
Trong nghị quyết đưa ra vào ngày 13.8.1948, Liên Hiệp Quốc (LHQ) yêu cầu Pakistan rút quân và sau đó Ấn Độ cũng sẽ rút phần lớn binh lực khỏi vùng xung đột. Sau khi việc rút quân được tiến hành, một cuộc bầu cử công bằng diễn ra để người dân Kashmir tự quyết định tương lai. Ngày 30.10.1948, chính quyền lâm thời được lập ra tại Kashmir với Thủ hiến là ông Sheikh Abdullah, một lãnh đạo nhiều ảnh hưởng ủng hộ Ấn Độ.
Tuy vậy, Pakistan không chấp nhận nghị quyết của LHQ và tiếp tục chiến đấu, chiếm giữ 1/3 khu vực Kashmir. Lệnh ngừng bắn được ký kết vào ngày cuối năm 1948 và chính thức có hiệu lực vào năm 1949. Đường giới tuyến ngừng bắn được thiết lập và sau này đổi tên thành Đường kiểm soát (LoC).
Cuộc bầu cử mà LHQ đề xuất không bao giờ diễn ra và hai nước tiếp tục quản lý phần lãnh thổ đã giành được với ý định sẽ chiếm lại hoàn toàn quyền kiểm soát sau này.

Chiến tranh lần 2

Cuộc chiến tranh thứ hai giữa hai nước tại Kashmir diễn ra vào năm 1965 và kéo dài chưa đầy 2 tháng. Sau thất bại của quân đội Ấn Độ trước Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, Pakistan cho rằng Ấn Độ sẽ không thể và cũng không sẵn sàng chống đỡ một chiến dịch quân sự chóng vánh tại Kashmir, theo chuyên san Global Security. Bên cạnh đó, chính quyền Pakistan ngày càng trở nên lo lắng trước những hành động nhằm chính thức sáp nhập Kashmir của Ấn Độ.
Cộng thêm những tin tức được loan truyền rộng rãi trong giới cầm quyền Pakistan cho rằng người dân Kashmir đang ngày càng bất mãn dưới sự quản lý của Ấn Độ, Pakistan đi đến quyết định thực hiện cuộc tiến công nhằm giành quyền kiểm soát vùng đất tranh chấp. Ngày 5.8.1965, Pakistan đưa quân tràn qua LoC, tiến vào nhiều vùng tại Kashmir. Hai bên giao chiến giằng co đến ngày 22.9.1965 thì đồng ý thỏa thuận ngừng bắn do LHQ bảo trợ.
Ngày 10.1.1966, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Lal Bhadur Shastri và Tổng thống Pakistan Ayub Khan ký Thỏa thuận Tashkent chính thức chấm dứt cuộc chiến ngắn ngày vào năm 1965. Các bên đồng ý rút toàn bộ lực lượng về vị trí kiểm soát từ trước ngày 5.8.1965, khôi phục quan hệ ngoại giao và thảo luận các vấn đề kinh tế, người tị nạn...

Xung đột âm ỉ

Một cuộc chiến khác giữa hai nước láng giềng
Năm 1971, chiến tranh lại nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan, tuy nhiên không phải là về tranh giành tại Kashmir mà là vùng đất Đông Pakistan do chính quyền Islamabad quản lý nằm tách biệt ở phía đông Ấn Độ. Ở mặt trận phía tây, Ấn Độ giữ vững được phòng tuyến và thậm chí tấn công sâu vào lãnh thổ Pakistan. Trong khi đó ở Đông Pakistan, quân Ấn Độ và người Bengal tiến vào Dhaka cuối năm 1971, buộc quân Pakistan đầu hàng và sau đó thành lập nhà nước Bangladesh, theo The Telegraph.
Kể từ sau 2 cuộc chiến, quân đội của hai quốc gia Nam Á trong tình trạng đối đầu với nhau tại LoC trong suốt nhiều năm qua, trong đó đáng chú ý có cuộc xung đột vào năm 1999 làm dấy lên nguy cơ chiến tranh hạt nhân vì cả hai đều đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1998. Cuộc xung đột được cho là khiến 1.000 người thiệt mạng tính cả hai phía và kéo dài trong khoảng 10 tuần, theo Reuters. Những vụ nổ súng lẻ tẻ diễn ra dọc LoC trong suốt những năm kế tiếp và chỉ tạm thời lắng xuống sau thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2003.
Ngày 18.9.2016, một nhóm vũ trang tấn công căn cứ quân sự Ấn Độ tại vùng Uri do nước này kiểm soát ở Kashmir khiến 19 binh sĩ thiệt mạng. Ấn Độ sau đó tuyên bố đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát nhưng Islamabad bác bỏ hành động này đã xảy ra.
Nhiều người Hồi giáo tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát từ lâu đã phản đối sự quản lý của New Delhi và các nhóm vũ trang nhiều lần nổi dậy để giành quyền tự trị hoặc sáp nhập vào Pakistan. Phía Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn những nhóm nổi dậy nhằm kích động tấn công và phong trào ly khai tại Kashmir, trong khi Islamabad phủ nhận và nói chỉ hỗ trợ chính trị cho người dân Kashmir. Diễn biến tương tự lặp lại trong những ngày qua và vùng Kashmir tiếp tục trở thành điểm nóng xung đột. Màn ăn miếng trả miếng của hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân một lần nữa làm dấy lên lo ngại về chiến tranh, khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi kiềm chế.
Ấn Độ hiện kiểm soát khoảng 45% diện tích toàn Kashmir ở các vùng phía đông và nam. Pakistan quản lý khoảng 30% ở vùng phía tây và phía bắc trong khi Trung Quốc cũng kiểm soát một vùng nhỏ ở khu vực tranh chấp này. Ấn Độ tuyên bố toàn bộ vùng Kashmir (nước này đặt tên là bang Jammu và Kashmir) là một phần lãnh thổ không thể tách rời vì tiểu vương Hari Singh đã đồng ý sáp nhập vào năm 1947. Trong khi đó, Pakistan tuyên bố vùng Kashmir do nước này kiểm soát là một phần lãnh thổ từ trước khi giành độc lập và yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý do LHQ bảo trợ nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài hơn 7 thập niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.