Trường ĐH Tây Nguyên, nơi tôi công tác, có quy định khá chặt chẽ về việc tính điểm rèn luyện của sinh viên. Tuy nhiên, những quy định này có vẻ dễ thở hơn so với một số trường khác.
Dù vậy, từ thực tế xét điểm rèn luyện của sinh viên trong những năm qua, đã có lúc bản thân tôi phải điều chỉnh nguyên tắc làm việc của mình, linh hoạt hơn để đảm bảo quyền lợi của sinh viên.
Cố đạt điểm rèn luyện vì học bổng
Đa số sinh viên quan tâm nhiều đến điểm rèn luyện là những người có khả năng được nhận học bổng khuyến khích học tập, còn những sinh viên khác thì "sao cũng được". Việc xét điểm rèn luyện của sinh viên giữa các lớp, khoa hoàn toàn không giống nhau dù cùng thực hiện theo một chuẩn chung do nhà trường đưa ra. Bởi mỗi một mục tính điểm thường sẽ có mức điểm tối đa và tối thiểu, và có những mục sẽ không thể nào cung cấp minh chứng xác thực như: Chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ tài sản, cảnh quan môi trường; Tham gia tuyên truyền, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; Chấp hành và tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng; Có tinh thần chia sẻ, giúp đỡ người thân, người có khó khăn, hoạn nạn.
Nếu sinh viên đã từng ủng hộ một hoàn cảnh khó khăn nào đó như cụ già bán vé số, người bị trộm mất tiền bạc không còn tiền mua vé xe về quê… thì làm sao có thể đi tìm lại người đã được giúp để họ làm chứng rằng đúng là sinh viên đã giúp họ?
Hơn nữa, những sinh viên vốn thích giúp đỡ người khác một cách thầm lặng thì cũng chẳng chú ý đến việc giúp người phải lưu lại minh chứng. Tôi biết có sinh viên đã chẳng suy tính đắn đo, sẵn sàng đến bệnh viện hiến máu ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân cần truyền máu gấp mà gia đình không có ai trùng nhóm máu.
Nếu tôi yêu cầu sinh viên phải lên xin xác nhận của bệnh viện về hành động giúp người hoạn nạn đó thì chắc chắn bạn sẽ lắc đầu bỏ qua. Tôi cũng biết có bạn tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tới 3 lần trong 4 năm học vì yêu thích chứ chẳng phải vì để cộng điểm.
Chấm gắt điểm rèn luyện, sinh viên chịu thiệt thòi
Điểm rèn luyện của sinh viên ảnh hưởng đến loại học bổng (số tiền) mà các bạn được nhận. Do đó, năm đầu tiên làm cố vấn học tập, xét điểm rèn luyện cho sinh viên, tôi làm rất chặt chẽ, phải có minh chứng mới tính điểm tối đa, còn không thì chỉ cho mức tối thiểu hoặc 0 điểm. Kết quả là học kỳ đó sinh viên lớp tôi bị thiệt thòi, không được loại học bổng cao mà chỉ được loại học bổng thấp hơn cho dù điểm học tập bằng với các lớp khác.
Nguyên nhân là sinh viên các lớp khác điểm rèn luyện rất cao. Dù sinh viên không trách móc tôi nhưng tôi hiểu các bạn buồn vì đã bị "cạnh tranh không lành mạnh". Sau lần đó, tôi rút ra kinh nghiệm, mình không thể cứ cứng nhắc theo đúng quy định trong khi những người khác lại linh hoạt.
Vì vậy, trong những lần xét điểm rèn luyện sau, tôi chấm điểm linh hoạt tùy theo trường hợp và thống nhất cách tính điểm cho sinh viên một cách công khai, công bằng, cụ thể, rõ ràng trước lớp. Kết quả cũng được công bố ngay sau cuộc họp nên không sinh viên nào thắc mắc.
Dưới góc nhìn của một người từng trải qua thời sinh viên tham gia nhiều hoạt động phong trào vì nhu cầu của bản thân chứ không phải bị ép buộc, tôi cho rằng quy định về điểm rèn luyện là cần thiết.
Sinh viên không chỉ biết học mà còn phải tham gia các hoạt động phong trào Đoàn, Hội từ đó hoàn thiện bản thân, phát triển các kỹ năng mềm. Để đạt mức điểm rèn luyện 100 dĩ nhiên sẽ rất khó nhưng 70 điểm là nằm trong tầm tay của sinh viên.
Không nhà tuyển dụng nào đòi hỏi sinh viên phải có kết quả rèn luyện 100 điểm, cũng chẳng ai đánh giá bạn 70 điểm là đạo đức kém hơn bạn 100 điểm. Vì vậy, tùy vào mục tiêu của mỗi người, sinh viên có thể cân nhắc, lựa chọn những hoạt động mà mình muốn thay vì phải tham gia chỉ để lấy điểm.
Bình luận (0)