Điểm sàn xét tuyển ngành sức khỏe và giáo viên năm 2025 ra sao?

20/02/2025 10:44 GMT+7

Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ năm nay dự kiến có một số điều chỉnh so với dự thảo lấy ý kiến và so với quy chế tuyển sinh năm 2024. Đáng chú ý trong đó là quy định ngưỡng điểm sàn xét tuyển với khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên.

Điểm sàn xét tuyển ngành sức khỏe và giáo viên năm 2025 ra sao? - Ảnh 1.

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM

ẢNH: PHẠM HỮU

Năm 2025: Chưa áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mới

Theo thông tin đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 15.2, quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên năm 2025 dự kiến sẽ được giữ nguyên như quy chế hiện hành (quy chế tuyển sinh áp dụng trong năm 2024 – PV). Ngưỡng này chưa điều chỉnh trong năm nay nhằm phù hợp với quá trình chuẩn bị của thí sinh trong thời gian qua để tham gia xét tuyển các khối ngành này.

Vậy, ngưỡng đảm bảo đầu vào áp dụng với khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên năm 2024 cụ thể ra sao? Theo quy chế áp dụng cho năm tuyển sinh 2024, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng điểm sàn cho 2 khối ngành này theo từng phương thức xét tuyển.

Với các phương thức tuyển sinh đào tạo chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngưỡng đầu vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe do Bộ GD-ĐT công bố hàng năm (mức điểm này được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT từng năm).

Còn đối với tuyển sinh đào tạo hình thức khác hoặc thí sinh không dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, ngưỡng đầu vào các ngành này được quy định như sau: Thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên (trừ các ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ) và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học.

Thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên xét tuyển các ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ và các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.

Các trường hợp thí sinh không phải áp dụng ngưỡng đầu vào chung khối ngành đào tạo giáo viên và sức khoẻ. Cụ thể là trường hợp xét tuyển ngành phù hợp thuộc diện tuyển thẳng theo quy định; Thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, thí sinh ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật có điểm thi năng khiếu do cơ sở đào tạo tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10,0) khi đăng ký xét tuyển vào các ngành phù hợp cũng không phải áp dụng ngưỡng đầu vào.

Ngoài ra, quy chế cũng quy định ngưỡng đầu vào cụ thể với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên dự tuyển cùng nhóm ngành; người đã trúng tuyển hoặc đã tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên trước ngày 7.5.2020 nếu dự tuyển vào học ĐH để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Điều 72 luật Giáo dục năm 2019.

Ngưỡng chính thức có gì khác so với dự thảo lấy ý kiến?

Trước đó, trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non được đưa ra lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT dự định nâng ngưỡng đầu vào ngành sư phạm và sức khỏe trong năm tuyển sinh 2025.

Theo dự thảo, học sinh cần có kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi từ năm 2024 trở về trước, Bộ GD-ĐT chỉ quy định ngưỡng cần đạt là kết quả học tập lớp 12 đạt học lực loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8 trở lên.

Không chỉ yêu cầu tăng số lượng năm học, dự thảo còn quy định ngưỡng đảm bảo điều kiện trên áp dụng cho tất cả các phương thức xét tuyển. Trong khi đó, quy chế hiện hành chỉ yêu cầu ngưỡng đảm bảo điều kiện đầu vào với các phương thức xét ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT. Có nghĩa, nếu dự thảo được ban hành chính thức, năm 2025 dù xét tuyển bằng phương thức nào, HS cũng cần đạt học lực tốt 3 năm THPT khi đăng ký vào các ngành trên thuộc khối ngành sư phạm và sức khỏe.

Một số ngành khác thuộc 2 khối ngành có yêu cầu ngưỡng đảm bảo đầu vào thấp hơn như: giáo dục thể chất, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật; ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Theo đó, dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Như vậy, theo dự thảo, thí sinh không có học lực tốt 3 năm THPT sẽ không được xét tuyển vào nhiều ngành của 2 lĩnh vực đào tạo đặc thù này. Sau khi dự thảo được ban hành, nhiều học sinh và phụ huynh bày tỏ băn khoăn khi điều chỉnh này nếu ban hành sẽ tác động lớn đến người học. Chuyên gia tuyển sinh một số trường ĐH cũng kiến nghị, quy định mới này chưa nên áp dụng ngay trong năm 2025 mà cần cân nhắc lộ trình áp dụng phù hợp đối với những quy định mà ảnh hưởng đến quyền lợi của các học sinh đã chuẩn bị từ khi vào học lớp 10.

Như vậy, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã quyết định chưa áp dụng mức chuẩn mới trong ngưỡng đảm bảo đầu vào khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên trong năm tuyển sinh 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.