Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Chi hội Lữ hành Đà Nẵng (Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng).
Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khẳng định Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã và đang là trung tâm du lịch lớn cả nước, có truyền thống, đặc biệt là điểm sáng trong việc liên kết hoạt động.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, khu vực 3 tỉnh, thành miền Trung này tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành điểm đến mới của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á, với 20 - 25 triệu lượt khách du lịch/năm.
Sự liên kết của 3 địa phương đã phát huy rõ nét hiệu quả và bổ sung thế mạnh tiềm năng, lợi thế cho nhau, nhất là khi "con đường di sản miền Trung" đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, các sự kiện, lễ hội trọng điểm của 3 tỉnh, thành này đều thu hút đông đảo du khách như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế, Hành trình di sản Quảng Nam…
"Tuy nhiên, du lịch 3 tỉnh, thành còn nhiều hạn chế trong đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, cần tăng tính liên kết hơn nữa để tăng cạnh tranh. Còn thiếu hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú chất lượng cao, ảnh hưởng đến phát huy giá trị sự kiện, lễ hội", ông Hà Văn Siêu nói.
Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đề nghị các tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cần lựa chọn một vài lễ hội truyền thống, sự kiện có tầm quan trọng, tiêu biểu, giàu giá trị để đầu tư sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, hấp dẫn.
Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định thời gian gần đây những sự kiện quốc tế như APEC, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế, Festival di sản Quảng Nam... đã đưa miền Trung trở thành trung tâm du lịch MICE cả nước.
Để khu vực 3 tỉnh, thành tiếp tục giữ vai trò cực tăng trưởng du khách mới của cả nước, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, gợi mở mỗi địa phương cần tiếp tục phát huy các sự kiện, lễ hội, đầu tư trở thành thế mạnh sản phẩm điểm đến, khai thác tốt nhất giá trị lễ hội. Đồng thời, điều chỉnh hiệu quả hơn các quy chế phối hợp đã có, như thống nhất lịch sự kiện, lễ hội không trùng nhau để du khách, doanh nghiệp chủ động trong khâu tham quan, khai thác.
Bình luận (0)