Những đánh giá này được đưa ra tại Tọa đàm hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ về thương mại, đầu tư và công nghệ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức hôm 8.9 tại thành phố Zurich. Sự kiện có tên gọi Ngày Việt Nam (Vietnam Day 2023) được tổ chức thường niên từ năm 2022 nhằm chào mừng Quốc khánh Việt Nam.
Đây là nỗ lực lớn của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đồng hành cùng các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế. Sự kiện có lẽ cũng đánh dấu lần đầu tiên cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò chủ động và chủ đạo trong việc tổ chức hoạt động quảng bá kinh doanh quy mô lớn. Tham gia khâu tổ chức lần này còn có Bộ Công thương Việt Nam, tổ chức thiện nguyện Keep It Beautiful Vietnam, Hội chuyên gia trí thức Việt tại Thụy Sĩ, Phòng thương mại Thụy Sĩ - châu Á, các quỹ đầu tư tài chính Bellecapital, AQUIS Capital.
Sự kiện thu hút khoảng 150 người tham dự gồm đại diện các cơ quan bộ ngành, chuyên gia kinh tế, quỹ đầu tư tài chính và doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, tọa đàm có sự tham dự và phát biểu của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhân chuyến công tác đến Thụy Sĩ. Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass, Vụ trưởng Vụ thị trường Âu-Mỹ Bộ Công thương Tạ Hoàng Linh, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ cũng tham gia phát biểu trực tuyến từ Hà Nội. Đại diện một số doanh nghiệp mảng đầu tư tài chính và công nghệ của Việt Nam như SSI Securities, Innolab Asia, Finhay cũng tham gia thảo luận từ xa.
Nâng cấp quan hệ kinh tế
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long nhấn mạnh sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo cấp cao hai nước đều mong muốn và thống nhất cần sớm đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới. "Hồi tháng 2.2023, Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ ban hành Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026, nhận định Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á và là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ.
Về phía Việt Nam, Chính phủ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sĩ, coi Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Hai nước đang tích cực đàm phán để sớm đi đến ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên", Đại sứ Phùng Thế Long nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong bài phát biểu của mình cho hay đến nay các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào thủ đô Hà Nội 109 triệu USD ở các mảng công nghệ, chế tạo, công nghiệp chế biến và giáo dục. Ông cũng thể hiện mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Thụy Sĩ về nghiên cứu phát triển (R&D), các mảng kinh tế công nghệ cao, kinh tế xanh, bền vững. "Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, với thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thụy Sĩ, dư địa cho hợp tác kinh tế giữa hai nước đặc biệt lớn, nhất là tại Hà Nội - một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam", ông Thanh nói.
Từ Hà Nội, Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass chia sẻ ấn tượng của ông về sự năng động và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, hợp tác chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ông cũng cho biết, trong vòng 8 tháng kể từ khi đến Hà Nội, ông đã đi thăm và chứng kiến sự thành công của các doanh nghiệp Thụy Sĩ ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ như Sika, ABB, Nestlé đã và sắp kỷ niệm 30 hoạt động tại Việt Nam.
"Nếu bạn muốn thấy sự hiện diện của Thụy Sĩ ở Việt Nam, đừng tìm các bảng hiệu, mà hãy vào các cơ xưởng chế tạo, phòng thí nghiệm, nhà máy chế biến nông sản thực phẩm, các công trình xây dựng, công trình quản lý ngập lụt, chống chọi với biến đổi khí hậu... của Việt Nam. Bạn sẽ nhìn thấy công nghệ, kỹ thuật, quy trình quản lý Thụy Sĩ ở đó", ông nói. Đại sứ Gass cũng gợi ý trong thời gian tới hai nước nên đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực R&D, giáo dục đại học cũng như đào tạo nhân lực trong khu vực kinh tế tư nhân, và đồng thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong khi đó, Đại sứ Markus Schlagenhof, Vụ trưởng Vụ Thương mại thế giới của Bộ Kinh tế và thành viên đoàn đàm phán về hiệp định thương mại của Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ, nhìn nhận Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thụy Sĩ tại Đông Nam Á. Trên 100 công ty Thụy Sĩ từ tầm cỡ đa quốc gia cho đến vừa và nhỏ trong các lĩnh vực từ xây dựng, chế tạo máy móc, công cụ chính xác, chế biến thực phẩm, đến công nghệ y khoa, công nghệ thông tin, vận tải và hậu cần… đang hoạt động tại Việt Nam với tổng nhân lực 20.000 người.
"Xu thế gia tăng thương mại song phương và đầu tư từ Thụy Sĩ vào Việt Nam khẳng định Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn đối với Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhiều dự báo đầy lạc quan về Việt Nam như tăng trưởng kinh tế trung bình 6,9% trong những năm tới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức hiện tại khoảng 4.000 USD lên 7.000 USD vào năm 2028", Đại sứ Schlagenhof phát biểu đầy tin tưởng.
Về vấn đề FTA giữa EFTA và Việt Nam, Đại sứ Schlagenhof cho hay: "Trong vài tuần qua, nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao đã diễn ra, và tôi tin rằng hai bên đã hiểu rõ sự linh hoạt của nhau, đã biết phải làm gì để nhận được sự ủng hộ từ hai phía. Ít nhất, chúng ta đã có con đường rõ ràng ở phía trước". Ông Schlagenhof cũng cho biết vài ngày trước khi ông phát biểu tại tọa đàm, Quốc hội Thụy Sĩ đã có cuộc họp về vấn đề FTA với Việt Nam. Đây chính là kết quả của chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6 của Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas.
Đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA bắt đầu từ năm 2012 và dừng lại năm 2018 sau 16 vòng đàm phán. Từ đó, vấn đề này được đề cập mạnh mẽ trong mọi cuộc gặp gỡ giữa hai nước, nhưng không có nhiều chuyển biến, cho đến gần đây. "Tôi chưa bao giờ lạc quan như hôm nay", Đại sứ Schlagenhof khẳng định và thông tin thêm trong tháng 10 sẽ có các cuộc gặp cấp chuyên gia, và vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tái lập để đến cuối năm nay mọi thành tố cơ bản của hiệp định đã rõ ràng. "Tôi tin chúng ta sẽ đến đích. Hiệp định thương mại mới sẽ củng cố thêm sự bảo đảm về pháp lý cho các nhà đầu tư Thụy Sĩ, thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào Việt Nam", ông nói.
Trong lúc chờ đợi hiệp định mới, bà Angela Di Rosa, Cố vấn cấp cao về thị trường Đông Nam Á của Cơ quan phát triển doanh nghiệp Thụy Sĩ toàn cầu (S-GE) thuộc Tổng cục Kinh tế Liên bang, khuyến khích doanh nghiệp Thụy Sĩ mạnh dạn đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và các điều kiện kinh doanh, tìm kiếm đối tác địa phương và xúc tiến các hoạt động thương mại và đầu tư nếu thấy phù hợp.
Cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Trong phiên thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, tiến sĩ Laurent Sigismondi, Trưởng văn phòng CEO và thành viên ban điều hành tập đoàn kinh doanh thương mại và dịch vụ DKSH của Thụy Sĩ, đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đầu tư quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Trở lại hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, DKSH nhìn nhận Việt Nam là nơi mà tập đoàn rất thành công và cũng đang mang đến những cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác.
Trong khi đó, bà Xinyue Hou, quản lý 2 quỹ đầu tư tại châu Á và Việt Nam của Bellecapital trụ sở ở Zurich cho rằng với mức tăng trưởng ấn tượng và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Ông Thomas Erdmann, Trưởng phòng quản lý các quỹ và giải pháp đầu tư bền vững của ngân hàng Credit Suisse, thì nhìn thấy Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển các dự án đầu tư bền vững. Do đó, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững của Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, ông gợi ý.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của công ty chứng khoán SSI, đã cập nhật tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam và những lĩnh vực, ngành nghề mà dòng vốn ngoại đang đổ vào. Trong khi đó, Vụ phó Vụ Tổng hợp kinh tế Bộ Ngoại giao Đặng Khánh Linh, khẳng định trong lĩnh vực hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam
Trong phiên thảo luận về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số như blockchain, fintech (công nghệ tài chính), digital health (y tế số hóa)… của hai nước đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị và kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Họ cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp cần sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm để có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và hệ sinh thái hỗ trợ. Bà Trần Hoài Thu, đại diện Cục Phát triển Thị trường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Bình luận (0)