Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) về tình hình án kinh tế và tham nhũng hiện nay rất phức tạp, nhưng tại sao xử có mức độ và án treo nhiều, ông Bình thừa nhận: “Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá của ĐB. Quả thực án kinh tế cũng nhiều, xử treo cũng nhiều, như vậy nó tạo ra suy nghĩ là chúng ta khi đấu tranh đã không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế”.
“Chủ thể chủ yếu là người có chức”
Theo ông Bình, án kinh tế và án tham nhũng có lượng xử án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác có mức bình quân là 21%. Về nguyên nhân, đối với án kinh tế là do quan niệm của chính sách hình sự, là phải thu hồi được tài sản chiếm được trái phép nên hình phạt phải là kinh tế chứ không phải hình phạt tù. Đối với án tham nhũng, qua kiểm tra cho thấy hầu hết đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, có 39 trường hợp xử án treo sau khi Viện KSND tối cao kháng nghị đã được tòa chấp nhận 26 trường hợp tăng hình phạt.
“Mặc dù vận dụng luật là đúng, nhưng nếu quá nhiều thì cũng tạo ra phản cảm”, ông Bình nhìn nhận. Để khắc phục tình trạng này, ông cho biết một mặt sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Trong trường hợp tòa tuyên thì phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị. Trong quy định của luật đối với án tham nhũng có rất nhiều tình tiết có thể được vận dụng để xử dưới khung, để xử nhẹ hơn như tình tiết có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. “Đối với án tham nhũng, do chủ thể chủ yếu là những người có chức, có quyền, cho nên trước thời điểm phạm tội thì hầu hết đều có nhân thân tốt. Nhưng đây không được xem như là tình tiết giảm nhẹ, và phạm tội một lần cũng vậy. Không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để lại tham nhũng tiếp thì điều này cũng không xảy ra. Cho nên, chúng tôi yêu cầu chỉ đạo là 2 tình tiết này không được phép áp dụng trong đề xuất của Viện Kiểm sát đối với tội phạm tham nhũng”, ông Bình nói.
|
Trả lời câu hỏi của ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) về tình trạng giải quyết “các vụ án điểm” thường bị kéo dài, ông Bình nói đây là thực trạng của nhiều năm qua, chủ yếu là án kinh tế và tham nhũng. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó án kinh tế thường là án khó, đối tượng đông. Trong hoạt động tố tụng có quy định chặt về thời hạn nhưng giám định lại không quy định nên rất nhiều vụ án phải phụ thuộc vào giám định, đặc biệt là giám định tài chính, giám định công trình xây dựng…“Tuy nhiên kéo dài vẫn là lỗi, là điều không nên. Giải pháp thì chúng tôi sẽ cùng Bộ Công an, tòa án bàn và phối hợp để khắc phục”, ông Bình hứa.
“Điểm” trúng nhiều mặt yếu
Trước câu hỏi của ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) và một số ĐB khác về tình trạng nhiều bản án đã tuyên có nội dung không rõ ràng, án hủy sửa còn cao..., ông Bình cho rằng các ĐB đã “điểm” trúng nhiều mặt yếu của ngành tư pháp. Dù đây là trách nhiệm chung của các cơ quan tố tụng, song ông Bình cho biết sẽ có biện pháp quyết liệt để giải quyết. “Đối với ngành kiểm sát, chúng tôi coi đây như là một chỉ tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, các anh tham gia phiên tòa mà kiểm sát không đầy đủ để cho tòa tuyên những bản án khó thực thi thì việc này thuộc về trách nhiệm của kiểm sát viên và sẽ xem xét về mặt cán bộ”, ông Bình nói.
Trong phiên chất vấn hôm qua, các ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Trần Thị Dung (Điện Biên) đã gắn các vụ án cụ thể Lê Bá Mai ở Bình Dương, vụ bé Hào Anh ở Bạc Liêu với trách nhiệm của cơ quan kiểm sát để không làm oan sai cho dân.
Cuối tháng 6 sẽ thi hành án tử hình bằng thuốc độc Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về trách nhiệm kiểm tra thi hành án đối với việc không thi hành được án tử hình dù luật đã có hiệu lực, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết hiện có 586 bản án tử hình đã tuyên, trong đó có 117 bản án đã có điều kiện thi hành và đây là một áp lực rất lớn đối với bị cáo và cả cơ quan giam giữ. “Về giải pháp chúng tôi đề nghị với QH xem xét đến việc sửa lại luật Thi hành án tử hình, trong điều kiện hiện nay, cho phép tồn tại song song hai hình thức: hình thức cũ là bắn và hình thức mới tiêm thuốc độc. Dẫu chúng ta có thay đổi tên thuốc hay gì đó thì thực tế vẫn còn nhiều khó khăn khác”, ông Bình nói. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay là chưa có thuốc độc để thi hành án tử do phải nhập ở nước ngoài. Để khắc phục, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các ngành chức năng kiến nghị và Chính phủ đã ban hành Nghị định 47, thay bằng nguồn thuốc sản xuất trong nước. “Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27.6.2013, chúng tôi sẽ tiến hành ngay thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”, ông Quang nói. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng QH cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ này. “QH nói rất nhiều về công tác ban hành các luật, nhưng không vào cuộc sống được, rõ ràng mình không có thuốc mà mình lại thông qua luật có thuốc, công tác trình cho đến công tác thẩm tra, công tác giám sát và báo cáo ra QH để thông qua là không tốt”, ông nói. |
Thái Sơn
Bình luận (0)