Theo không quân Ukraine, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ toàn bộ 12 tên lửa hành trình Kh-101/555 và 31 UAV tự sát. Tuy nhiên phía Ukraine lại không đề cập tới hai tên lửa Kinzhal.
Truyền thông Ukraine sau đó công bố dữ liệu đường bay của tên lửa và UAV Nga, trong đó phần lớn nhằm vào thành phố Starokostiantyniv ở tỉnh Khmelnitsky, miền tây nước này. Video đăng trên mạng xã hội cũng cho thấy hỏa lực phòng không Ukraine khai hỏa dữ dội, cùng vụ nổ trên bầu trời khu vực Starokostiantyniv.
Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời người điều phối lực lượng nằm vùng tại Ukraine nói rằng đòn tấn công nhằm vào sân bay quân sự Starokostiantyniv, vì đây là địa điểm sắp tiếp nhận tiêm kích F-16 và có thao trường huấn luyện tân binh vận hành khí tài do phương Tây viện trợ.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Báo New York Times mới đây dẫn lời các chỉ huy Ukraine cho biết một số vũ khí dẫn đường chính xác do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine đã tỏ ra không hiệu quả trên chiến trường, độ chính xác của các loại vũ khí này bị giảm sút nghiêm trọng do nỗ lực gây nhiễu của Nga.
Trên thực tế, cuộc xung đột của Ukraine đã làm lộ ra nhiều lỗ hổng của vũ khí Mỹ mà qua đó Nga có thể khai thác và làm suy giảm hiệu quả.
Ukrainska Pravda đưa tin, trong bài phát biểu qua video được ghi hình ngay tại Kharkiv để gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Nga đang tập hợp một nhóm lực lượng mới gần biên giới, cách Kharkiv chỉ 90km.
Trong bài phát biểu này, ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới - bao gồm cả các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc - tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình.
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg hôm nay cho hay nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ không tham dự hội nghị hòa bình của Ukraine, vì diễn ra trung với thời điểm một sự kiện gây quỹ tranh cử.
Bình luận của ông Zelensky được đưa ra hai ngày sau khi các nguồn tin Nga nói với Reuters rằng ông Putin sẵn sàng tạm dừng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán công nhận các chiến tuyến hiện tại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng điều quan trọng là phải có càng nhiều quốc gia ngồi vào bàn đàm phán hòa bình càng tốt. Ông Putin thì cho biết ông tin rằng các cuộc đàm phán có thể biến yêu cầu của Ukraine về việc Nga rút quân thành tối hậu thư dành cho Nga.
Kể từ giai đoạn đầu của xung đột, công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã hỗ trợ cho chính quyền Kyiv các thiết bị đầu cuối của dịch vụ internet vệ tinh Starlink. Hệ thống này được dùng để liên lạc, điều phối các cuộc tấn công và thu thập tin tình báo.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều binh sĩ Ukraine báo cáo rằng kết nối đang chậm đi và nhiều lần bị gián đoạn.
Trong cuộc phỏng vấn do tờ The Guardian đăng ngày 25.5, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định phía Mỹ đã nói với phía Nga rằng nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, Washington sẽ đáp trả bằng cách sử dụng vũ khí thông thường nhắm vào lực lượng Nga ở Ukraine.
Ngoại trưởng Sikorski nói: “Phía Mỹ đã nói với phía Nga rằng nếu quý vị cho nổ một quả bom hạt nhân, ngay cả khi quả bom đó không làm chết người nào, chúng tôi sẽ tấn công tất cả các mục tiêu của quý vị ở Ukraine bằng vũ khí thông thường, chúng tôi sẽ tiêu diệt tất cả chúng”. Ông nói rằng cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều cảnh báo Nga không nên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Sikorski còn nói rằng ông ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga. Đến khuya 25.5 chưa có thông tin về phản ứng của các bên liên quan đối với phát ngôn của ông Sikorski.
Liên quan tình hình xung đột đang leo thang tại Dải Gaza, triển vọng nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza qua trung gian đã tăng lên vào hôm qua 25.5, mặc dù Israel đã thực hiện các cuộc tấn công mới trong đó các bác sĩ Palestine cho biết hơn 40 người đã thiệt mạng.
Một quan chức am hiểu vấn đề cho biết quyết định nối lại các cuộc đàm phán vào tuần tới đã được đưa ra sau khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel gặp người đứng đầu Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) và thủ tướng Qatar.
Nguồn tin giấu tên cho biết họ đã quyết định rằng “trong tuần tới, các cuộc đàm phán sẽ mở dựa trên các đề xuất mới do các nhà hòa giải, Ai Cập và Qatar dẫn đầu và với sự tham gia tích cực của Mỹ”.
Một quan chức Hamas sau đó phủ nhận thông tin của truyền thông Israel rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở Cairo vào ngày 28.5, đồng thời nói với Reuters rằng hiện “chưa có ngày cụ thể”.
Sau hơn 7 tháng giao tramh ở Gaza, các nhà hòa giải đã phải nỗ lực để đạt được bước đột phá, trong đó Israel đang tìm cách thả các con tin bị Hamas và Hamas bắt giữ nhằm chấm dứt chiến tranh và thả các tù nhân Palestine ở Israel.
Trong diễn biến mới nhất, lực lượng Hamas ở Dải Gaza cho biết đã bắt giữ các binh sĩ Israel trong cuộc giao tranh tại khu vực Jabalia phía bắc Gaza, nhưng phía Israel đã ngay lập tức bác bỏ.
Ông Khaled Zayed, người đứng đầu Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập ở Bắc Sinai, cho hay khoảng 200 xe tải viện trợ, trong đó có 4 xe chở nhiên liệu, dự kiến sẽ vào Gaza trong hôm nay thông qua cửa khẩu biên giới Kerem Shalom.
Đài truyền hình Al Qahera News TV trực thuộc nhà nước Ai Cập đã chia sẻ video trên trang mạng xã hội X về những gì họ cho là xe tải viện trợ khi tiến vào cửa khẩu.
Cửa khẩu biên giới Rafah, cửa khẩu chính vào Gaza để chở viện trợ nhân đạo và hàng hóa thương mại, đã bị đóng cửa gần ba tuần, kể từ khi Israel nắm quyền kiểm soát phía bên kia. Một số nguồn cung cấp thực phẩm cho Gaza đã bắt đầu cạn kiệt khi cửa khẩu Rafah bị đóng cửa.
Tổng thống Ai Cập cho biết, vào ngày 24.5, Ai Cập và Mỹ đã đồng ý gửi viện trợ qua cửa khẩu Kerem Shalom gần đó của Israel cho đến khi đạt được các thỏa thuận pháp lý để mở lại Rafah từ phía Palestine.
Một cơ quan giám sát nạn đói toàn cầu đã cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra tại nhiều khu vực ở Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người.
Cập nhật về tình hình tập trận của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan, như trong các bản tin trước Báo Thanh Niên có đề cập, cuộc tập trận kéo dài 2 ngày nhằm kiểm tra năng lực chiếm giữ quyền lực và kiểm soát các khu vực quan trọng. Mỹ đã có phản ứng với hoạt động này của Trung Quốc.
Trong hôm 25.5, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc và phối hợp với các đồng minh và đối tác về những mối quan tâm chung của chúng tôi. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Bắc Kinh hành động kiềm chế… Mỹ vẫn cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc lâu nay của mình”.
Liên quan đến tình hình an ninh ở khu vực châu Á, ngày 26.5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Gang-il cho biết Mỹ triển khai ít nhất 16 máy bay do thám chiến lược RC-135 và U-2S và máy bay không người lái RQ-4B trên bầu trời bán đảo Triều Tiên từ ngày 13 đến 14.5.
Thứ trưởng Kim cũng cáo buộc Hải quân và Cảnh sát biển Hàn Quốc gây căng thẳng quân sự với việc đẩy mạnh hoạt động tuần tra và gia tăng hành vi xâm phạm giới tuyến trên biển.
Theo ông Kim, hành động thả bóng bay mang truyền đơn từ phía Hàn Quốc vào Triều Tiên là sự khiêu khích nguy hiểm. Bóng bay thường mang theo những tài liệu có nội dung chống phá Bình Nhưỡng, cũng như thực phẩm, thuốc men, tiền bạc, các đài vô tuyến mini, thanh USB chứa tin tức và phim truyền hình của Hàn Quốc.
Ông cáo buộc những hoạt động trên vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh quốc gia của Triều Tiên, và sẽ bị đáp trả.
Bình luận (0)