Báo The Guardian dẫn lời Đô đốc Radakin nói lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với tình thế khó khăn trên chiến trường vì thiếu đạn dược và trang bị, trong khi viện trợ quân sự của Mỹ chưa được quốc hội thông qua còn châu Âu chưa có khả năng bù đắp.
Vị tướng này cho biết “ở cấp độ chiến thuật Nga đang giành được các vùng lãnh thổ tương đối nhỏ” và tình trạng khó khăn đối với quân đội Ukraine “có thể sẽ kéo dài ít nhất là thêm vài tháng nữa”.
Đô đốc Radakin cho rằng Kyiv khó có thể phát động một cuộc phản công mới trước cuối mùa hè, và nhiều khả năng chỉ có thể nối lại phản công vào năm tới. Ông nói thêm rằng các đồng minh NATO đang thảo luận về cách thức tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, dù NATO có tiếp tục hỗ trợ, thì có một điều các thành viên tổ chức quân sự rõ ràng vẫn muốn tránh, đó là trực tiếp tham chiến tại Ukraine. Như bản tin hôm qua có đề cập, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một phát biểu bất ngờ, nói rằng ông không loại trừ khả năng NATO đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên ngay sau đó thì rất nhiều nước châu Âu, và kể cả Mỹ, đã nhanh chóng nói rõ rằng họ không có ý định này.
Báo Anh Financial Times dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu nói rằng phát ngôn của tổng thống Pháp về khả năng triển khai binh sĩ phương Tây đển Ukraine có mục đích là tạo ra sự mơ hồ chiến lược có tính răn đe đối với Nga. Quan chức này cho biết “ai cũng biết có các lực lượng đặc nhiệm phương Tây ở Ukraine rồi - họ chỉ không thừa nhận thôi”.
Hôm 27.2, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cũng tìm cách giải thích phát ngôn của Tổng thống Macron. Ông nói quân đội các nước phương Tây có thể được điều động cho các nhiệm vụ như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ, và phòng thủ mạng. Ngoại trưởng Sejourne nói: “Chuyện này có thể đòi hỏi sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không phải là chiến đấu”.
Chuyển sang thông tin về xung đột tại Dải Gaza. Theo trang tin Globes của Israel, 4 đường cáp liên lạc dưới nước giữa Ả Rập Xê Út và Djibouti đã ngừng hoạt động trong những tháng gần đây, có lẽ là do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.
Việc cắt đứt thành công 4 tuyến cáp nói trên gây gián đoạn nghiêm trọng trong kết nối viễn thông giữa châu Âu và châu Á. Lực lượng Houthi sau đó đã bác bỏ cáo buộc trên.
Liên quan đến lực lượng Houthi, nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công các tàu chở hàng ở biển Đỏ để thể hiện đoàn kết với người Palestine đang xung đột với Israel ở Dải Gaza.
Điều này đã khiến lực lượng Mỹ-Anh cùng nhiều đồng minh đáp trả khi tấn công nhiều lần vào các vị trí, phương tiện của Houthi bên trong Yemen. Tuy nhiên, theo Đặc phái viên Mỹ ở Yemen, hoạt động trả đũa như vậy không mang lại nhiều hiệu quả. Ông còn cáo buộc Iran và Hezbollah đang “trang bị và tạo điều kiện” cho các cuộc tấn công của Houthi tại biển Đỏ.
Liên quan hy vọng ngừng bắn ở Gaza, Israel và Hamas cũng như các nhà hòa giải Qatar đều tỏ ra thận trọng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin rằng có thể đạt được lệnh ngừng bắn để tạm dừng xung đột trong tháng Ramadan, tức là trước ngày 10.3.
Hamas đang cân nhắc một đề xuất, được Israel đồng ý tại cuộc đàm phán với các nhà hòa giải ở Paris (Pháp) vào tuần trước, về một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày, dự kiến là lệnh ngừng bắn kéo dài đầu tiên sau cuộc chiến kéo dài 5 tháng. Cả hai bên đều có phái đoàn đến Qatar trong tuần này để thảo luận chi tiết.
Kính mời quý vị bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 28.2.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)