Cùng ngày, quân đội Iran đã tổ chức duyệt binh tại ngoại ô thủ đô Tehran để mừng ngày truyền thống của quân đội cũng như sự thành công của chiến dịch tấn công hôm cuối tuần.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại sự kiện tuyên bố: “Chiến dịch tấn công cho thấy các lực lượng vũ trang của chúng ta đã sẵn sàng. Bất kỳ cuộc tấn công nào của chế độ phục quốc Do Thái (tức là cách Iran gọi Israel) vào lãnh thổ của Iran sẽ bị đối phó với một phản ứng nghiêm khắc”.
Cũng tại buổi lễ, Tư lệnh Không quân Iran Amir Vahedi tuyên bố các máy bay chiến đấu của Iran đang trong tình trạng sẵn sàng nhất cho bất kỳ chiến dịch nào.
Trong một bình luận liên quan, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 17.4 cho hay Nga đang đối thoại với Iran và Israel, đồng thời kêu gọi hai nước xuống thang.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Tiến sĩ Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đánh giá dù đã ít nhiều thông tin trước, vụ tấn công của Iran vừa qua nhằm vào Israel vẫn là một sự leo thang rõ ràng. Theo ông, đây là thông điệp của Tehran về việc sẵn sàng cho cuộc chiến tranh lớn giữa Iran và Israel.
Cũng theo Tiến sĩ Bremmer, Tel Aviv sẽ không khoanh tay đứng nhìn và chẳng bỏ qua việc đáp trả. “Israel sẽ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran một cách thích hợp, tại các quốc gia ủy nhiệm”, chuyên gia này nhận định và dự báo: “Israel đã cho thấy họ có khả năng tiêu diệt các chỉ huy quân sự của Iran ở Syria và Tehran không đủ sức ngăn cản điều đó. Tất nhiên, Iran cũng không thể để các lực lượng ủy nhiệm do nước này hậu thuẫn tự xoay sở”.
Tiến sĩ Bremmer đánh giá cuộc chiến của Hamas với Israel còn lâu mới kết thúc, khả năng xảy ra sự can dự quân sự hơn nữa, cả đến từ các lực lượng ủy nhiệm như Houthi (Yemen) tiếp tục tập kích ở biển Đỏ.
Bên cạnh đó, chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran, nên dù tất cả các bên tham gia khác đều không muốn xung đột lan rộng nhưng Trung Đông vẫn đứng trước nguy cơ này ở mức độ nguy hiểm hơn.
Chuyển sang tình hình xung đột tại Ukraine. Trong ba tuần rưỡi, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công gần như liên tục vào lưới điện của Ukraine, khiến hơn một triệu người không có điện. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16.4 nói rằng Nga đã có thể phá hủy một nhà máy điện quan trọng ở tỉnh Kyiv vì Ukraine hết tên lửa phòng thủ.
Theo hãng tin AFP, Ukraine đang ngày càng thất vọng trước việc các đồng minh cắt giảm viện trợ, trong đó có cả hệ thống phòng không mà nước này cho rằng rất cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 17.4 đã nhắc lại lời kêu gọi của Kyiv về việc tăng cường các hệ thống phòng không.
Trong lúc chờ đợi viện trợ, Ukraine đã có các màn đáp trả bằng cách dùng máy bay không người lái (UAV) và tấn công công sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu của nước này, khiến Nga chịu nhiều thiệt hại.
Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, Mỹ đã yêu cầu Ukraine ngừng không kích các nhà máy lọc dầu của Nga, cho rằng nó sẽ dẫn đến biến động giá dầu trong thời gian tới. Yêu cầu này được cho là đã khiến chính Tổng thống Volodymyr Zelensky khó chịu.
Ukraine khó lòng chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc không tấn công các cơ sở dầu mỏ của Nga. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gần đây có phát biểu đại ý là nếu Mỹ và đồng minh không cung cấp các tổ hợp phòng không để giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tập kích đường không của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng, thì lực lượng Kyiv chỉ có thể trả đũa bằng cách tấn công các cơ sở dầu mỏ của Nga.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 17.4.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)