Báo Washington Post ngày 7.6 dẫn ý kiến của đô đốc Bauer cho rằng “luật xung đột vũ trang không có giới hạn về phạm vi. Vì vậy, về mặt quân sự, một lần nữa, nếu mục tiêu nằm sâu hơn ở Nga, thì Ukraine sẽ mong muốn tấn công mục tiêu đó”.
Ông nói việc nới lỏng thêm nữa hạn chế đối với vũ khí phương Tây ở Ukraine sẽ tác động đáng kể đến chuỗi hậu cần của Nga. Ông cũng cho rằng, phương Tây không nên quá e ngại về cái gọi là “lằn ranh đỏ” mà Nga đưa ra.
Trong vài tuần gần đây, các nước phương Tây, trong đó có cả Mỹ, lần lượt cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tập kích các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, về cơ bản, đa số các nước này chỉ cho phép Kyiv tấn công mục tiêu ở gần biên giới Nga giáp với vùng Kharkiv, chứ chưa cho tấn công tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 5.6 đã lấp lửng đề cập kịch bản Nga có thể cấp vũ khí cho các bên đối đầu với phương Tây như cách mà phương Tây đang hỗ trợ Ukraine. Trong hôm qua, ông Putin lại nhắc đến vấn đề này, cũng như khả năng xảy ra đối đầu hạt nhân giữa Nga và phương Tây.
Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin công bố những chiến lược kinh tế quan trọng về đối nội và đối ngoại, trong đó có việc giảm lệ thuộc vào phương Tây.
Ông Putin nhắc lại việc Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới về sức mua tương đương, bên cạnh thành tựu quan trọng là cải thiện cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng cường chính sách trọng cung. Cụ thể, vào năm 2023, tăng trưởng GDP của Nga được thúc đẩy 45,5% từ các lĩnh vực cơ bản, phi hàng hóa, ông lưu ý.
Theo Tổng thống Putin, Nga cần cắt giảm nhập khẩu, đẩy mạnh việc sử dụng các loại tiền tệ ngoài phương Tây trong thương mại, đồng thời kêu gọi mở rộng thị trường tài chính trong nước.
Ông Putin cho biết Nga sẽ tìm cách tăng cường tỷ lệ thanh toán được thực hiện bằng tiền tệ của các nước thành viên nhóm BRICS, tức nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Ngoài ra, ông cho rằng Nga cần giảm nhập khẩu bằng cách tạo ra sản xuất cạnh tranh và tăng cường đầu tư vào tài sản cố định thêm 60% vào năm 2030. Ông nói thêm rằng giá trị của thị trường chứng khoán Nga sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập niên này và chiếm tới 2/3 GDP của Nga.
Đây là những nội dung quan trọng, liên quan đến kinh tế Nga giữa lúc chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra, khiến nước này bị phương Tây áp đặt nhiều vòng cấm vận. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg có hai nhân vật khác thu hút sự chú ý không kém tổng thống Nga.
Trong lúc này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có mặt tại Pháp để dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ D-Day lên bờ biển Normandy, trận chiến nổi tiếng là khởi đầu dẫn đến sự thất bại của Hitler và kết thúc Thế chiến 2.
Tại đây, ông đã có bài phát biểu trước Quốc hội Pháp ở Paris hôm 7.6. Ông so sánh Thế chiến 2 với cuộc chiến ở Ukraine đối phó lực lượng Nga, đồng thời cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vượt qua nhiều lằn ranh đỏ.
Cũng tại sự kiện D-Day, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không bỏ mặc Ukraine vì nếu làm vậy Ukraine sẽ bị đánh bại, và mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đó".
Trước đó thì như Báo Thanh Niên đã đưa tin, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo rằng Paris và Kyiv sẽ ký thỏa thuận về việc Pháp sẽ cung cấp các máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 cho Ukraine. Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cho hay ông muốn đạt đồng thuận việc thành lập một liên minh cung cấp huấn luyện viên quân sự cho Ukraine trong những ngày tới.
Sau đó, Điện Kremlin cùng ngày chỉ trích Tổng thống Macron làm gia tăng căng thẳng khắp châu u. Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tổng thống Macron đã có tuyên bố ủng hộ tuyệt đối cho Kyiv và sẵn sàng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine".
Theo ông Peskov, Nga xem các phát biểu của ông Macron là "cực kỳ khiêu khích, gây căng thẳng trên lục địa và không có lợi cho điều gì tích cực".
Trong một diễn biến khác, hãng TASS ngày 7.6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng Moscow sẽ không chần chừ để trả đũa việc tịch thu tài sản của mình ở phương Tây, và có thể đưa ra nhiều biện pháp đối phó về chính trị và kinh tế.
Bà Zakharova lưu ý rằng vào tháng 5, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về bồi thường thiệt hại gây ra cho Nga và ngân hàng trung ương nước này do những hành động không thân thiện của Mỹ.
Trong khung cảnh đối đầu căng thẳng như vậy, hẳn là cũng không có gì lạ khi NATO đang nỗ lực để sẵn sàng cho nguy cơ đối đầu trực tiếp. Liên minh quân sự này được cho là đang chuẩn bị kế hoạch để nhanh chóng vận chuyển binh sĩ Mỹ đến những điểm nóng trong trường hợp thực sự xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
Trong một thông điệp ít lạc quan hơn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước quốc hội hôm 6.6 rằng nhiều người Đức lo ngại xung đột Nga - Ukraine có thể leo thang hơn nữa, dẫn đến sự tham gia trực tiếp của Berlin.
Nhà lãnh đạo Đức cho rằng phải tiếp tục chính sách vũ trang và cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nghiêm trọng hơn nữa là việc Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius mới đây cảnh báo giới nghị sĩ Đức rằng nước này phải “sẵn sàng cho chiến tranh” vào năm 2029.
Chuyển sang cuộc xung đột tại Dải Gaza, trang Axios dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bộ trưởng Benny Gantz, một thành viên trong nội các chiến tranh của Israel, sẽ thông báo rút đảng của mình khỏi chính phủ khẩn cấp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào ngày 8.6.
Ông Gantz được phương Tây và các nước Ả Rập coi là người có lập trường ôn hòa. Việc ông rút khỏi liên minh có thể khiến ông Netanyahu chịu thêm sức ép từ Mỹ và quốc tế.
Bộ trưởng Benny Gantz tham gia chính phủ khẩn cấp được thành lập sau vụ tấn công của lực lượng Hamas ngày 7.10.2023. Ông Netanyahu đã lập nội các chiến tranh và trao cho ông Gantz nhiều ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài, Thủ tướng Netanyahu đã bỏ qua nhiều cam kết với ông Gantz và được cho là muốn gạt vị bộ trưởng ra khỏi ảnh hưởng quyền lực.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 18.5, Bộ trưởng Gantz cho biết ông muốn nội các chiến tranh Israel vạch ra một kế hoạch bao gồm 6 điểm trước ngày 8.6. Ông nói, nếu kỳ vọng của ông không được đáp ứng, ông sẽ rút đảng của mình khỏi liên minh khẩn cấp.
Việc đảng của ông Gantz rút khỏi chính phủ không khiến liên minh của ông Netanyahu tan rã vì vẫn đang chiếm đa số tại quốc hội. Song động thái này có thể gây bất ổn nội bộ trong bối cảnh xung đột Gaza tiếp diễn và thỏa thuận ngừng bắn vẫn đang được để ngỏ.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến đến Israel vào ngày 10.6 trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông lần thứ 8 kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát. Ông Blinken được cho là sẽ nỗ lực vận động hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza.
Trong lúc nỗ lực này bị đình trệ, Israel tiếp tục tấn công các khu vực miền trung và miền nam Gaza trong ngày 7.6, khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng, khi lực lượng xe tăng tiến về rìa phía tây của Rafah.
Quân đội Israel ngày 7.6 tuyên bố đã tấn công nhóm chiến binh Hamas bên trong một container ở khuôn viên một trường học ở phía bắc Dải Gaza. Trường học này được điều hành bởi UNRWA, là cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo người Palestine.
Chiến đấu cơ của Israel đã tập kích ngôi trường, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và 7 người bị thương. Đây là vụ tấn công trường học thứ hai trong hai ngày liên tiếp của quân đội Israel.
Phát ngôn viên UNRWA Juliette Touma ngày 7.6 cho biết hơn 180 cơ sở của cơ quan này ở Dải Gaza, trong đó có nhiều nơi dành cho người dân trú ẩn, đã bị tấn công kể từ khi nổ ra xung đột. Bà Touma cho biết "hơn 440 người đã thiệt mạng khi trú ẩn dưới lá cờ của Liên Hiệp Quốc”.
Bà Touma cho biết UNRWA đã chia sẻ tọa độ tất cả tòa nhà của cơ quan này với các bên liên quan xung đột ở Dải Gaza, trong đó có cả quân đội Israel. Hamas ra tuyên bố kêu gọi điều tra quốc tế về “tội ác” của Israel cũng như yêu cầu các lãnh đạo Israel phải chịu trách nhiệm. Quân đội Israel nhiều lần cáo buộc Hamas ẩn náu trong các bệnh viện, trường học, nhưng nhóm này luôn phủ nhận.
Bình luận (0)