Điểm xung đột: Ông Biden không ủng hộ Ukraine tấn công Moscow; tàu ngầm hạt nhân Nga đến Cuba

Điểm xung đột: Ông Biden không ủng hộ Ukraine tấn công Moscow; tàu ngầm hạt nhân Nga đến Cuba

07/06/2024 21:07 GMT+7

Nga hôm 7.6 cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp trong một cuộc tấn công khiến phụ nữ và trẻ em ở miền nam nước Nga thiệt mạng, đồng thời nói rằng Washington phải chịu trách nhiệm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết vụ việc xảy ra vào tuần trước tại khu vực Belgorod sau khi Mỹ đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tấn công lãnh thổ Nga để bảo vệ khu vực Kharkiv. Bà Zakharova cho biết đã phát hiện các mảnh vỡ của đạn pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine, tuy nhiên không đưa ra hình ảnh nào. Bà nói những tuyên bố của Washington bật đèn xanh cho những cuộc tấn công như vậy đồng nghĩa với "lời thú nhận... về tội sát hại trẻ em và phụ nữ ở vùng Belgorod".

Hiện không thể xác minh độc lập khẳng định này và không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine hay Mỹ.

Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận về việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên ông khẳng định Washington không cho phép Kyiv sử dụng tên lửa Mỹ tấn công Moscow cũng như Điện Kremlin.

Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm nay 7.6 tại Paris, với khả năng sẽ công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 225 triệu USD bên lề ngày kỷ niệm cuộc đổ bộ của lực lượng đồng minh lên Normandy.

Đây sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Zelensky đến Washington vào tháng 12 năm ngoái, và vào thời điểm đó cả hai đang phải nỗ lực thuyết phục các nghị sĩ đảng Cộng hòa về vấn đề tăng thêm viện trợ cho Ukraine. Họ sẽ gặp lại nhau vào tuần tới tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, nơi các quốc gia thành viên thảo luận về việc sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng để cung cấp 50 tỉ USD cho Ukraine.

Tháng trước, ông Zelensky nói rằng các nước phương Tây mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định về viện trợ.

Theo các nguồn tin, số vũ khí mới trị giá 225 triệu USD bao gồm đạn pháo và tên lửa phòng không cùng nhiều trang thiết bị khác.

Một tin vui khác nữa dành cho Ukraine là Pháp mới đây xác nhận sẽ chuyển giao chiến đấu cơ Mirage 2000 cho Kyiv.

Như Báo Thanh Niên có đề cập, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5.6 đã nói về kịch bản Nga có thể cung cấp vũ khí cho những bên muốn tấn công vào các nước phương Tây, nhằm đáp trả việc Mỹ và đồng minh chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine để tập kích lãnh thổ Nga.

Ngày 7.6, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bình luận rằng những tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy "sự thay đổi rất đáng kể" trong chính sách đối ngoại của Nga. Ông nói: "Hãy để Mỹ và các đồng minh của họ cảm nhận được việc các bên thứ ba sử dụng vũ khí Nga nhắm vào họ. Chúng tôi cố tình không nêu tên nước, nhưng họ có thể là bất kỳ ai coi Mỹ và đồng minh của Mỹ là kẻ thù".

Ông Medvedev nhấn mạnh rằng bất kể các bên thứ ba "có lý tưởng chính trị và sự công nhận quốc tế như thế nào” thì họ sẽ là “bạn của Nga” nếu cũng xem Mỹ là kẻ thù.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết ông tin những lời cảnh báo của lãnh đạo Nga đã được phương Tây lắng nghe và cân nhắc. Ông Peskov khẳng định Nga sẽ “không thỏa hiệp về lợi ích của mình”.

Trong bối cảnh Moscow liên tiếp tung ra các phát ngôn căng thẳng để cảnh báo sau khi phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine, thì việc một số thành viên NATO úp mở đề cập khả năng đưa quân đến Ukraine lại càng gây thêm quan ngại. Mới đây Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã có phát biểu về vấn đề này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin mới đây cho biết Nga vẫn “thiên về đàm phán” để giải quyết xung đột, nhưng cần biết ai có đủ tính hợp pháp để đại diện Ukraine đến đàm phán. Ông Galuzin nói: "Trước hết, Nga mong đợi rằng phương Tây sẽ ngừng bơm vũ khí cho chính quyền Kyiv. Nga cũng mong đợi Kyiv sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán mà chính họ tự áp đặt” với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chấm dứt vào ngày 21.5, nhưng Ukraine chưa tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống do tình hình thiết quân luật. Nghị sĩ Ukraine Alexander Dubinsky cho rằng quyền lực của tổng thống Ukraine, theo hiến pháp, đã hết hạn và không có cách nào hợp hiến để gia hạn. Cựu đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Pristayko thừa nhận các đối tác phương Tây của Kyiv cũng lo ngại về việc kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nói rằng Nga phải hoàn toàn chắc chắn nước này được thảo luận với giới chức hợp pháp của Ukraine để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải quyết xung đột giữa hai quốc gia.

Một trong những viễn cảnh mà Ukraine trông đợi sau khi cuộc xung đột chấm dứt là nước này sẽ được kết nạp vào liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một phát biểu gần đây dường như đã tạt một gáo nước lạnh vào hy vọng này.

Chưa có gì rõ ràng về khả năng Ukraine gia nhập NATO, nhưng Ủy ban châu Âu được cho là tháng này sẽ khuyến nghị nên bắt đầu đàm phán với Ukraine về tư cách thành viên Liên minh châu Âu.

Tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết đây là một phần trong nỗ lực thể hiện sự ủng hộ dành cho Kyiv trước khi Hungary đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU vào tháng tới.

Trong bối cảnh không khí đối đầu gia tăng giữa Nga và Mỹ cũng các đồng minh phương Tây xoay quanh cuộc xung đột ở Ukraine, Moscow lại đang điều các chiến hạm của mình đến hoạt động tại vùng biển Caribê, nơi thường được xem là "ao nhà" của Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.