Theo một nhà phân tích quân sự của Ukraine, "bước đột phá này có nghĩa chỉ còn vài trăm mét nữa là mũi xung kích Nga đến được huyết mạch hậu cần chính của Ukraine".
Còn chuyên gia quân sự Thụy Điển Mikael Valtersson thì nhận định rằng nếu huyết mạch tiếp tế của Ukraine bị cắt đứt thì mọi hoạt động phát triển khác ở mặt trận phía đông và phía nam Avdiivka đều không còn quan trọng, và việc Avdiivka thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngay giữa tình thế này thì binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến lại đón nhận cảm giác bất an khi phải nghe thông tin về những thay đổi trong giới lãnh đạo quân đội, mà cụ thể là Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhny, người có biệt danh "thiết tướng quân" với uy tín vững chắc trong lòng binh sĩ Ukraine.
Căng thẳng tiếp diễn tại Trung Đông trong ngày 6.2. Cơ quan Điều hành thương mại hàng hải Vương quốc Anh và hãng an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết một tàu hàng qua biển Đỏ đã bị hư hại nhẹ sau khi bị tấn công.
Theo hãng Ambrey, tàu mang cờ Barbados và thuộc sở hữu của một công ty Anh đã bị một thiết bị bay không người lái tấn công khi đang di chuyển ngoài khơi Yemen về phía đông nam biển Đỏ. Thiết bị bay đã lao từ phía mạn trái, bay qua boong tàu và gây hư hại cho cửa sổ. Tuy nhiên đã không có thương vong và con tàu tiếp tục hành trình.
Kể từ giữa tháng 11-2023, nhóm phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã tấn công nhằm vào tàu hàng đi qua biển Đỏ, với lý do là để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza. Mỹ và Anh từ tháng 1 đã tấn công vào các mục tiêu Houthi ở Yemen để đáp trả.
Không chỉ có Houthi, mà một số nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công với lý do ủng hộ người dân Palestine ở Dải Gaza. Một cuộc tấn công như vậy đã làm 3 lính Mỹ thiệt mạng tại Jordan, châm ngòi cho cuộc không kích trừng phạt lớn của Mỹ vào Iraq và Syria hôm 2.2. Và cuộc không kích này là chủ đề của một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó Nga và Trung Quốc cáo buộc Mỹ làm gia tăng thêm căng thẳng ở Trung Đông đến mức bùng nổ xung đột.
Cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza từ tháng 10-2023 đã khiến sự phẫn nộ gia tăng khắp Trung Đông, dẫn đến sự tham gia tham chiến của các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Li Băng, Iraq, Syria và Yemen. Một quan chức Liên Hiệp Quốc đã phải kêu gọi "tất cả các bên hãy lùi lại khỏi bờ vực và cân nhắc cái giá không thể chịu nổi cả về kinh tế lẫn nhân mạng nếu một cuộc xung đột khu vực bùng nổ".
Các cuộc không kích trả đũa của Mỹ cũng nhận chỉ trích từ chính quyền các nước Iraq, Syria và Iran. Chính phủ Iraq và Syria nói rằng đợt không kích làm chết nhiều dân thường và cáo buộc Mỹ có hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai quốc gia. Đáng lưu ý là Iraq vẫn được xem như một đồng minh của Mỹ trong khu vực và Mỹ đang có quân trú đóng tại nước này. Vậy mà đối với Iraq, Mỹ cũng đã không thông báo trước khi tiến hành tấn công
Bình luận (0)