Các quan chức Kyiv cho biết, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào sáng sớm 11.4, làm hư hại các trạm biến áp và cơ sở điện ở 5 khu vực, đồng thời gây cắt điện khẩn cấp.
Trước đó, hãng Reuters ngày 10.4 dẫn lời giới chức Ukraine cho hay Nga tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) gây thiệt hại tại một cơ sở năng lượng ở vùng Odessa và hạ tầng năng lượng tại vùng Mykolaiv, tiếp tục gia tăng áp lực lên lưới điện của Ukraine.
Nga đã khôi phục hoạt động không kích nhằm vào hệ thống năng lượng của Ukraine vào tháng trước, gây thiệt hại ít nhất 8 nhà máy điện và vài chục trạm biến áp.
Nhà điều hành lưới điện Ukraine cho biết đã xảy ra tình trạng mất điện khẩn cấp ở các khu vực phía nam Mykolaiv và Kherson do hư hỏng và họ đang nỗ lực khắc phục.
Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đã làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng Ukraine, vốn đã suy yếu sau chiến dịch không kích của Nga trong mùa đông đầu tiên của cuộc chiến.
Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 18 tên lửa và 39 UAV. Quân đội cho biết cuộc tấn công đã sử dụng tổng cộng 82 tên lửa và máy bay không người lái.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết cuộc tấn công trong đêm của Nga đã sử dụng 6 tên lửa đạn đạo, có thể tấn công mục tiêu trong vòng vài phút và khó bắn hạ hơn nhiều. Đó là lý do tại sao Kyiv cần hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Ngoài việc phá hoại hệ thống sản xuất và truyền tải điện của Ukraine, giới quan sát cho rằng Moscow dường như đang cố gắng buộc Ukraine phải rút bớt các hệ thống phòng không của Ukraine ra khỏi tiền tuyến, qua đó tạo khoảng trống cho không quân Nga phát huy sức mạnh yểm hộ lực lượng trên bộ.
Hãng TASS ngày 10.4 dẫn lời phát ngôn viên Stephane Dujarric của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời tôn trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Phát biểu được đưa ra sau khi có thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu tái đắc cử, sẽ tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine theo hướng Kyiv phải nhượng bộ lãnh thổ.
Phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết: “Lập trường của Tổng thư ký Guterres vẫn nhất quán trong suốt cuộc xung đột này. Ông ấy muốn thấy cuộc xung đột chấm dứt theo các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc và với sự tôn trọng hoàn toàn đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Chuyển sang các thông tin về xung đột Hamas-Israel. Reuters ngày 10.4 dẫn lời các quan chức Israel cho hay giới chức nước này đồng ý nhượng bộ để người Palestine trở lại miền bắc Dải Gaza, nhưng cho rằng lực lượng Hamas không muốn thỏa thuận.
Theo đó, thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đưa ra gồm việc Israel cho phép 150.000 người Palestine trở lại miền bắc Gaza mà không qua kiểm tra an ninh. Đổi lại, Hamas phải đưa ra danh sách các con tin nữ, người cao tuổi và bệnh tật hiện còn sống.
Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối đưa ra bình luận liên quan.
Trong khi đó, các quan chức Israel cho rằng Hamas chưa muốn đạt được thỏa thuận. Lực lượng Hamas hôm 9.4 cho rằng đề xuất mới nhất do các nhà đàm phán Ai Cập và Qatar chuyển đến không đáp ứng các yêu cầu, nhưng sẽ xem xét thêm.
Theo tờ Al-Akhbar, Hamas sẵn sàng cân nhắc việc thả các con tin nếu Israel từng bước rút quân, đồng ý ngừng giao tranh, cho phép người dân Gaza trở lại miền bắc và thả tù nhân Palestine với “số lượng tương xứng”.
Trong khi các thỏa thuận ngừng bắn chưa được thống nhất, quân đội Israel xác nhận họ đã thực hiện vụ tấn công trong ngày 10.4, khiến 3 người con trai của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 11.4.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)