Thủ tướng Israel nói rằng “Chúng tôi đã tính sổ với kẻ chịu trách nhiệm về vụ giết hại vô số người Israel và nhiều công dân của các quốc gia khác, bao gồm hàng trăm người Mỹ và hàng chục người Pháp”.
Nhà lãnh đạo ám chỉ các vụ đánh bom năm 1983 ở Beirut giết chết 63 người tại Đại sứ quán Mỹ, cùng với 241 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 58 lính dù Pháp tại các doanh trại.
Ông nói vụ tập kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng hôm 27.9 là điều kiện cần thiết để đạt các mục tiêu đặt ra, trong đó có việc đưa người dân trở lại miền bắc Israel một cách an toàn và sự thay đổi dài hạn về cân bằng lực lượng trong khu vực.
Trên thế giới, vụ việc đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều từ các nước, trong đó có một số bên lo ngại xung đột leo thang hơn nữa. Iran kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp sau vụ thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông “vô cùng quan ngại trước tình hình leo thang đáng kể ở Beirut”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi cái chết của ông Nasrallah là “một biện pháp công lý cho nhiều nạn nhân của ông ta, bao gồm hàng ngàn người Mỹ, Israel và Li Băng”. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ của Israel, và thế trận phòng vệ của lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ được tăng cường hơn nữa.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow “kiên quyết lên án vụ ám sát chính trị mới nhất do Israel tiến hành”, đồng thời kêu gọi Israel “lập tức dừng hành động quân sự ở Li Băng”. Theo bộ này, Israel phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hậu quả bi thảm của việc giết chóc có thể mang đến khu vực.
Đài CNN dẫn lời giới chức Mỹ nhận định rằng Israel có khả năng đưa quân sang Li Băng một cách có giới hạn, khi lực lượng nước này di chuyển về khu vực biên giới phía bắc. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh Israel dường như chưa đưa ra quyết định về việc tiến quân qua bên kia biên giới.
Bộ Y tế Li Băng ngày 28.9 cho hay các cuộc tập kích của Israel trong ngày đã khiến 33 người thiệt mạng và 195 người bị thương. Trong vòng 6 ngày tính đến hôm 28.9, theo Bộ Y tế Li Băng, hơn 700 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Giới chức Li Băng cho hay khoảng 1 triệu người tại nước này phải rời bỏ nhà cửa để sơ tán.
Chuyển sang tình hình xung đột tại Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga tối 28.9 tuyên bố trong 24 giờ trước đó ở tỉnh Kursk của Nga, quân đội Ukraine đã mất hơn 370 binh sĩ, 8 xe bọc thép, trong đó có 1 xe tăng, 2 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ sản xuất và 5 xe chiến đấu bọc thép, cùng 2 hệ thống pháo binh và 8 xe cơ giới.
Bộ Quốc phòng Nga còn tuyên bố Ukraine mất hơn 18.000 quân và 132 xe tăng kể từ khi bắt đầu giao tranh ở Kursk vào ngày 6.8.
Cũng tại khu vực này, nhiều thông tin và hình ảnh được công bố gần đây cho thấy Moscow đã sử dụng UAV tầm trung Orion phóng tên lửa dẫn đường bằng laser để tiêu diệt các phương tiện quân sự của Ukraine. Đây là một diễn biến đáng lưu ý, cho thấy lực lượng Ukraine ở đây đang thiếu sức mạnh phòng không.
Bên cạnh đó trong tuần qua, điểm đáng lưu ý khác trong cuộc xung đột là pháo đài Vuhledar của Ukraine bị bao vây và bên bờ sụp đổ.
Từ lâu Nga đã muốn kiểm soát Vuhledar, nhưng tất cả các đợt tấn công trước đây đã kết thúc với tổn thất lớn. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, lực lượng Moscow đã đánh bật các đơn vị Ukraine khỏi các ngôi làng và hầm mỏ xung quanh thành phố, và bao vây Vuhledar từ ba phía. Khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine được cho là đang bị kẹt trong vòng vây.
Như vậy, cuộc tấn công vào đất Nga của Ukraine dường như đã không đạt được một mục tiêu chính là khiến Nga giảm đà tấn công vào miền đông.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 29.9.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)