Tên lửa và máy bay không người lái của Houthi đã đánh chìm được một số phương tiện. Tuy nhiên, ngày hôm qua 12.6 đánh dấu lần đầu tiên lực lượng này triển khai thành công một xuồng tự sát điều khiển từ xa đánh trúng tàu chở hàng.
Phó đô đốc Brad Cooper, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở Trung Đông, thừa nhận sự xuất hiện của xuồng tự sát của Houthi trên biển Đỏ là dấu hiệu đáng lo ngại. Còn Chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ đang trực chiến ở biển Đỏ, nhận định các tay súng Houthi có kỹ năng điều khiển xuồng tự sát tốt. Ông cho biết Mỹ chưa thể xác định Houthi còn bao nhiêu USV nên khó lên kế hoạch ứng phó.
Mỹ và Anh từ tháng 1 nhiều lần tấn công các mục tiêu của Houthi để trả đũa hoặc ngăn hoạt động tập kích tàu hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đặt câu hỏi về tính hiệu quả và khả năng duy trì chiến dịch của Mỹ và Anh, khi chưa có dấu hiệu cho thấy Houthi sẽ ngừng tấn công tàu hàng qua biển Đỏ.
Cuộc xung đột tại Trung Đông trong khi đó đang đứng trước nguy cơ lan rộng nếu Israel quyết định tấn công nhóm Hezbollah ở Li Băng. Bộ trưởng An ninh Israel Ben Gvir hôm 12.6 cho rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu phản ứng không đủ mạnh với Hezbollah. Ông nói Thủ tướng Netanyahu hiện không còn lý do gì để "né tránh một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah" để loại bỏ nhóm này. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Hezbollah phóng liên tiếp 215 quả rocket vào miền bắc Israel để trả đũa sau khi một chỉ huy của nhóm vũ trang bị Israel triệt hạ.
Trong một thông tin khác, một con tin vừa được Israel giải cứu hồi cuối tuần trước tại Gaza đã đưa ra những lời tường thuật đầu tiên về thời gian bị giam cầm. Đó là Andrey Kozlov (27 tuổi), bị bắt đi khi Hamas đột kích miền nam Israel hôm 7.10.2023. Anh Kozlov kể rằng các tay súng Hamas đã cố "tẩy não" mình khi nói rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) muốn thủ tiêu con tin, chỉ bằng cách đó chiến tranh mới đi đến hồi kết. Chính vì vậy, vào thời điểm đặc nhiệm Israel ập vào nơi giam giữ, Anh Kovloz đã nghĩ rằng họ đến để giết mình.
Anh Kozlov cùng ba con tin khác đã được giải cứu trong màn đột kích táo bạo của các đơn vị đặc nhiệm Israel ngay giữa ban ngày vào trại tị nạn Nuseirat ở Gaza hôm 8.6. Tuy nhiên, thương vong lớn với dân thường xảy ra trong chiến dịch giải cứu này khiến Israel đứng trước những lời chỉ trích gay gắt. Theo giới chức Gaza, ít nhất 274 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi lực lượng Israel tìm cách giải cứu 4 con tin. Không rõ có bao nhiêu trong số đó là thành viên Hamas, song cơ quan y tế địa phương cho biết nạn nhân gồm nhiều phụ nữ và trẻ em. Phe Hamas thậm chí còn nói rằng có thêm những con tin khác đã chết trong thời điểm đó. Thương vong quá cao như vậy đã làm nổi lên câu hỏi là Tel Aviv có thực sự nỗ lực bảo vệ dân thường vô tội trong cuộc chiến chống Hamas ở Gaza hay không.
Israel nói Hamas phải chịu trách nhiệm về thương vong dân thường vô tội vì đã giam giữ con tin và xây dựng cơ sở quân sự trong các khu vực dân sự. Tuy nhiên, các chuyên gia luật quốc tế cho rằng đây không thể là lời bào chữa cho những hành động gây tổn hại tới dân thường của Israel. Họ cho rằng Israel đáng lẽ phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể có để ngăn thiệt hại với người dân Gaza khi tiến hành chiến dịch đột kích. Nguyên tắc cân bằng trong luật nhân đạo quốc tế không cho phép quân đội gây thương vong cho dân thường vượt quá mức so với lợi ích có thể đạt được từ các hoạt động quân sự.
Israel nhận thêm một đòn giáng vào uy tín quốc tế của mình, khi một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc hôm 12.6 cho thấy không chỉ có Hamas mà cả Israel cũng phạm tội ác chiến tranh trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Gaza.
Về tình hình cuộc xung đột tại Ukraine, theo kênh Telegram Military Summary, vào ngày Quốc khánh Nga 12.6, quân đội Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công vào Crimea bằng 12 tên lửa ATACMS. Theo Moscow, đòn tập kích này đã thất bại, nhưng Kyiv tuyên bố đã phá hủy các tổ hợp radar của hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 trên bán đảo.
Ngoài ra, máy bay trinh sát của Mỹ và Pháp bị phát hiện ở biển Đen. Việc tăng cường phòng thủ bảo vệ cầu Crimea chiến lược đã được Nga triển khai.
Để đáp trả, lực lượng Moscow đã phá hủy một chiếc tiêm kích Su-27 và hệ thống phòng không S-300 của Ukraine ngay tại căn cứ.
Quân đội Ukraine nói đây là vụ tấn công Crimea thứ hai trong tuần này, sau đợt tập kích ngày 10.6. Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014, nhưng Ukraine khẳng định sẽ đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Crimea và các vùng lãnh thổ khác ở nước này mà Moscow đang kiểm soát.
Bình luận (0)