Điểm xung đột: Xuồng tự sát Ukraine hạ tàu Nga; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân

Điểm xung đột: Xuồng tự sát Ukraine hạ tàu Nga; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân

05/03/2024 22:52 GMT+7

Hôm 4.3, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu một cuộc tập trận chung lớn mà theo Yonhap là nhằm tăng cường khả năng răn đe trước 'các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa' của CHDCND Triều Tiên. Dù cuộc tập trận quy mô lớn này không diễn ra gần biên giới Triều Tiên nhưng sẽ bao gồm huấn luyện phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình của Triều Tiên.

Đáp lại động thái này và Hàn Quốc và Mỹ, Bộ Quốc phòng CHDCND Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ chấm dứt tập trận ,đồng thời cảnh báo hai nước có thể 'phải trả giá đắt vì lựa chọn sai lầm'.

Ở một điểm nóng khác tại châu Âu, nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng đã được đề cập nhiều lần. Gần nhất, vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước phương Tây rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là có thật nếu các nước này đưa quân tới tham chiến ở Ukraine và ông cho biết Moscow có vũ khí để tấn công các mục tiêu ở phương Tây.

Cảnh báo của ông Putin là lời đáp trả trực tiếp đối với một ý tưởng do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra về việc các thành viên NATO châu Âu gửi bộ binh tới Ukraine.

Tổng thống Putin nói "Các quốc gia phương Tây phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tất cả điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và sự hủy diệt nền văn minh. Họ không hiểu điều đó sao?”.

Cho dù nhiều nước thành viên NATO đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Pháp Macron, nhưng như quý vị theo dõi bản tin truyền hình báo Thanh Niên vài ngày qua thì đã hé lộ nhiều thông tin cho thấy việc quân nhân NATO có mặt ở Ukraine có lẽ không còn là nghi vấn nữa. Một tiết lộ đến từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi giải thích vì sao chưa cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Bên cạnh lý do lo ngại Ukraine sẽ dùng tên lửa này tấn công lãnh thổ Nga, ông Scholz cho biết nếu viện trợ tên lửa cho Ukraine thì quân nhân Đức sẽ phải đến tận nơi hỗ trợ cho binh sĩ Ukraine vận hành, điều khiển tên lửa. Ông Scholz nói đó là việc mà Anh và Pháp đã làm khi cung cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine.

Ngay sau phát biểu của ông Scholz thì nước Đức lại vướng vào một vụ lùm xùm mới khi Nga tung ra một đoạn ghi âm cho thấy các sĩ quan không quân Đức thảo luận vấn đề cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Và không những thế, họ còn bàn về khả năng tấn công cây cầu nối giữa Nga và Crimea.

Và Moscow đã không bỏ qua việc này để đưa ra những cáo buộc nặng nề cho Berlin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.