Điểm yếu từng khiến U.22 Việt Nam 'vỡ mộng', ông Kim đừng sai như người tiền nhiệm!

17/02/2025 00:22 GMT+7

Thất bại gần nhất của U.22 Việt Nam ở SEA Games 32 đến từ việc thiếu kinh nghiệm, hơn là thua kém đối thủ về trình độ hay kỹ chiến thuật.

Bài học 'đắng ngắt' của U.22 Việt Nam

U.22 Việt Nam sẽ bước vào hành trình chinh phục SEA Games 33 vào cuối năm nay trên đất Thái Lan. Dù HLV Kim Sang-sik còn tới 9 tháng để lựa chọn nhân sự, nhưng có thể tin, những tuyển thủ trẻ ở ngưỡng đôi mươi như Đình Bắc, Vĩ Hào, Thái Sơn, Văn Khang, Quốc Việt, Văn Cường, Thanh Nhàn, Trung Kiên, Lý Đức, Xuân Tiến... sẽ có cơ hội trổ tài.

Trong đó, chẳng ít cầu thủ từng dự SEA Games 32 trên đất Campuchia cách đây 2 năm. Đó là kỳ SEA Games mà U.22 Việt Nam dự giải với tư cách đương kim vô địch, nhưng sau cùng chỉ đoạt tấm HCĐ.

Điểm yếu từng khiến U.22 Việt Nam 'vỡ mộng', ông Kim đừng sai như người tiền nhiệm!- Ảnh 1.

HLV Troussier cùng học trò từng "ngã đau" ở SEA Games 32

ẢNH: MINH TÚ

Tại giải đấu 2 năm trước, các học trò HLV Philippe Troussier đứng nhì bảng B khi thắng U.22 Malaysia, U.22 Singapore, U.22 Lào và hòa U.22 Thái Lan, có cùng 10 điểm nhưng xếp sau do kém đội trẻ Thái Lan hiệu số bàn thắng bại. Nhìn chung, màn thể hiện của U.22 Việt Nam ở ngưỡng chấp nhận được. Thanh Nhàn cùng đồng đội tiến bộ dần qua từng trận đấu, thể hiện được ý tưởng kiểm soát, tự tin triển khai thế trận và tấn công có đường nét.

Ở trận bán kết với U.22 Indonesia, U.22 Việt Nam cũng tạo ra màn rượt đuổi thú vị. Văn Tùng ghi bàn đưa đội bóng của ông Troussier vượt lên, trước khi U.22 Indonesia vùng lên ghi 2 bàn để ngược dòng, rồi Xuân Tiến lại ghi bàn đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát.

Đáng chú ý, U.22 Việt Nam có ưu thế đá hơn người từ phút 59, song khi đối diện với hàng thủ dày đặc và lăn xả của U.22 Indonesia, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chơi bế tắc. Bi kịch đến ở phút cuối cùng, khi U.22 Việt Nam đẩy cao đội hình tấn công và để mất bóng. Đối thủ tổ chức phản công nhanh, rồi ghi bàn định đoạt trận đấu để vào bán kết.

Đó là cái kết "đắng ngắt" của U.22 Việt Nam. Nhiều người tiếc nuối, rằng có lẽ nếu đưa trận đấu vào hiệp phụ, học trò HLV Troussier nắm chắc phần thắng. Bởi khi ấy U.22 Việt Nam vẫn đang chơi hơn người, trong bối cảnh đối thủ đã kiệt sức. HLV Troussier cũng nắm được tình hình, khi ra dấu cho học trò đá chậm lại, kiểm soát chắc chắn trận đấu với ưu tiên giữ tỷ số 2-2.

Tuy nhiên, U.22 Việt Nam vẫn tràn lên với mong muốn dứt điểm luôn đối thủ trong 90 phút. Đây là sai sót "chí mạng", khiến cánh cửa vào chung kết SEA Games đóng sập lại.

Điểm yếu từng khiến U.22 Việt Nam 'vỡ mộng', ông Kim đừng sai như người tiền nhiệm!- Ảnh 2.

Thanh Nhàn (áo trắng) cùng đồng đội trưởng thành hơn sau cú ngã?

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

HLV Troussier đã xây dựng lối chơi đề cao tính kiểm soát, khuyến khích học trò triển khai bóng nhuần nhuyễn và lớp lang từ phần sân nhà. Triết lý này được sử dụng thay cho lề lối phòng ngự phản công từng được HLV Park Hang-seo nhào nặn. Tuy nhiên, lối chơi nào cũng vậy, cần có kinh nghiệm và bản lĩnh để vận hành. Đá theo kiểu ông Troussier còn rủi ro hơn, đòi hỏi cầu thủ phải tập trung giữ "cái đầu lạnh" trong suốt trận đấu.

Song, U.22 Việt Nam gục ngã phút chót, bởi rất nhiều sao trẻ non nớt kinh nghiệm và chẳng còn đàn anh dìu dắt (SEA Games 32 không cho dùng cầu thủ quá tuổi).

HLV Kim Sang-sik cần gì?

Với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á, chênh lệch về trình độ hay tư duy chơi bóng giữa các cầu thủ trẻ Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Việt Nam không quá lớn.

Điều khác biệt cốt lõi tạo nên người thắng và kẻ thua chính là tâm lý thi đấu. Đặc biệt ở các trận bán kết và chung kết, chiến thắng thường thuộc về đội mắc ít sai lầm hơn.

Ở độ tuổi đôi mươi, khi chỉ có vỏn vẹn 3 cầu thủ từng đá giải U.23 châu Á 2024 đang có chỗ đứng ở V-League, khó đòi hỏi đội quân trong tay HLV Kim Sang-sik sở hữu nền tảng kinh nghiệm dạn dày.

Điểm yếu từng khiến U.22 Việt Nam 'vỡ mộng', ông Kim đừng sai như người tiền nhiệm!- Ảnh 3.

Rất ít cầu thủ U.22 có suất đá V-League như Vĩ Hào (áo trắng)

ẢNH: NGỌC LINH

Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của các đội dự giải. Ngay cả U.22 Thái Lan hay U.22 Indonesia cũng đang vật lộn với bài toán kinh nghiệm. Với bóng đá trẻ Thái Lan là chất lượng lớp kế cận bị đặt dấu hỏi. Còn với Indonesia, là các cầu thủ nhập tịch đã lấy gần như hết suất của cầu thủ bản địa ở đội tuyển.

Thực tế rằng cầu thủ trẻ Việt Nam non nớt sẽ khó thay đổi trong vài năm tới, khi có rất ít đội (như HAGL, SLNA, Thể Công Viettel) mạnh dạn trẻ hóa. HLV Kim Sang-sik chỉ có thể trang bị cho học trò nền tảng tâm lý thông qua huấn luyện và thúc đẩy tinh thần. Ông Kim từng nói mình muốn trở thành "hổ" để dữ dằn và quyết đoán hơn, khiến học trò nể sợ mình hơn. Các HLV người Hàn Quốc luôn rất chú trọng việc huấn luyện tinh thần và truyền đạt tính chiến đấu, mà thành công của ông Park hay bước đầu thuận lợi của HLV Kim là lời bảo đảm.

Để không mắc sai lầm như 2 năm trước, U.22 Việt Nam phải rắn rỏi hơn. Nhiệm vụ khó khăn dành cho HLV Kim Sang-sik. Nhưng có lẽ, phải khó thì mới đáng để thử!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.