Điện!

06/01/2020 04:38 GMT+7

Có rất nhiều câu hỏi, nhiều nghịch lý xung quanh vấn đề điện của chúng ta mà lý giải kiểu gì cũng thấy chưa thỏa đáng.

Mới nhất cách đây 2 ngày, ngày 4.1, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EViệt Nam) đã ký 5 hợp đồng mua bán điện với hai doanh nghiệp của Lào từ năm 2021 - 2022.
 Theo đó, Việt Nam sẽ mua khoảng 1,5 tỉ kWh điện từ nước này để đảm bảo cung ứng điện. Thiếu điện thì phải mua, cũng là chuyện bình thường. Đáng nói là cũng chính thời điểm này thì rất nhiều người dân, doanh nghiệp đã đầu tư lắp điện mặt trời trên mái nhà bức xúc vì không hòa lưới, đấu nối được bởi nửa tháng trước, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu tạm ngưng thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán điện. Nghĩa là họ xài dư, không thể bán điện cho EViệt Nam. Nên nhớ, chúng ta đã từng kỳ vọng rất lớn vào nguồn điện mặt trời áp mái sẽ giảm tải cho ngành điện, người dân hưởng lợi và môi trường cũng được bảo đảm hơn từ nguồn điện xanh.
Việt Nam thiếu điện, đó là điều đã được dự báo, phân tích bằng con số cụ thể từ nhiều năm nay. Tại bản báo cáo gần đây nhất về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy, rất nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ. Với hơn 17.000 MW công suất nguồn điện bị thiếu hụt trong các năm từ 2018 - 2022, dẫn đến hệ thống điện quốc gia đang phải vận hành trong tình trạng hầu như không còn nguồn dự phòng. Thế nhưng cũng trong bối cảnh đó, các dự án năng lượng tái tạo lại luôn gặp trắc trở. Từ việc giá mua không hấp dẫn khiến các nhà đầu tư thiếu mặn mà dù tiềm năng điện gió, điện mặt trời của Việt Nam được đánh giá rất cao. Đến khi giá cải thiện, các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ tiền đầu tư thì hàng loạt các vướng mắc khác lại nảy sinh. Nhìn lại năm 2019 có thể thấy, năng lượng tái tạo rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, dự án xếp hàng chờ bổ sung, hàng loạt dự án chỉ phát 30 - 45% công suất vì đường truyền quá tải. Đỉnh điểm là điện gió bị ép giảm công suất từ 38 - 64% mới được hòa lưới gây ra cuộc tranh cãi lớn hồi tháng 7 năm ngoái. Sau đó là một cuộc chạy đua hoàn thành đóng điện, vận hành thương mại trước ngày 30.6.2019 của các dự án điện mặt trời nhằm hưởng cơ chế giá ưu đãi. Chạy đua xong thì tất cả lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, không biết có nên đầu tư nữa hay không vì chưa có giá mới, cứ mòn mỏi chờ đợi... Tư duy logic thì trong bối cảnh thiếu điện, chúng ta phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để các dự án điện đi vào vận hành, bổ sung cho lưới điện. Nhưng thực tế thì điện thiếu cứ thiếu, dự án chờ cứ chờ.
Tương tự chuyện điện than - điện tái tạo. Nguy cơ ô nhiễm từ điện than nói nhiều rồi, hệ quả như thế nào ai cũng thấy rồi. Thế nhưng các dự án điện than vẫn được cấp phép, vẫn được xem xét, vẫn được ủng hộ trong khi điện gió, điện mặt trời như nói trên... luôn bị làm khó.
Có nhiều lý giải, nào là chúng ta không thể ngưng ngay điện than. Tất nhiên rồi. Nhưng vì sao các dự án năng lượng tái tạo không được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, để dần dần thay thế ?
Điện mặt trời áp mái đang tạm thời chưa thể tiếp tục bán cho nhà điện, các dự án điện mặt trời vẫn đang chờ lưới; nhà đầu tư vẫn mòn mỏi... trong khi chúng ta vẫn đang mua điện của Lào, Trung Quốc, nhập than phát điện...
Thế nên lý giải kiểu gì cũng không thỏa đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.