Kỷ niệm còn đây…
“Gia đình đạo diễn Hoa theo đạo Phật, mà đối với nhà Phật chết không có nghĩa là hết, là chấm dứt tất cả, mà sẽ tiếp tục bước vào một hành trình mới xa hơn...” - chúng tôi đã nghe sa môn Huệ Thiện nói như thế vào giờ cúng ngọ trưa hôm qua 2.8 ở chùa Vạn Phước, đường Tuệ Tĩnh, Q.11, TP.HCM - nơi mà chiều nay sau cuộc hỏa táng ở Bình Hưng Hòa, cốt tro của đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ đem về đó cầu siêu và gửi thờ. Hai ngày qua, đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp ngành điện ảnh và người ái mộ các thế hệ đã đến viếng linh cữu đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, các giám đốc cùng đạo diễn, diễn viên nhiều hãng phim, thân hữu trong nước và ngoài nước đã gửi vòng hoa vĩnh biệt. Ban lễ tang (do ông Nguyễn Thái Hòa - Tổng giám đốc Công ty phim Giải phóng làm trưởng ban) cùng gia đình thông báo lễ truy điệu cử hành lúc 6 giờ 15 sáng nay tại Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM.
|
Chúng tôi nhớ đạo diễn Lê Hoàng Hoa trong buổi gặp mặt cách đây chưa đầy một tháng tại nhà riêng của ông ở Q.3, ông tình cờ nhắc đến cái chết: “Tôi không bao giờ quên về chuyện một ngôi mộ đã thấy khi làm phim Gác chuông nhà thờ. Phim đó có cảnh nhân vật Đoàn do La Thoại Tân đóng lê bước nặng nề về phía một ngôi mộ rồi gục chết, trên lưng Đoàn còn cắm ngập một con dao găm tới chuôi. Cảnh đó được tôi chọn quay tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn trước kia mà nay là mặt bằng tọa lạc của Công viên Lê Văn Tám, Q.1”. Trong lúc đợi ê-kíp chuẩn bị cho cảnh quay, ông “rảo bước quanh nghĩa trang và dừng lại trước mộ nhỏ của em bé gái mới 8 tuổi, thấy trên mộ có một cuốn sách xây xi măng có khắc hai câu thơ bằng tiếng Pháp, không hiểu sao hai câu thơ đó theo đuổi tâm trí tôi hàng chục năm ròng nhất là mỗi lần nghe ai nhắc đến cái chết...”.
Đó là hai câu: “Le temps passe - Le souvenir reste” của một thi sĩ Pháp (nghĩa là: Thời gian trôi qua - kỷ niệm còn đây, dường như Bùi Giáng đã dịch: “Thời gian lặng lẽ trôi qua - Niềm thương ở chốn giang hà chưa trôi”). Vừa nói Lê Hoàng Hoa vừa giở cuốn bút ký Những tháng ngày làm phim chỉ vào số trang 41 mà ông tự tay đánh số sẵn để chúng tôi xem những dòng ông viết: “Tôi trở về địa điểm quay với ý nghĩ trong đầu sẽ có một ngày tôi đưa hai câu đầy yêu thương trên vào một phim nào đó... nhưng mãi đến 23 năm sau tôi mới thực hiện được ý định đó trong bộ phim Tình nhỏ làm sao quên với các diễn viên Mỹ Duyên, Đơn Dương, Lê Cung Bắc, Hồng Vân...”.
Những con người kỳ lạ
Bút ký Lê Hoàng Hoa chứa đựng giá trị tư liệu về công việc của một đạo diễn làm phim thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970. Có đoạn rất cụ thể: “trước khi chuyển âm tôi đã cùng nhạc sĩ Hoàng Trọng ngồi xem lại hết 9 cuộn final cut trên máy Moviola và thảo luận về những đoạn nào trong phim cần phải có nhạc. Anh Hoàng Trọng (đã cùng cô Xinh) ghi rõ những đoạn cần viết nhạc, đo độ dài của những mood nhạc, để xong phần chuyển âm là thu nhạc ngay trước khi hòa âm. Cùng lúc đó bên ráp nối phải lọc ra những tiếng động thật như tiếng súng đạn đủ các loại, tiếng đóng, mở cửa xe, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ rền vang, tiếng sóng biển... để cho bên âm thanh chọn lựa từ kho tiếng động của trung tâm điện ảnh rồi thu qua phim từ tính (magnetic film)”. Ông phải kiểm tra những công đoạn khác: “họa sĩ Kha Thùy Châu thì đang kẻ chữ cho bản générique để gửi qua Nhật in chồng lên đoạn mở đầu (surimpose) - mọi việc liên quan đến cuốn phim, người đạo diễn phải để mắt tới và phải chịu trách nhiệm tất cả, do đó hầu như suốt ngày tôi không lúc nào có thời gian rảnh...”.
Ông ghi nhận những “con người kỳ lạ” trong sinh hoạt thường ngày, như ông Giám đốc Mỹ Vân cầm đĩa bánh bèo trút vào chén chè đậu đỏ “trộn lên rồi dùng thìa múc ăn một cách ngon lành, trong đoàn có người thắc mắc tại sao ông ăn uống kỳ cục vậy thì ông ta trả lời tỉnh bơ: - Các cậu ăn riêng từng món, đến lúc vào trong bụng chúng cũng trộn lại với nhau, có gì đâu mà kỳ!”. Nhưng người kỳ lạ nhất đối với Lê Hoàng Hoa là ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc hãng Liêm Film (đồng thời là chủ hai nhà hàng lớn nổi tiếng: Tự Do và La Pagode). Có lần ông Liêm mua 2 vé máy bay khứ hồi để đi cùng Lê Hoàng Hoa lên Đà Lạt. Lê Hoàng Hoa đã ra phi trường Tân Sơn Nhất chờ mãi không thấy, gọi điện thoại về hỏi, ông Liêm không trả lời - hỏi lại: “Anh đang ở đâu đó?”. Ông Hoa bảo đang ở phi trường, ông Liêm hỏi nữa: “Ở phi trường làm gì? Đáp: “Đi Đà Lạt!”. “Đi Đà Lạt làm gì?”. Tới đó Lê Hoàng Hoa khựng lại một lúc, rồi nhắc chính ông Liêm đã mua vé máy bay cho hai người cùng đi. Đầu dây bên kia kêu lên: “Ôi thôi chết rồi!...”. Tuy vậy “cho đến giờ phút này ông Liêm vẫn là người tôi quý trọng nhất trong số các ông bà chủ hãng phim mà tôi đã hợp tác, mặc dù con người của ông đã nhiều lúc làm tôi không hiểu nổi” - Lê Hoàng Hoa viết.
Trong lần gặp cuối, Lê Hoàng Hoa nói đang sống hạnh phúc nhiều năm qua với vợ là chị Trúc Quỳnh và con gái Michelle Quỳnh Anh tại Varsevie: “tôi sang Ba Lan định cư nên ngôi nhà ở hẻm số 351 Lê Văn Sỹ cho thuê, nhưng nhất định chừa ra căn phòng này để gìn giữ các tài liệu của tôi”. Hôm ông mất, chúng tôi đến lại ngôi nhà trên, thấy căn phòng riêng của ông khóa kỹ, ở gian giữa có bàn thờ Phật với ảnh các cụ đã vãng sanh, vắng lạnh từ ngày ông hôn mê trong bệnh viện... (Còn tiếp)
Giao Hưởng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 9: Đến với Đại hội Điện ảnh Á Châu
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 8: Hai điều “đầu tiên” ấn tượng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
Bình luận (0)