Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề

27/07/2012 03:05 GMT+7

Hoàn tất phần hình ảnh của phim Chân trời tím, tất cả phải gửi sang Nhật để in rửa ở Far East Laboratory (trước khi ráp nối, chuyển âm và hòa âm tại Sài Gòn) nên Lê Hoàng Hoa được rảnh ít nhất cũng nửa tháng, đủ thời gian để gõ cửa “một tình yêu”...

Cánh cửa hé mở cùng “điệu ru nước mắt”

Diệu Linh đã ra đón Lê Hoàng Hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất với mái tóc dài óng ả dưới nắng: “Tôi  yêu những mái tóc dài ấy, có lẽ vì tôi lớn lên ở thành phố Huế, quen nhìn và in sâu vào nỗi nhớ những mái tóc thề” (Bút ký). Lê Hoàng Hoa sinh tại Nha Trang và sống với người cậu ruột ở đó cho đến 8 tuổi rồi ra Huế ở với bà ngoại, vào học Trường Khải Định.

Là học sinh xuất sắc của trường, ông đã đậu kỳ thi tuyển sinh viên du học do Phái bộ Mỹ tổ chức tại Việt Nam năm 1952 (lúc ông 19 tuổi). Cùng đậu kỳ thi đó, có hai người nữa: Nguyễn Thức ở Sài Gòn và Hà Học Lập ở Hà Nội. Cả ba người lên đường sang Mỹ cùng một ngày và ông thổ lộ Huế vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim mình từ đó.

Giờ đây, ở phi trường Tân Sơn Nhất, trước mắt ông là mái tóc dài “rất Huế” của Diệu Linh với “khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to, sóng mũi dọc dừa, đầu mũi hơi vớt lên một tí, đôi môi thì không biết phải tả như thế nào đây... phải công nhận là cô bé đẹp, rất đẹp”. Giữa cô gái 17 tuổi này và ông vẫn chưa nói rõ “một lời gì” thắm thiết, tuy vậy việc Linh ra đón ở sân bay chứng tỏ cô đã có cảm tình với ông “ít nhất cũng hơn sự quen biết bình thường” như ông viết. Linh mặc quần jeans nhung màu tím với áo sơ mi trắng bỏ lửng bên ngoài, đang đứng cạnh một cô gái khác khoảng 27, 28 tuổi “cũng đẹp không kém, mặc bộ đầm màu mỡ gà”.

Linh giới thiệu: “Đây là dì em, Colette Ái Trinh”. Ông gật đầu chào, dì của Linh nói: “Cứ gọi em là Colette”. Rất nhanh, ông thầm nghĩ: “Cả hai dì cháu đều xưng em với mình thì làm sao mà gọi cô ta (Colette) bằng dì được đây”. Đang nghĩ thế, Colette đã bước về phía chiếc Dauphine màu trắng mở cửa xe ngồi sau tay lái, đưa ông về nhà riêng ở đường Trương Minh Giảng cũ (nay là đường Lê Văn Sỹ), hẹn: “Chiều nay em mời anh Hoa đi ăn với tụi này nhé”.

 Lê Hoàng Hoa trong phòng ráp nối phim - Ảnh: tư liệu
Lê Hoàng Hoa trong phòng ráp nối phim - Ảnh: tư liệu

Hai người đẹp - một Hoàng Hoa

Vừa đến nhà, hai ông Quốc Phong và Mỹ Vân điện thoại nhắn Lê Hoàng Hoa đến gặp gấp tại biệt thự số 6 Ngô Thời Nhiệm. Biệt thự lớn 3 tầng, tầng dưới làm văn phòng Liên Ảnh Công ty, một phòng dành riêng Lê Hoàng Hoa, một phòng của ông Quốc Phong và phòng khác nữa của ông Mỹ Vân. Tầng 2 dùng làm phòng chuyển âm và tầng 3 dành cho gia đình ông Mỹ Vân. Vừa ngồi xuống đã nghe ông Quốc Phong nói ngay: “Chúng ta sẽ làm tiếp phim thứ hai”, và đưa Lê Hoàng Hoa xem cuốn Điệu ru nước mắt của Duyên Anh: “Trong thời gian đợi phim in rửa từ Nhật về, cậu viết phân cảnh kỹ thuật, việc chuyển âm và hòa âm tụi này sẽ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, để khi hoàn tất Chân trời tím là bắt tay vào việc thực hiện phim Điệu ru nước mắt ngay”.

Rồi ông Mỹ Vân hỏi Lê Hoàng Hoa cần lên Đà Lạt để viết phân cảnh không. Ông muốn ở lại Sài Gòn vì có Diệu Linh, nên bảo: “À không, lần này tôi viết ở đây (Sài Gòn) cũng được”. “Mắt ông Mỹ Vân sáng lên” bởi hãng phim sẽ đỡ khoản chi tiền vé máy bay khứ hồi và ăn ở khách sạn Palace trong nửa tháng. Lại bàn sang chuyện chuyển âm và hòa âm cho Chân trời tím mãi đến 4 giờ 15 chiều chưa xong. Còn 15 phút nữa đến giờ Colette hẹn gặp. Ông xin lỗi rời chỗ họp, ra phòng ngoài nhấc điện thoại báo Colette và Diệu Linh biết không đi ăn ở quán Con Nai Vàng được. Colette có vẻ thất vọng, hỏi: “Họp lâu không anh?” - ông đáp chắc phải đến 8 giờ tối. Tiếng Colette hẹn lại: “Vậy mình đi nhảy đi, OK?”, ông đồng ý.

Vào 8 giờ 30 tối, Colette và Diệu Linh đón ông đến vũ trường, ông và Diệu Linh lại trong vòng tay nhau qua tiếng hát Nhật Trường: “Anh về với em, như chim liền cánh, như cây liền cành… Như đò với sông, như nước xuôi dòng vào lòng biển xanh”. Đến đoạn cuối của ca khúc, mắt ông “chỉ còn nhìn thấy mỗi khuôn mặt dễ thương đầy quyến rũ của Linh dưới ánh đèn màu mờ nhạt, tôi đi những bước dài và cố tình di chuyển khỏi tầm nhìn của dì Colette đang ngồi một mình, rồi nhẹ nhàng kéo sát Linh vào người tôi và Linh đã để yên...”.

Ông nói nhẹ như hơi thở - để chỉ “mình Linh nghe thôi” rằng, ông muốn “sẽ được ôm em suốt đêm”. Cô bé nhìn vào mắt ông: “Anh nói thật không?”. Ông đáp: “Thật đó”. Lúc ấy khúc vũ nhạc cũng vừa dứt điệu boléro, chuyển dần sang bài khác theo điệu chachacha, Linh dừng bảo: “Nhảy với dì Colette đi anh, dì nhảy chachacha đẹp lắm”. Vậy là đêm ấy ông đã “khiêu vũ với hai người đẹp bằng hai tâm trạng khác nhau và không bao giờ nghĩ rằng đó là mở đầu của một kết thúc thật buồn”... (Còn tiếp)

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.