Điện ảnh Việt canh cánh nỗi lo về nguồn nhân lực

14/11/2019 06:22 GMT+7

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ ngày 23 - 27.11 tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”.

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần này thu hút 16 phim truyện, 9 phim khoa học, 29 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình tham gia tranh giải, với mục tiêu tôn vinh các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo; vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật từ năm 2017 - 2019.

Phim có sự góp vốn sản xuất của Nhà nước trở lại

Trong khi LHP Việt Nam lần thứ 20 vắng bóng hoàn toàn phim nhà nước thì tại kỳ LHP Việt Nam 21, danh sách phim truyện nhựa dự thi đã có sự thay đổi. Trong số 16 phim truyện, ngoài những phim từng chiếu rạp ăn khách như Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Anh thầy ngôi sao..., có 4 phim đánh dấu sự trở lại của phim có sự góp vốn sản xuất của nhà nước, đó là: Truyền thuyết về Quán Tiên, Thạch Thảo - 2 phim do nhà nước và tư nhân (70% vốn nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa) hợp tác sản xuất; Nơi ta không thuộc về (Điện ảnh Quân đội) và Hợp đồng bán mình (Công ty CP phim Giải Phóng).
Điện ảnh Việt canh cánh nỗi lo về nguồn nhân lực1

Phim Thạch Thảo

Ở mặt bằng chung, phim tư nhân vẫn chiếm lĩnh thị trường, mang đến sự sôi động cho điện ảnh Việt, dù chất lượng phim dự thi không đồng đều, có nhiều bàn cãi về chất lượng ngay cả khi phim đạt doanh thu trên trăm tỉ đồng, như Cua lại vợ bầu, Lật mặt: Nhà có khách; ngược lại, phim có tiền bán vé không cao nhưng lại được khen về chất lượng như Song lang, Thưa mẹ con đi... Như vậy, LHP năm nay vẫn chưa thực sự có được một bộ phim làm hài lòng tất cả ở nhiều yếu tố. Hai ứng viên sáng giá cho giải Bông sen vàng năm nay là Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt, Ngô Thanh Vân đóng chính) và Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ, diễn viên Quách Ngọc Ngoan).
Trong 4 phim nhà nước, ngoại trừ Thạch Thảo (đạo diễn Mai Thế Hiệp) đã từng ra rạp nhưng doanh thu khá thấp thì 3 phim còn lại vẫn chưa chiếu bán vé tại rạp cho đến ngày đi dự LHP Việt Nam 21. Riêng Hợp đồng bán mình do nhà nước đặt hàng Công ty CP phim Giải Phóng sản xuất thì chỉ mới chiếu miễn phí cho khách mời và báo giới xem.

Thiếu nhân lực chuyên môn cao để hội nhập

Điện ảnh Việt canh cánh nỗi lo về nguồn nhân lực2

Phim Hai Phượng

Ảnh: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Một điểm mới trong tiêu chí chọn phim tham dự LHP năm nay là khẩu hiệu của LHP. Nếu LHP Việt Nam 20 có khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”, thì LHP năm nay là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Điều đó cho thấy yếu tố hội nhập đang được các nhà quản lý cũng như người làm điện ảnh chú trọng.
Tuy nhiên, để hội nhập, cũng cần nhìn lại điện ảnh Việt Nam hiện nay. Điện ảnh Việt đang phát triển, điều đó ai cũng thấy khi số lượng phim ra rạp tăng cao, từ chỉ lèo tèo 10 - 20 phim/năm đến nay đã có khoảng 45 - 50 phim/năm, với doanh thu phòng vé mỗi năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, nguồn nhân lực - yếu tố chính để công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững - lại vừa yếu vừa thiếu và bấp bênh.
Khi làm phim 798Mười, đạo diễn Dustin Nguyễn cho biết: “Do lùi lịch quay, tôi không thuê được đạo diễn hình ảnh giỏi vì có tới 5 - 6 phim đang quay cùng lúc. Vậy nếu phim Việt được sản xuất nhiều hơn nữa thì tìm đâu ra người giỏi để mời vào các đoàn phim?”. Các phim được đánh giá có kỹ thuật tốt, được chiếu thương mại tại Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn, Trung Quốc... như Hai Phượng, Lật mặt: Nhà có khách, Hồn papa da con gái... đều phải nhờ vào những chuyên viên từ nước ngoài hỗ trợ cho các khâu trọng yếu như: đạo diễn hình ảnh (DOP), âm thanh - nhạc phim, hậu kỳ - kỹ xảo... Lý do là hiện cả nước có hai cơ sở đào tạo chính quy là ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và TP.HCM, chỉ đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim, biên kịch..., cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn; còn các khâu quan trọng khác của một bộ phim thì không đào tạo hoặc dạy chắp vá.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho rằng: “Nếu muốn điện ảnh Việt phát triển thành một nền công nghiệp điện ảnh ngang tầm các nước trong khu vực, lãnh đạo ngành điện ảnh cần phải có chiến lược đào tạo căn cơ nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới, như Hàn Quốc đã từng có cuộc “cách mạng điện ảnh” khi Chính phủ Hàn tài trợ kinh phí cho hơn 300 người với tiêu chí còn trẻ (từ 18 - 25 tuổi) sang Mỹ để đào tạo các khâu làm phim, giúp điện ảnh Hàn Quốc có những bước nhảy thần kỳ, cạnh tranh được với các nền điện ảnh tiên tiến”.
Mong nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh hơn nữa từ phía nhà nước: “Muốn tiến tới một nền công nghiệp điện ảnh thực thụ, cần lắm các chính sách bảo hộ điện ảnh Việt từ nhà nước về hạn ngạch nhập khẩu phim ngoại, số suất chiếu phim Việt so với phim ngoại, tỷ lệ ăn chia của chủ rạp và nhà sản xuất phim, ưu đãi thuế cho các phim mang ý nghĩa xã hội - lịch sử, đãi ngộ đoàn phim ngoại, hỗ trợ đoàn phim nội để Việt Nam là điểm đến quay phim, và cả kiểm duyệt thông thoáng để các nhà làm phim sáng tạo, đột phá hơn trên nền pháp luật... Làm được tất cả những điều đó, điện ảnh Việt Nam mới có thể phát triển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.