Sáng 11.4, cả nước không ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19. Tổng số ca bệnh hiện vẫn là 257 ca, trong đó, 144 ca đã khỏi bệnh.
Trước đó, trong chiều qua, 10.4, Bộ Y tế công bố thêm 2 bệnh nhân Covid-19, trong đó có thêm 1 ca bệnh có liên quan tới bệnh nhân số 243 (bệnh nhân 257).
Bệnh nhân 257 là nữ, 15 tuổi, trú tại xóm Hội, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân là học sinh, đang nghỉ học ở nhà, không đi đâu. Ngày 20.3, bệnh nhân 243 (là bạn của bố bệnh nhân) đến nhà chơi và nói chuyện với bố bệnh nhân.
Tới ngày 8.4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, chảy nước mũi. Ngày 9.4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 10.4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19).
Điều may mắn là bố bệnh nhân này (cũng tiếp xúc với bệnh nhân 243 cùng ngày) cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính.
Với 4 bệnh nhân liên quan, bệnh nhân 243 trở thành nguồn lây bệnh Covid-19 tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) khi cả 4 bệnh nhân liên quan tới bệnh nhân này đều không phải là những người thân, ở cùng nhà, thường xuyên có tiếp xúc gần với bệnh nhân.
|
Trong số 4 người bệnh đã được công bố có liên quan tới bệnh nhân 243 thì có 3 người là hàng xóm (bệnh nhân 250, 254, 257), 1 người là chị dâu (bênh nhân 253). Tất cả đều ở gần nhà và có tiếp xúc với bệnh nhân 243.
Việc lây nhiễm của bệnh nhân 243 ra cộng đồng đã được dự đoán từ trước. Bởi theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thì trong thời gian từ 12.3 (thời điểm tới khám tại Bệnh viện Bạch Mai) tới 30.3 (thời điểm khai báo y tế và cách ly tại nhà), bệnh nhân 243 đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đến dự đám giỗ, đám cưới, giao bán hoa tại chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Sau ngày 30.3 (sau thời điểm được cách ly tại nhà), bệnh nhân này vẫn đi giao hoa tại chợ (3 - 4.4), đi tảo mộ, đi sửa xe máy và nhiều hoạt động khác…
Bên cạnh đó, các bệnh nhân lây từ bệnh nhân 243 cũng có nhiều nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh nhân khác. Chẳng hạn, bệnh nhân 254, hàng xóm của bệnh nhân 243 cũng là bệnh nhân tại Bệnh viện Thận Hà Nội. Do đó, 28 bác sĩ và 17 bệnh nhân cùng phòng hoặc sử dụng chung máy chạy thận với bệnh nhân 254 đã được đưa đi cách ly và điều trị.
Ngoài ra, theo CDC Hà Nội, một bệnh nhân khác cũng là người dân thôn Hạ Lôi chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội cũng đã cho kết quả dương tính với virus gây bệnh Covid-19.
Trước nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng từ bệnh nhân 243, từ chiều 7.4, TP.Hà Nội đã quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, nơi ở của bệnh nhân 243) với 2.937 hộ với 10.872 nhân khẩu.
|
Một vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm chính là nguồn lây bệnh cho bệnh nhân 243. Với tiền sử dịch tễ “từng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai”, nhiều ý kiến nhận định rằng, bệnh nhân 243 lây bệnh từ ổ dịch Bạch Mai - ổ dịch lớn nhất tới thời điểm hiện (nếu tính cả bệnh nhân 243 và các bệnh nhân liên quan thì đã có 49 bệnh nhân liên quan tới ổ dịch này) và tính theo thời điểm bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai khám thì sau 24 ngày mới phát bệnh.
Tuy nhiên, trong một trao đổi mới đây tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới bị lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây cho bệnh nhân này là từ cộng đồng.
“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng, nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay, không để lan rộng”, ông Phu khuyến cáo tại cuộc họp.
|
Số ca bệnh mới giảm, số khỏi bệnh đã vượt số đang điều trị
Một tín hiệu rất đáng mừng là số ca bệnh mới được ghi nhận tại Việt Nam trong 1 tuần qua (từ 4.4 - hết 10.4) đã giảm đáng kể. Cụ thể, số ca bệnh mới được ghi nhận mỗi ngày chỉ còn từ 1 đến 4 ca. Trong khi đó, tuần trước đó, thấp nhất là 4 ca, nhiều nhất là 15 ca.
Trong cả tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 22 ca bệnh mới. Trong khi đó, tuần trước đó, cả nước ghi nhận tới 74 ca bệnh mới, cao hơn gấp hơn 3 lần.
Rất nhiều ca bệnh được cho là có nguy cơ làm lây lan dịch ra cộng đồng rất lớn do có lịch sử di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người như bệnh nhân 237 (quốc tịch Thụy Điển) hay bệnh nhân 148 (quốc tịch Pháp). Tuy nhiên, tới nay, chỉ mới có 1 trường hợp duy nhất lây nhiễm từ bệnh nhân 148 và chưa ghi nhận thêm bệnh nhân nào khác dù 2 bệnh nhân nói trên đều đã khỏi bệnh.
Một tín hiệu đáng mừng khác là số ca bệnh được công bố khỏi bệnh cũng đang tăng lên đáng kể trong những ngày gần đây. Cho tới hết ngày 10.4, cả nước đã có 144 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 56% số ca bệnh được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số ca bệnh hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay chỉ còn 113 ca.
|
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia, phòng, chống dịch Covid-19 với báo chí chiều qua, 10.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, xu hướng các ca bệnh mới đang giảm song khẳng định không chủ quan. Theo ông Long thì đã có một số lượng người từ vùng dịch về từ trước, nên có nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 cho cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không lơ là mất cảnh giác, phải thực hiện đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng tại cuộc họp nêu trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khẳng định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Song, ông cũng khẳng định, dù mấy hôm nay, tình hình được kiểm soát tốt hơn, nhưng “cả cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn phía trước nên không ai được chủ quan".
Tới hôm nay, cả nước đã thực hiện cách ly xã hội được 11 ngày. Chỉ còn 4 ngày nữa là tới ngày 15.4, ngày cuối cùng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ quyết việc có thực hiện cách ly xã hội tiếp hay không dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh.
Bình luận (0)