Ngày 12.9, Sở Ngoại vụ TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về chương trình Đối thoại hữu nghị TP.HCM (FD) lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5.
Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - chia sẻ TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TP.HCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút, tỷ trọng kinh tế của thành phố so với các nước giảm. Đáng lo ngại hơn, những năm qua, kinh tế thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần; hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng; giá đất ngày càng đắt đỏ...
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với sản phẩm hàng hóa; các chuẩn mực chung về phát triển bền vững chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Như vậy, nếu không chuyển đổi và tuân thủ, các doanh nghiệp (kể cả xuất khẩu hay không xuất khẩu) đều có nguy cơ mất thị trường... "Từ bối cảnh phát triển trên, chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM và cũng là chủ đề của Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024", ông Bình An nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức sự kiện, đến nay, đã có 36 đoàn địa phương và bộ, ngành quốc tế xác nhận tham dự FD 2024 đến từ 16 quốc gia, gồm Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.
Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay lần đầu tiên có phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ diễn ra buổi chiều 25.9. Thông tin từ Sở Ngoại vụ TP.HCM, phiên đối thoại này nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Trước đó, sáng 25.9, lễ khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP.HCM và lễ ra mắt C2IR dự kiến sẽ diễn ra ngay sau phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)