'Điên đầu' vì karaoke trong những ngày tết

01/02/2024 10:00 GMT+7

“Điên đầu”, ám ảnh vì hàng xóm hát karaoke inh ỏi trong những ngày tết là lời than thở của không ít người trẻ.

“Hát không hay nhưng cố gào thật to”

Tết là dịp người trẻ về với gia đình, ngồi quây quần bên nhau, tận hưởng giây phút bình yên, rời xa những xô bồ, tấp nập ở thành phố. Tuy nhiên, hàng xóm láng giềng mở nhạc, hát karaoke inh ỏi cả ngày lẫn đêm khiến họ chẳng được bình yên.

Nguyễn Thanh Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Hàng xóm ở quê mình hay hát karaoke. Mỗi lần họ có thể hát từ 3 - 4 tiếng và rủ rất đông người đến ăn nhậu, tụ tập để cùng hát cho vui. Có ngày mình đang ngủ trưa thì giật mình tỉnh dậy bởi âm thanh như: “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca”, có lúc thì “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con”. Những âm thanh ấy gây “ám ảnh” cho mình suốt kỳ nghỉ tết năm rồi”.

Lê Thị Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, kể: “Mỗi lần về quê vào dịp lễ tết là mình rất sợ việc hàng xóm hát karaoke. Lúc nào rảnh hoặc có bạn bè, người thân tới chơi, ăn uống, họ đều rủ nhau ca hát. Có phải ai cũng biết hát đâu, họ cứ cố gào lên thật to. Khi mệt thì chuyển sang mở nhạc có sẵn trong điện thoại. Rồi mỗi nhà mở một thể loại nhạc, tạo thành tạp âm khiến mình rất nhức đầu. Có những ngày, mình tìm quán cà phê ngồi vì ở nhà muốn nói chuyện phải hét lớn mới nghe”.

'Điên đầu' vì karaoke trong những ngày tết- Ảnh 1.

Nhiều người sợ nghe hàng xóm hát karoke trong những ngày tết

NGỌC DƯƠNG

Cũng chịu chung cảnh bị hàng xóm hát karaoke ồn ào, Võ Tấn Phát (24 tuổi), ngụ tại 975 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nói: “Mình chọn một căn nhà trọ trong hẻm nhỏ, cách xa mặt đường với kỳ vọng thoát được tiếng ồn ào do xe cộ. Thế nhưng, không bị tiếng ồn của giao thông, mình lại bị “tra tấn” bởi tiếng hát của hàng xóm. Hầu như ngày nào cũng có người hát karaoke. Có bữa 3, 4 nhà cùng hát lúc, tất cả hòa lại là một thứ âm thanh hỗn tạp. Những ngày cận tết, nhiều gia đình mở tiệc tất niên, họ thuê dàn loa về hát khiến cho hàng xóm ức chế, đau đầu vì thú vui này”.

Hát karaoke vượt quy chuẩn là vi phạm pháp luật

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, nhìn nhận vào dịp tết đến xuân về, thực trạng người dân tổ chức liên hoan, thuê loa đài, hát karaoke trong khu dân cư đã trở thành thứ yếu và phổ biến ở nước ta. Mặc dù vậy, việc hát karaoke, sử dụng loa với tiếng ồn lớn và kéo dài như “tra tấn” người khác có thể khiến hàng xóm bức xúc, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe của họ, thậm chí là gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết tại mục 2 QCVN 26:2010/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì các nguồn gây tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giới hạn sau: tại khu vực thông thường như khu chung cư, nhà ở riêng lẻ... là 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6 đến 21 giờ và 55 dBA trong khoảng thời gian từ 21 đến 6 giờ sáng hôm sau. Điều 6, luật Bảo vệ môi trường hợp nhất năm 2022 thì pháp luật nghiêm cấm hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định.

'Điên đầu' vì karaoke trong những ngày tết- Ảnh 2.

Việc người dân hát karaoke nếu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn được xem là hành vi vi phạm pháp luật

NGỌC DƯƠNG

“Như vậy, theo những quy định trên, việc người dân hát karaoke cho dù là ban ngày hay ban đêm nếu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại (nếu có)”, luật sư Bình nói.

Luật sư Bình cho biết Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, về vi phạm các quy định về tiếng ồn, thì tùy vào mức độ tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn mà người vi phạm có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo và cao nhất là 160 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng đến 12 tháng và buộc khắc phục hậu quả là thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.