Nhiều bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia xây dựng cơ chế
Đại diện Bộ TN-MT cho biết, trong thời gian xử lý, tháo gỡ vướng mắc về đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, toạ độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển. Đến khi có hành lang pháp lý về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển sẽ xem xét tiếp.
Nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ phải chờ đợi cơ chế chính sách đầu tư điện gió ngoài khơi |
HỘI ĐỒNG NĂNG LƯỢNG GIÓ TOÀN CẦU (GWEC) |
Đồng thời, để tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến nhiều bộ, ngành nên đại diện Bộ TN-MT đã đề xuất lên Chính phủ một số giải pháp.
Cụ thể, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và các bộ, ngành địa phương nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiều ha/MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển do mỗi khu vực biển sẽ có quy định khác nhau khi tốc độ gió, mật độ gió, công suất tuabin, điều kiện chất chất, địa hình khác nhau.
Đại diện Bộ TN-MT cũng cho hay đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng nghiên cứu, xây dựng, ban hành công suất điện gió cho 1 dự án là bao nhiêu 0,5 GW, 1 GW hay 2 GW… để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện. Công suất dự kiến để khảo sát là bao nhiêu GW trong từng thời kỳ quy hoạch cho phù hợp với tổng công suất điện gió ngoài khơi luỹ kế đến năm 2030 được xác định khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt.
Theo đại diện Bộ TN-MT, Bộ cũng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ TN-MT nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi. Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền công bố các vùng biển có tiềm năng, khả năng phát triển điện gió.
Chờ đợi Chính phủ họp bàn giải pháp
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ TN-MT đang gấp rút hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định 11/2021/NĐ-CP.
Bộ TN-MT đã đề xuất Chính phủ họp bàn về chủ trương, giải pháp xây dựng, ban hành cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi |
HỘI ĐỒNG NĂNG LƯỢNG GIÓ TOÀN CẦU (GWEC) |
Nội dung của dự thảo nghị định cơ bản sẽ nêu về các vấn đề: bổ sung rõ nghĩa hơn theo hướng khẳng định các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép thực hiện hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát trên biển; bổ sung cụ thể quy định về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.
Bên cạnh đó, nghị định cũng bổ sung quy định thời gian xem xét, thẩm định, chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập dự án điện gió là 90 ngày làm việc, kể từ ngành nhận được đầy đủ đề xuất; quy định thời gian chấp thuận thực hiện hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là 3 năm…
Theo đại diện Bộ TN-MT, đề tạo sự đồng bộ của của chính sách phát triển điện gió ngoài khơi cũng như môi trường đầu tư thuận lợi, thực hiện cam kết mức phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26, đã đề nghị Thủ tướng chủ trì họp với một số bộ, ngành liên quan để bàn chủ trương, giải pháp.
Trước đó, Thanh Niên đã thông tin về việc có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn “đổ tiền xuống biển” làm điện gió ngoài khơi nhưng chưa được phép vì có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình khảo sát đo gió, địa hình, địa chất biển. Trong khi đó, phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển cũng như định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, cam kết tại COP26 đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bình luận (0)