Điện gió ngoài khơi vẫn cứ 'xa bờ'

19/09/2024 06:17 GMT+7

Quy hoạch điện 8 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phải đạt 6.000 MW. Nhưng sau gần 1 năm rưỡi quy hoạch được phê duyệt, VN vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư hay giao nhà đầu tư thực hiện.

Sau 5 năm, vẫn trùng điệp khó khăn

Đáng nói, đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi do Bộ Công thương xây dựng và trình vào giữa tháng 7 vừa qua cũng cho thấy đến năm 2030, không có bất cứ MW nào từ nguồn điện này được đưa vào hệ thống. Trong khi đó, theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, năng lượng gió ở VN có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực. Tại sao nguồn điện gió ngoài khơi tại VN lại cứ mãi "ngoài khơi", khó vào được đất liền đến vậy?

Điện gió ngoài khơi vẫn cứ 'xa bờ'- Ảnh 1.

Điện gió ngoài khơi đụng đâu vướng đó, trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn

ẢNH: ĐỘC LẬP

Thực tế, cách đây hơn 5 năm, tháng 6.2019, Bộ Công thương đã có quyết định chấp thuận cho việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận). Quyết định này được coi như bước đệm, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành năng lượng gió ngoài khơi tại VN. Kế đó, tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng khẳng định: "Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển VN".

Thế nhưng, sau hơn 5 năm, Bộ Công thương mới đây cũng chỉ đưa ra được Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 theo Quy hoạch điện 8 (đề án thí điểm). Trọng tâm là nghiên cứu các vướng mắc về pháp luật trong việc triển khai thực hiện nguồn điện này. Báo cáo của của Bộ Công thương cũng nêu loạt khó khăn trùng điệp từ vướng mắc quy hoạch, chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng, quy định pháp luật về biển, xác định tài nguyên gió là tài sản công... 

Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ… Lý do là VN chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm về loại dự án này, đồng nghĩa với việc có thể chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển. 

Từ đó, Bộ đề xuất giao cho tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai thí điểm, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Tại cuộc họp liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là đề án để thực hiện chứ không phải xin chủ trương và đề xuất cơ quan xây dựng đề án thí điểm phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai...

Mới đây nhất, tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, điện khí ngoài khơi, Thường trực Chính phủ nêu quan điểm Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ tháng 4.2024. Đề nghị Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị triển khai. Các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật.

Rất nhiều chuyên gia, các tập đoàn năng lượng tái tạo lớn háo hức đến VN đặt văn phòng, khảo sát với mục đích nghiêm túc và lâu dài. Không ai đến vui chơi rồi rời đi. Tôi nghĩ vấn đề này phải nói thẳng với nhau về trách nhiệm cụ thể của cơ quan nào chứ không thể cứ họp bàn, nói chung chung mãi được.

TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới

Chậm có cơ chế, làm nản lòng nhà đầu tư

Đáng nói, các nhà đầu tư điện gió lớn nước ngoài đã vào VN từ sớm nhưng đều lần lượt rời đi. Năm 2023, nhà đầu tư điện gió đến từ Đan Mạch Orsted rời VN, mới đây, Equinor từ Na Uy cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại VN. Các chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng VN nhận xét điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại VN so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.

TS Trần Văn Bình (Việt kiều Đức), thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng điện gió ngoài khơi của VN đã và đang bị phủ một "gam màu ảm đạm" rất đáng tiếc. Bởi ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng, điện gió ngoài khơi còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển. Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá. VN có tiềm năng về gió nhưng chưa có khung pháp lý rõ ràng, chính sách chậm ban hành, sự phân công chưa rõ ràng dẫn đến hậu quả thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi bị ảnh hưởng khá nặng nề.

"Rất nhiều chuyên gia, các tập đoàn năng lượng tái tạo lớn háo hức đến VN đặt văn phòng, khảo sát với mục đích nghiêm túc và lâu dài. Không ai đến vui chơi rồi rời đi. Tôi nghĩ vấn đề này phải nói thẳng với nhau về trách nhiệm cụ thể của cơ quan nào chứ không thể cứ họp bàn, nói chung chung mãi được", ông Bình nói.

TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế VN, bức xúc: "Cơ chế chính sách phát triển điện gió ngoài khơi bị chậm cần truy trách nhiệm mỗi cá nhân, tập thể chứ không phải cứ nói chung chung là chưa có tiền lệ, chưa từng nghiên cứu đầu tư làm nên khó khăn. Bởi chính khó khăn mới cần có các nhà chuyên môn, nhà quản lý xây dựng chính sách để làm. Bộ Chính trị đã có nghị quyết, xác định xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi cơ mà. Để chậm chính sách đến 5 năm, nay nói vậy thì không thuyết phục nhà đầu tư được".

TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường biển và hải đảo (Bộ TN-MT), đề xuất trước mắt, nhằm sớm thực hiện các dự án thí điểm điện gió ngoài khơi đến năm 2030 với 6.000 MW, cần sớm ban hành Nghị quyết Quốc hội thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi (2024 - 2025). Đây là cơ sở cho việc ban hành luật Điện gió ngoài khơi sau 2030. Thứ 2, cần lồng ghép chương về điện gió ngoài khơi vào luật Điện lực sửa đổi; thứ 3 là nghiên cứu bổ sung vào luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo các quy định về không gian biển kỹ thuật cho điện gió, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xã hội và quy định về cấp phép khảo sát cho tổ chức trong nước, nước ngoài với các nguồn vốn ngoài ngân sách; quy hoạch không gian phát triển điện gió ngoài khơi cho các dự án cụ thể gắn với kế hoạch thực hiện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đồng thời, xác định khung pháp lý, cũng như không gian cho xuất khẩu điện gió ngoài khơi (như ký kết của VN với Singapore, Malaysia).

Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, điện khí ngoài khơi, Thường trực Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng, nhằm rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.