Điện gió ngoài khơi vùng biển nào hấp dẫn các nhà đầu tư nhất?

16/05/2022 15:14 GMT+7

Với hơn 3.000 km đường bờ biển, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi dồi dào và là thị trường mới nổi về gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), điện gió ngoài khơi có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035.

Nếu phát triển được sản lượng điện nêu trên để thay thế dần điện than có thể giúp Việt Nam giảm thiểu phát thải hơn 200 triệu tấn CO2.

Tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu

T.L

Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của WB, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La (công suất lớn nhất Việt Nam) và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.

Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.

Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8 - 10 m/giây, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700 W/m2.

Trước những cơ hội và tiềm năng lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam, mới đây Công ty Equinor (Na Uy), một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực này đã chính thức mở văn phòng tại Hà Nội và phối hợp cùng doanh nghiệp trong nước PetroVietnam, nộp đơn xin thực hiện dự án ở năm địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng và Thái Bình; đồng thời nộp đơn xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp quyền khảo sát.

Điện gió ngoài khơi là xu hướng dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo hiện nay trên thế giới. Để đạt được mục tiêu carbon trung tính (Net Zero), Ủy ban châu Âu ước tính ngành điện gió ngoài khơi châu Âu phải đạt công suất 300 GW vào năm 2050. Trên toàn cầu, theo đánh giá của Liên minh Hành động năng lượng tái tạo đại dương, thì công suất 1.400 GW gió ngoài khơi là một mục tiêu thực tế vào năm 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.