Năm 1997, Toyota khiến thị trường ô tô toàn cầu sôi sục khi trình làng mẫu xe hybrid đầu tiên - Toyota Prius. Đây là mẫu xe xanh tiên phong và là một trong những đốm sáng đầu tiên mở ra kỷ nguyên mới của xe xanh trên toàn cầu. Ở mảnh đất xe sang, 7 năm sau đó, với tầm nhìn từ hãng mẹ, phân hiệu xe sang Lexus cũng trở thành một trong những "người khởi xướng" cho cuộc cách mạng điện hóa ô tô, bằng việc trình làng mẫu RX400h.
Sau cột mốc lịch sử này, công nghệ Hybrid bắt đầu len lỏi, có mặt trên nhiều mẫu xe khác của Lexus, như GS 450h, CT 200h hay LS 600hL. Và đến nay, gần như đã trở thành tùy chọn không thể thiếu của tất cả các sản phẩm thương hiệu xe sang Nhật Bản. Xe hybrid của Lexus là một trong những mẫu xe luôn nắm giữ vị trí "dẫn đoàn" trong hành trình "xanh hóa" ô tô hạng sang, từ các phân khúc gầm thấp đến cao.
Nhưng giống với hãng mẹ, Lexus không vội nhảy vọt lên ô tô thuần điện. Trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh đã "vội vã" bước vào cuộc chạy đua với hàng loạt sản phẩm xe điện thương mại ra đời, mãi đến cuối năm 2020, thương hiệu xe sang Nhật mới mở bán mẫu xe thuần điện đầu tiên, có tên gọi Lexus UX 300e.
Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa Lexus "thờ ơ" với xe điện hay xu thế khó tránh của ngành công nghiệp ô tô. Bởi dù không vội thương mại hóa xe điện, nhưng thương hiệu Nhật lại là một trong những cái tên tích cực và có nhiều đóng góp, khi liên tục đưa đến các kỳ triển lãm những giải pháp để phát triển ô tô điện, thậm chí trưng bày không ít mẫu xe điện ý tưởng. Chỉ là… Lexus hay Toyota cuối cùng đã chọn một con đường không giống số đông.
Trong nhiều phát biểu trước truyền thông, các lãnh đạo của Toyota nói chung và Lexus nói riêng chưa bao giờ phủ nhận về tương lai của xe điện. Thậm chí, ý tứ trong những chia sẻ này còn ngầm khẳng định một điều, rằng xe thuần điện chắc chắn sẽ là một xu thế gần như không thể đảo ngược.
Trên thực tế ở thời điểm hiện tại, sự quan tâm của người tiêu dùng ô tô với các dòng xe điện đang rất rõ ràng và có thiên hướng tăng lên.
Thế nhưng, có lẽ những người Nhật… vẫn luôn thận trọng và an toàn. Toyota và Lexus sau cùng lại chọn chiến lược "chậm mà chắc". Bởi những lãnh đạo của tập đoàn ô tô lớn nhất nhì thế giới vẫn tin rằng, ngay thời điểm này, ô tô điện vẫn đang bị "ngăn sông cấm chợ" và còn nhiều rào cản. Từ giá bán cao, nguồn nguyên liệu sản xuất pin khan hiếm; cho đến tâm lý và thói quen sử dụng của số đông khách hàng; hay thực tế nhãn tiền nhất là cơ sở hạ tầng, hệ thống điện…
Vì vậy, trong tầm nhìn của hãng xe Nhật, đường đến với ô tô thuần điện cần có thêm cầu nối. Và xe hybrid đang là một trong những chiếc cầu an toàn nhất. Đó có lẽ cũng là lý do, Toyota hay Lexus dù xuất phát trước ở hành trình điện hóa ô tô, nhưng lại không quá vội với đích đến là xe thuần điện.
Kể từ dấu mốc 2004 với sự xuất hiện của RX400h, Lexus vẫn đang rất kiên trì với định hướng của mình, khi ra mắt thêm hàng loạt sản phẩm xe lai điện. Và chiến lược "điện hóa" ô tô với cầu nối là công nghệ hybrid của thương hiệu xe sang Nhật Bản sau gần 20 năm vẫn cho thấy sự đúng đắn.
Tính đến hết năm 2021, Lexus bàn giao hơn 2 triệu chiếc xe có động cơ điện cho khách hàng trên toàn cầu, chính xác là ở hơn 90 thị trường. Trở thành thương hiệu xe sang hàng đầu doanh số xe xanh. Số liệu ước tính, những chiếc xe Lexus lăn bánh đã giảm thiểu đến 19 triệu tấn khí thải carbon. Nếu đứng trên mục tiêu phát triển và sản xuất ra những chiếc ô tô "gần gũi hơn với môi trường", đây rõ ràng là một con số biết nói.
Còn ở khía cạnh kinh doanh, nếu nhìn sang nhiều ông lớn khác trong ngành ô tô - những tên tuổi bị cuốn vào cơn lốc xe điện, và đang phải rất chật vật để có thể thoát khỏi khủng hoảng vốn; càng thấy chiến lược "đi đường vòng" của Toyota và Lexus là hoàn toàn đúng đắn.
Đó là chưa nói về mặt giá trị. Trước đây, Phó chủ tịch Lexus Châu Á Thái Bình Dương - Giri Venkatesh từng khẳng khái thừa nhận rằng, bất kỳ ai cũng có thể chế tạo xe điện. Nhưng bên cạnh tinh hoa chế tác, công nghệ trực quan, mỗi chiếc xe quan trọng hơn cả là phải đáp ứng được nhu cầu thực sự của từng cá nhân. Mà ở mỗi quốc gia, khu vực cụ thể, điều kiện và thị hiếu của người dùng lại hoàn toàn không giống nhau.
Nghĩa là, thương hiệu xe sang của Nhật nhìn thẳng vào thực tế hơn. Khác với phân khúc xe phổ thông, khách hàng của Lexus nói riêng và phân khúc xe sang nói chung đương nhiên sẽ không tiếc tiền để đổi lấy những trải nghiệm đẳng cấp. Nhưng, phải thực sự thoải mái. Một chiếc ô tô thuần điện ở thời điểm này có thể thân thiện với môi trường, thỏa mãn nhu cầu được trải nghiệm công nghệ tiên tiến của chủ xe; nhưng không chắc có thể mang lại cảm giác lái phấn khích. Hoặc cũng không chắc đảm bảo sự thoải mái cần có. Bởi xe thuần điện - phía sau tay lái vẫn thấp thoáng nỗi lo về hạ tầng, giới hạn quãng đường…
Điều này giải thích vì sao sản phẩm của Lexus có mặt đồng bộ ở gần như mọi cấp độ khác nhau trong lộ trình điện hóa ô tô, từ xe hybrid cơ bản (HEV) đến những dòng xe hybrid sạc ngoài (PHEV) hay nâng cao hơn là xe điện toàn phần (BEV). Với mỗi cấp độ, từng kiểu loại xe sẽ nhắm đến và phù hợp với những đối tượng khách hàng riêng biệt.
Thị trường Việt Nam là một ví dụ gần gũi hơn cả. Năm 2017, trong bối cảnh số đông người Việt vẫn còn khá "lạ lẫm" với khái niệm xe hybrid, Lexus mang bộ ba xe hybrid là RX 450h, LS 500h và LC 500h trưng bày tại VMS. Một năm sau đó, Lexus LS 500h trở thành một trong những mẫu xe lai điện đầu tiên ở phân khúc xe sang thương mại hóa. Đến nay, khách Việt mua ô tô trong nước đã có thể lựa chọn phiên bản hybrid trên hầu hết các dòng xe của hãng xe sang Nhật, từ IS, ES, LS, NX hay RX.
Và sản phẩm điện hóa mới nhất của thương hiệu xe sang Nhật Bản tại "dải đất hình chữ S" lại là RX500h F Sport Performance. Một mẫu xe hybrid nữa, nhưng mang dấu ấn cải tiến hơn khi kết hợp hài hòa công nghệ mới đỉnh cao với cảm giác trải nghiệm và công năng sử dụng; mang đến cả sự phấn khích và an tâm cho người lái.
Nhưng quan trọng hơn cả, sức hút của mẫu xe này thêm một lần nữa cho thấy tầm nhìn của Toyota và Lexus.
Thông tin dịch vụ
Bình luận (0)