|
Làm giàu từ vùng lũ
Ông Mai Văn Đèo (quê ở Bến Tre) đến H.Tháp Mười (Đồng Tháp) làm thuê từ khi vùng đất này chưa được quy hoạch đê bao chống lũ. Nay gia đình ông có một cơ ngơi thật đáng nể tại ấp 3, xã Tân Kiều, với lò sấy lúa trị giá hơn 5 tỉ đồng, bình quân mỗi ngày sấy được khoảng 150 tấn. Ông chia sẻ: “Lò sấy chủ yếu sử dụng trấu, nhưng nếu không có điện thì không thể hoạt động được. Điện dùng để chuyển lúa từ ghe lên lò qua băng chuyền, đồng thời để chạy máy quạt gió thổi hơi nóng vào lò sấy”.
Điện khí hóa làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Tân Kiều. Ông Trần Văn Năm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Kiều, cho biết 100% hộ dân trong xã đã được cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhờ có điện mà 98% diện tích lúa của xã được bơm tưới tiêu qua hệ thống trạm bơm điện, bà con an tâm làm 3 vụ lúa ăn chắc, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 28 - 30 triệu đồng/năm.
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai Chương trình “Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh ĐBSCL”. Đây được xem là chương trình trọng điểm quốc gia, đảm bảo cho người dân vùng lũ có cuộc sống an toàn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và yêu cầu của địa phương, từ năm 2001 - 2013, ngành điện đã đầu tư cấp điện cho 288 cụm, tuyến dân cư với tổng kinh phí 63 tỉ đồng. Cụ thể, đường dây trung thế được đầu tư dài 128 km; đường dây hạ thế dài 362,5 km, cùng với 438 trạm biến áp 19.520 kVA. Với khối lượng lưới điện được đầu tư như trên, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã cấp điện cho gần 60.500 hộ dân di dời từ vùng ngập lũ, sạt lở vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. Việc làm này góp phần giúp cho các hộ dân vùng lũ được sống an toàn, từng bước ổn định, tiến tới phát triển bền vững, phục vụ tốt cho công tác phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Trong năm 2014 - 2015, ngành điện tiếp tục phối hợp với địa phương đầu tư lưới điện cho 6 cụm, tuyến dân cư còn lại của giai đoạn 2 để cấp điện cho khoảng 668 hộ dân với chi phí đầu tư 2,95 tỉ đồng.
Điện khí hóa nông thôn
Trong các năm qua, ngành điện Đồng Tháp đã phối hợp với địa phương thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn tại 15 xã thuộc các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Châu Thành, Lấp Vò, với tổng vốn đầu tư 51,2 tỉ đồng bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã đầu tư xây dựng lưới điện trung áp nông thôn bằng nguồn tỉnh ứng vốn tại 72 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố, với tổng vốn đầu tư 45,8 tỉ đồng.
Để nâng cao độ tin cậy của lưới điện khu vực nông thôn, Công ty Điện lực Đồng Tháp còn thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, cải tạo bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản và sửa chữa lớn của ngành điện với giá trị 136,4 tỉ đồng để cấp điện tại 135 xã. Ngành điện cũng đã thực hiện các công trình tăng cường công suất, cấy trạm chống quá tải cho 1.240 trạm biến áp/43,7MVA ở khu vực nông thôn với giá trị 48,7 tỉ đồng; sửa chữa bảo trì lưới điện với giá trị 58 tỉ đồng và vốn để phát triển thêm 325.500 khách hàng khu vực nông thôn với giá trị 240 tỉ đồng.
Từ năm 1998 - 2013, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ngành điện đã thực hiện cải tạo và xây dựng mới 1.295,61 km đường dây trung áp; 4.827,49 km đường dây hạ áp; cải tạo và xây dựng mới TBA: 108,5 MVA, với tổng giá trị đầu tư 791 tỉ đồng; trong đó vốn ngành điện 595,7 tỉ đồng, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp 133,7 tỉ đồng, vốn vay Ngân hàng Thế giới 18,7 tỉ đồng, vốn AFD 24,4 tỉ đồng, vốn Jibic 18,5 tỉ đồng. (Nguồn: Công ty Điện lực Đồng Tháp) |
Mai Vọng
Bình luận (0)