Hải Phòng từng 20 năm liên tiếp vô địch nhảy cao quốc gia và gặt hái không ít thành công ở các môn điền kinh khác. Thế nhưng, trong kỳ đại hội TDTT và 4 giải vô địch quốc gia gần đây nhất, các VĐV điền kinh Hải Phòng đều không có huy chương vàng.
VĐV Hải Phòng có tiềm năng nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng - Ảnh: L.T
|
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Trưởng bộ môn điền kinh của Hải Phòng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi của điền kinh Hải Phòng, nhưng quan trọng nhất chính là chế độ đãi ngộ hạn chế và lạc hậu. Trong 15 năm qua, chế độ cho VĐV của Hải Phòng vẫn thế”. Ở Hải Phòng, chế độ ăn hằng ngày của các VĐV là 120.000 đồng/ngày. Tiền tập luyện thi đấu cho các vận động viên là 90.000 đồng/ngày, chia ra 2 đợt, mỗi đợt 52 ngày công, trong khi ở các địa phương khác như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa… số tiền tập luyện cho các vận động viên được trả tất cả các ngày trong năm. Ông Quân nói: “Nhìn các đội bạn mới thấy buồn, có lần một HLV đội bạn chia sẻ tiền vé máy bay đi thi đấu của họ gấp đôi tổng kinh phí của cả đội Hải Phòng trong một năm. VĐV Hải Phòng biết, cũng cảm thấy buồn và tâm lý lắm”.
Một lãnh đạo Trung tâm đào tạo VĐV Hải Phòng cho biết: “Với 26 bộ môn, năm 2014 ngân sách cho thi đấu quốc tế là 500 triệu, năm 2015 là 1 tỉ đồng, năm 2016 được 1,5 tỉ đồng. Trong đó việc thuê chuyên gia nước ngoài cho cử tạ và sport aerobic đã mất 1 tỉ, chỉ còn lại 500 triệu cho các bộ môn khác tính toán, cân đối”. Việc này khiến cho cơ hội đi tập huấn của các VĐV gặp vô cùng khó khăn. Với bộ môn điền kinh, trước mỗi giải quốc gia, các HLV phải cân nhắc chọn lựa 2 VĐV đi tập huấn trong nước với kinh phí khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền ở, tiền ăn các VĐV tự lo. Trước mỗi kỳ đại hội thì được đi Trung Quốc, nhưng kinh phí chỉ đủ cho 1 thầy và 2 VĐV đi. Thậm chí, nhiều VĐV được mời tham dự các giải quốc tế cũng không dám đi vì thiếu tiền, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi.
Không chỉ bị tụt hậu mà điền kinh Hải Phòng còn phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu” tài năng. Ông Quân cho biết: “Các VĐV giỏi, nếu buông sẽ có đơn vị trả giá hàng trăm triệu để chuyển nhượng. Hiện nay chúng tôi vẫn đang giữ được quân, nhưng cũng tội cho các cháu, cơ chế này thì làm sao bật lên được”.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi có đến 26 môn mà tiền chỉ có thế. Năm nào chúng tôi cũng đề nghị, kêu gọi đầu tư thêm. Thậm chí chúng tôi còn xây dựng hẳn một chương trình chiến lược cho mục tiêu Olympic 2018. Thế nhưng không có kết quả gì. Sở VH-TT-DL cũng muốn đầu tư lắm, nhưng quyết định là ở lãnh đạo thành phố”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)