Giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận
Ông Dương Thanh Hà, Phó giám đốc Sản xuất - Điều hành Công ty CP xi măng Hà Tiên - Kiên Giang, cho biết nhờ có dòng điện quốc gia, công ty đã ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đáng kể.
Giới thiệu với chúng tôi về hệ thống băng tải từ bến xuất nhập hàng hóa lên nhà máy sản xuất của công ty, ông Hà nói: “Đơn cử như hệ thống băng tải này, nếu không có dòng điện thì phải thực hiện thuê nhân công vận chuyển thủ công. Đoạn đường từ bến lên nhà máy gần 200 m, mỗi công nhân vác một lần chỉ 1 bao 50 kg, nhưng hiện nay hệ thống băng tải này có khả năng truyền tải một lần 2 tấn, năng suất tăng gấp 40 lần”.
Theo ông Hà, ứng dụng hệ thống băng tải vào sản xuất là một trong những khâu nhỏ trong toàn hệ thống sản xuất xi măng của Công ty CP xi măng Hà Tiên - Kiên Giang. Nhiều công đoạn trước đây sử dụng hệ thống máy móc hoạt động bằng xăng, dầu thì nay đều chuyển qua sử dụng bằng các loại thiết bị, máy móc hoạt động bằng điện.
Tại Công ty CP Bao bì Hà Tiên (Hakipack), dây truyền sản xuất bao bì gần như khép kín. Sau 22 năm thành lập (1998 - 2020), sản phẩm của Hakipack không chỉ cung cấp cho khách hàng trong nước mà vươn tới thị trường khó tính như các nước khu vực châu Âu, Mỹ... Hiện mỗi tháng Hakipack tiêu thụ 320.000 kWh điện, tương đương 600 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hakipack, cho biết: “Nhờ dòng điện quốc gia tạo đà, từ một công ty với 130 cán bộ và chỉ sản xuất một mặt hàng vỏ bao xi măng cung cấp cho 2 đối tác liên doanh (tháng 11.1998), đến nay sản phẩm của Hakipack có mặt khắp cả nước và thị trường thế giới”.
|
Đảm bảo điện cho phát triển công nghiệp
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là phát triển công nghiệp, những năm gần đây, Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) đã chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống điện đồng bộ, hiện đại cung ứng đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Hứa Thanh Nhàn, Giám đốc PC Kiên Giang, cho biết: “Năm 2019, PC Kiên Giang thực hiện tổng sản lượng điện 2.544 triệu kWh, trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 40,12%. Sản lượng điện ở các khu, cụm công nghiệp luôn có mức tăng trưởng cao đạt khoảng 30%. Gắn với công tác đầu tư, ngành điện luôn chú trọng, quan tâm, đặt lên hàng đầu công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, chất lượng, ổn định phục vụ hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động ở các khu, cụm công nghiệp”.
Đối với các khu công nghiệp (KCN), PC Kiên Giang đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện riêng, đồng bộ đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, đủ công suất yêu cầu cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Hệ thống điện ở các KCN đều có khả năng mang tải cao, kết nối mạch vòng liên lạc, đảm bảo cung cấp điện ổn định. Chẳng hạn, KCN Thạnh Lộc và khu Cảng cá Tắc Cậu (H.Châu Thành) đã được đầu tư hệ thống lưới điện đồng bộ để đảm bảo cấp điện theo quy hoạch. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp điện bằng các nhánh đường dây trung thế riêng, đảm bảo đủ công suất yêu cầu của các doanh nghiệp.
“Hy vọng, với những nỗ lực của ngành điện trong việc cung cấp điện cho phát triển công nghiệp sẽ là điều kiện để ngành công nghiệp tỉnh Kiên Giang phát triển đột phá và bền vững trong thời gian tới”, ông Nhàn nói.
Theo ông Hứa Thanh Nhàn, hiện nay PC Kiên Giang được Tổng công ty Điện lực miền Nam giao quản lý vận hành hệ thống lưới điện với khối lượng 5.401,4 km đường dây trung thế, 7.604,5 km đường dây hạ áp. Vận hành 12 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất 708 MVA. Dự kiến công suất lớn nhất năm 2020 là 470 MW. Trong những năm tới, ngành điện tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống điện đầu nguồn, đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm đúng quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV thuộc Dự án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035.
|
Bình luận (0)