Mới đây, UBND TP.HCM giao UBND Q.1 lập kế hoạch triển khai cải tạo cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30.4.2025. Tổng diện tích cải tạo là 45.835 m2, chia làm 4 vùng, bao gồm diện tích quảng trường, các đường giao thông, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường. Các công trình kiến trúc và tượng đài gắn với hình ảnh khu vực và ký ức lâu nay của người Sài Gòn được gìn giữ, nghiên cứu bố cục hợp lý trong không gian cảnh quan khu vực.
Cũng theo đó, khu vực trước chợ Bến Thành trong nhiều năm qua đã trở thành biểu tượng của thành phố. Dù trải qua những thăng trầm, thay đổi cảnh quan nhưng trong ký ức của đại bộ phận người dân khi nhắc đến nơi đây, từ hình ảnh góc đường, trạm xe buýt, vòng xoay Quách Thị Trang… vẫn còn in đậm trong lòng người dân.
Theo UBND Q.1 (TP.HCM) sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975) khu vực trước chợ Bến Thành đã được chỉnh trang, cải tạo 4 lần.
Cụ thể, lần thứ nhất vào năm 1978, là ga xe lửa Sài Gòn đối diện chợ Bến Thành được chuyển về ga Bình Triệu. Khu vực ga Sài Gòn cũ thì được chuyển đổi thành công viên 23 tháng 9 và Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn. Lần thứ hai vào tháng 12.2014, khu vực này giải phóng mặt bằng để thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, lúc này 2 tượng đài ở vòng xoay Quách Thị Trang cũng được di dời. Trong đó, tượng đài chị Quách Thị Trang được dời về công viên Bách Tùng Diệp (Q.1), tượng đài cụ Trần Nguyên Hãn được dời về công viên Phú Lâm (Q.6).
Đến lần thứ ba, ngày 10.8.2016 – 10.4.2017, Trạm điều hành xe buýt Bến Thành đối diện chợ Bến Thành chính thức bị dỡ bỏ và được dời về phía đường Hàm Nghi (Q.1), để phục vụ thi công xây dựng nhà ga ngầm trung tâm tuyến metro số 1.
Cuối cùng, vào ngày 18.2.2017 – 25.4.2023, toàn bộ khu vực trước chợ Bến Thành được rào chắn và phá dỡ để phục vụ việc xây dựng nhà ga ngầm trung tâm tuyến metro số 1. Bao gồm phá bỏ toàn bộ vòng xoay, tiểu đảo hiện hữu và Trạm điều hành xe buýt Bến Thành, đồng thời tái lập lại mặt đường sau khi hoàn tất hạng mục xây dựng nhà ga.
UBND Q.1 cho biết thêm sau 4 lần cải tạo lớn, hệ thống giao thông tại khu vực trước chợ Bến Thành đã có những thay đổi đáng kể.
Vào năm1978, khi ga xe lửa Sài Gòn được tạm dời về ga Bình Triệu, một phần diện tích của ga Sài Gòn cũ được chuyển đổi thành Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn. Đồng thời cũng san lấp đoạn đường sắt của ga Sài Gòn cũ để làm thành đường Nguyễn Thượng Hiền sau này. Còn ngày 17.12.2014, sau khi di dời cụm tượng đài ở vòng xoay Quách Thị Trang không làm thay đổi hệ thống giao thông tại khu vực này.
Trong khi đó, đến lần cải tạo thứ ba, sau khi Trạm điều hành xe buýt Bến Thành chính thức bị dỡ bỏ, 36 tuyến xe buýt với hơn 4.700 chuyến, phục vụ 152 ngàn khách/ngày đã được di dời về trạm xe buýt trên đường Hàm Nghi, cách vị trí cũ khoảng 200 m.
Bên ngoài và bên trong trạm điều hành xe buýt vào năm 2017
Phạm Hữu
Đến lần thứ tư, toàn bộ khu vực trước Chợ Bến Thành được rào chắn và phá dỡ. Các tuyến đường xung quanh bị thu hẹp do công trường mới làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông đi qua khu vực. Ngày 18.2.2017, để phục vụ thi công nhà ga ngầm Bến Thành, một số tuyến đường tại khu vực công trường Quách Thị Trang phải hạn chế xe lưu thông. Sau khi bàn giao mặt bằng ngày 25.4.2023, vòng xoay và tiểu đảo không được xây lại, khu vực trước chợ Bến Thành được tổ chức lại giao thông theo dạng ngã tư, được kẻ vạch sơn cho người đi bộ, lắp các dải phân cách, đèn tín hiệu, bảng chỉ dẫn giao thông.
Ngoài ra, theo thông tin từ Ban Quản lý chợ Bến Thành, từ năm 1975 đến nay chợ đã trải qua 4 lần trùng tu, cải tạo lớn. Lần thứ nhất kéo dài từ ngày 1.7.1985 – 25.8.1985 được cải tạo và trùng tu lớn. Từ nhà lồng chợ cho đến các gian hàng đều được làm mới, chỉ có hình dáng phía trước và tháp đồng hồ được giữ lại; lần thứ hai vào năm 1992 chợ được cải tạo hệ thống điện. Tất cả các sạp được nâng cấp từ sạp cây sang sạp sắt; lần thứ ba vào năm 1999 chợ được chỉnh sửa hệ thống cống rãnh, thay mái ngói thành mái tôn và nền được lát gạch ceramic; cuối cùng vào tháng 4.2023 chợ được sơn lại 4 mặt tiền và đèn chiếu sáng mỹ thuật, vừa mang tính thẩm mỹ, hiện đại vừa giữ được nét cổ kính. Việc sơn lại công trình không chỉ trên bình diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn giúp làm đẹp cảnh quan của trung tâm TP.HCM.
Bình luận (0)