Giờ học của học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trong hai ngày 26 - 27.10, tại Hà Nội, Bộ tổ chức hội thảo quốc gia về hệ thống môn học, hoạt động giáo dục phổ thông, một trong những nội dung quan trọng của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Tích hợp ở cấp dưới, phân hóa ở cấp trên
|
Theo Bộ, với các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực như tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội của sách giáo khoa tiểu học hiện hành, bổ sung và điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với nhu cầu của học sinh (HS) hiện nay; đồng thời tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng các câu chuyện lịch sử, câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp các em có được những hiểu biết sơ giản, gần gũi về những hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh.
Ở cấp THCS, so với hiện nay môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về trái đất bằng cách sắp xếp các chủ đề của mỗi môn học gần nhau, nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau; đồng thời có thêm một số chủ đề yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp (chủ đề liên môn). Môn khoa học xã hội được chủ yếu tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý và một số nội dung về kinh tế, xã hội cũng được thiết kế tương tự như môn khoa học tự nhiên.
Ở THPT, lớp 10 là giai đoạn “dự hướng”, các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý... (tương tự như hiện nay nhưng tăng yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống cuộc sống, giúp HS làm quen và chuẩn bị lựa chọn các nội dung sẽ học ở lớp 11 và lớp 12). Hai lớp này là giai đoạn phân hóa sâu, định hướng nghề nghiệp, chương trình và sách giáo khoa các môn học sẽ có nội dung giảm nhẹ hơn hiện nay, đồng thời phân thành những môn học bắt buộc và những môn tự chọn. Mặt khác, sẽ có các chủ đề tự chọn chuyên sâu hoặc mở rộng theo từng môn và có thêm các chuyên đề tự chọn khác theo một số lĩnh vực, ngành nghề mà HS sẽ học sau THPT.
Học những nội dung cần cho cuộc sống
|
Bộ khẳng định: Thiết kế chương trình sau 2015 không phải là môn học này cần dạy những gì mà là để đặt mục tiêu giáo dục mới trong điều kiện của nước ta thì: môn học này cần lựa chọn những gì cần thiết nhất.
Nội dung giáo dục đạo đức - công dân ở lớp 1, lớp 2 sẽ tích hợp và các môn học, nhất là hai môn tìm hiểu tự nhiên xã hội và môn tiếng Việt dưới dạng các bài đọc, những chuyện kể sinh động và hấp dẫn về nhiều phương diện đạo đức. Từ lớp 3-5, môn đạo đức được tách thành một môn học riêng, nhưng vẫn tiếp tục theo hướng chuyển tải các nội dung giáo dục đạo đức thông qua các câu chuyện, bài đọc hay và hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, tránh lý thuyết và giáo huấn gượng ép. Lên THCS và THPT, hiện có hai loại ý kiến: hoặc là nội dung giáo dục đạo đức - công dân sẽ được học thành môn riêng với các nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, tư tưởng, chính trị, pháp luật, kỹ năng sống... hoặc là các nội dung đó được tích hợp trong môn ngữ văn, các môn học khoa học xã hội - nhân văn và các hoạt động giáo dục.
Các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục chủ yếu cho HS thực hành thông qua các hoạt động tập thể hoặc cá nhân, tự chọn hoặc bắt buộc, đan xen với các bài lý thuyết nhằm giúp HS có những hiểu biết cơ bản, giản đơn để hình thành năng lực cảm thụ cái đẹp của âm nhạc, mỹ thuật và phát huy bồi dưỡng hứng thú, năng khiếu của các HS khác nhau.
Môn tin học ở các cấp tiểu học, THCS chủ yếu trang bị cho HS năng lực sử dụng máy tính thành thạo trên cơ sở hướng dẫn các hoạt động và giới thiệu cho HS một số nội dung lý thuyết sơ giản về máy tính; lên THTP có thêm các bài lý thuyết và một số chủ đề chuyên sâu, mở rộng về khoa học máy tính.
Môn công nghệ sẽ biên soạn theo các mô đun với nhiều nội dung đa dạng, phong phú nhằm tạo điều kiện cho HS lựa chọn các nội dung phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh cụ thể của nhà trường để học tập một cách có hiệu quả. Sẽ xem xét việc ghép công nghệ và tin học thành một môn.
Môn ngoại ngữ, dạy học theo hướng phát triển năng lực giao tiếp cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các mức khác nhau dựa theo khung tham chiếu châu u. Ngoại ngữ là một môn học bắt buộc, học từ lớp 3; ngoại ngữ 2 là môn tự chọn.
Môn ngữ văn tập trung hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và cảm thụ nghệ thuật thông qua các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói là chính. Yêu cầu của mỗi kỹ năng được tăng dần theo các trình độ khác nhau tương ứng với các lớp/cấp học. Ngoài phần chung này, còn có các chủ đề tự chọn chuyên sâu về văn học, tiếng Việt và tạo lập văn bản nhằm đáp ứng nhu cầu học lên cao của HS.
Môn toán kế thừa và phát huy những ưu điểm và thế mạnh của chương trình hiện hành, nhưng cần xem xét lựa chọn những nội dung cơ bản, cần thiết nhất cho việc phát triển năng lực tư duy; năng lực tính toán..., không yêu cầu học những nội dung quá khó và chưa cần thiết đối với HS phổ thông. Cũng như môn ngữ văn, bên cạnh các nội dung cơ bản, môn toán còn có các chủ đề tự chọn chuyên sâu ở các cấp, nhất là THPT.
Nội dung các hoạt động giáo dục chủ yếu giúp HS gắn bó với đời sống xã hội, tăng cường những hiểu biết chung về cộng đồng và những vấn đề thời sự của địa phương, đất nước, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống, phát huy các tiềm năng của cá nhân. Hoạt động giáo dục được thể hiện chủ yếu thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thanh thiếu niên tình nguyện...
Giảm môn học bắt buộc, tăng tự chọn Căn cứ định hướng cấu trúc một số môn học - bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015 đưa dự kiến các môn học ở từng lớp học như sau: Lớp 1 và 2, HS phải học 3 môn (tiếng Việt, toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội - tích hợp môn đạo đức) và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc (thể dục, âm nhạc, mỹ thuật - tích hợp môn thủ công, tập thể). Ngoài ra HS còn học các môn học, hướng dẫn giáo dục tự chọn như: tự học có hướng dẫn, đọc văn, nghệ thuật... Lớp 3 gồm 5 môn (tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và xã hội) và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc như ở lớp 1, 2. Các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn: tự học có hướng dẫn, đọc văn, làm quen với máy tính, nghệ thuật, thể dục. Lớp 4 và 5 gồm 6 môn (tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, đạo đức, tìm hiểu tự nhiên (gồm các chủ đề vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất), tìm hiểu xã hội (gồm các chủ đề về lịch sử, địa lý, giáo dục sức khỏe, kinh tế gia đình). Cấp THCS gồm 7 môn học: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất, chủ đề liên môn), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, chủ đề liên môn), giáo dục công dân, công nghệ. 4 hoạt động giáo dục: thể dục, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật), hướng nghiệp và tập thể. Các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn: ngoại ngữ 2, một số chủ đề văn học, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể dục, thể thao. Lớp 10 gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ 1, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ. 4 hoạt động giáo dục gồm: thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng - an ninh, tập thể. Các môn học, hoạt động giáo dục tự chọn: 2 chuyên đề tự chọn chuyên sâu thuộc các môn ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh vật, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục... môn ngoại ngữ 2. Lớp 11, 12 đổi mới theo hướng HS học 3 môn bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng - an ninh, tập thể. Các môn học hoạt động giáo dục tự chọn: HS học tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục công dân, công nghệ, xã hội học. Tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rộng chuyên sâu thuộc các lĩnh vực: văn, toán, vật lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, môi trường, thể dục, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, kinh tế và kinh doanh, nghề...; môn ngoại ngữ 2. |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)