Điện mặt trời 'mở hết tốc lực' trước giờ G

28/04/2019 07:51 GMT+7

Nếu phát điện trước 30.6, các dự án điện mặt trời (trên mặt đất) sẽ được hưởng giá 9,35 cent/kWh...

Nếu phát điện trước 30.6, các dự án điện mặt trời (trên mặt đất) sẽ được hưởng giá 9,35 cent/kWh, trong khi sau ngày 1.7 giá điện nhiều khả năng chỉ còn 6,67 - 7,09 cent/kWh với các dự án tại miền Nam, Tây nguyên (trừ Bình Thuận) nên các chủ đầu tư ở những khu vực này đang mở hết tốc lực để kịp được nghiệm thu trong nửa đầu tháng 6.

“Nhất định phải xong”

Đầu giờ chiều một ngày thứ bảy cuối tháng 4, chúng tôi tới công trường Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Đức Huệ 1 (Long An), thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Dưới cái nắng trên 40 độ C, nhưng nơi đây đang có khoảng 40 công nhân lẫn kỹ sư vẫn tất bật làm việc. Con đường dẫn vào ban điều hành dự án được khoảng một chục công nhân rải nhựa. Những đoạn nội bộ xen giữa “cánh đồng pin” cũng được san ủi gần xong. Bên trong nhà điều hành, kỹ sư Phạm Xuân Dương, Trưởng ban Quản lý dự án ĐMT Đức Huệ 1 cùng tư vấn và nhà thầu vừa thực hiện xong thí nghiệm để truyền số liệu về Trung tâm điều độ điện quốc gia (A0) ở Hà Nội.
Ông Dương cho biết, không chỉ ở dự án này mà 3 dự án khác của tập đoàn cũng đang ở các công đoạn tương tự để chậm nhất sẽ vận hành phát điện trong nửa đầu tháng 6. Dự án ĐMT Đức Huệ 1 có công suất 49 MW, khởi công từ 31.8.2018, nghĩa là mất chưa đầy 8 tháng đã hoàn thành.
Trong khi đó, tại tổ hợp dự án ĐMT Dầu Tiếng (Tây Ninh) của Tập đoàn Xuân Cầu, dù tiến độ tổng thể mới đạt hơn 75%, song khi được hỏi liệu có kịp vận hành trước 30.6 hay không, thì ông Vũ Huy Cường, Chỉ huy trưởng công trình, nói ngắn gọn: “Không phải dự kiến mà nhất định phải xong trước 15.6”. Cụ thể, dự án Dầu Tiếng 1 (150 MW) hiện đã xong 95%. Các cán bộ kỹ thuật của A0 đã có mặt tại hiện trường nghiệm thu. Dự án đã thử chạy có tải, dự kiến sẽ phát điện thương mại khoảng ngày 15.5.
Tinh thần “mở hết tốc lực” là điều mà gần như dự án ĐMT nào đang thi công tại khu vực miền Nam, Tây nguyên cũng đang áp dụng để kịp được nghiệm thu trong nửa đầu tháng sau, để chính thức phát điện lên lưới quốc gia trước ngày 30.6.

Ngày nghỉ cũng phải nghiệm thu

Báo cáo của Bộ Công thương cập nhật đến tháng 3.2019 cho biết, mới có 5 dự án ĐMT đi vào vận hành phát điện với tổng công suất 240 MW thì chỉ chưa đầy một tháng sau, đến ngày 21.4, con số mà Tập đoàn điện lực VN (EVN) mới cập nhật đã tăng gấp 2,5 lần, lên hơn 600 MW. Trong khi đó, A0 cho hay, số lượng các nhà máy ĐMT dự kiến vào vận hành từ nay đến hết tháng 6 là gần 90 dự án, trong đó miền Bắc 6 dự án, miền Nam 54 dự án, miền Trung 28 dự án. Đây là con số kỷ lục khiến A0 thừa nhận đang gặp không ít khó khăn và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu.
Trên thực tế, từ giữa tháng 3, A0 đã tăng thời gian làm việc 3 ca, kể cả ngày nghỉ cuối tuần; sắp xếp bố trí nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao như Trung tâm điều độ miền Trung và miền Nam. Đặc biệt, để hỗ trợ các chủ đầu tư, A0 sẽ rút ngắn thời gian nghiệm thu COD từ 20 ngày như trước xuống còn 10 - 15 ngày. Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết thêm đầu tháng 4, EVN đã ban hành quy định tạm thời về trình tự, thủ tục chạy thử, nghiệm thu và công nhận COD từng phần/cả nhà máy ĐMT. “Các đơn vị của EVN cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ hết mức các chủ đầu tư để tạo điều kiện tối đa cho các nhà máy ĐMT đi vào vận hành thương mại trước ngày 30.6”, ông Nhân nói.

Ninh Thuận khánh thành nhiều dự án năng lượng sạch

Ngày 27.4, tại Ninh Thuận, tổ hợp điện gió và ĐMT lớn nhất nước do Tập đoàn Trung Nam đầu tư được khánh thành và hòa lưới điện quốc gia. Tổng sản lượng khai thác của tổ hợp này tương đương 1 tỉ kWh điện mỗi năm. Trong đó, trang trại ĐMT có công suất 204 MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng; nhà máy điện gió công suất gần 152 MW, với 45 tuabin gió công nghệ “không hộp số” có khả năng tự động điều chỉnh đón gió.
Cùng ngày, cụm nhà máy điện mặt trời BIM tại H.Thuận Nam cũng được khánh thành hòa lưới. Cụm nhà máy điện gồm 3 tổ hợp, được đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời. Dự kiến lượng điện sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm, tương đương phục vụ 200.000 hộ gia đình mỗi năm và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.
Thiện Nhân - Chí Nhân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.