Khuyến khích làm điện mặt trời thành điện nền
Cụ thể, chỉ đạo tại cuộc họp về dự thảo nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sản tự tiêu mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu các phương án nhằm nâng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới là 20% công suất ĐMT áp mái lắp đặt ở miền Bắc. Miền Trung và Nam có thể giữ ở mức 10% như đề xuất ban đầu. Về giá mua, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua. Trường hợp người đầu tư lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng trở thành điện nền huy động vào giờ cao điểm, phải có chính sách ưu đãi về hỗ trợ thuế, tín dụng và đặc biệt được phát lên 100% công suất lắp đặt.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng việc ưu tiên mua nguồn ĐMT tự sản tự tiêu phát lên lưới ở miền Bắc cao hơn miền Nam và miền Trung là "điều dễ hiểu", do khu vực phía bắc nguồn ĐMT còn khá thấp. "Đây là giải pháp tạm thời, nhưng cần thiết bởi giúp bổ sung nguồn cho miền Bắc đang thiếu. Vấn đề là phát lên lưới, mua 10% hay 20% thì kiểm soát về tính an toàn đều khó như nhau. Thế nên, trong cơ chế khuyến khích cũng cần nói rõ bên nào lắp đặt thiết bị kiểm soát để biết phát lên lưới bao nhiêu mà ghi nhận. Nếu nhà đầu tư ĐMT tự sản tự tiêu lắp thêm thiết bị kiểm soát đó và được bán ngay nguồn điện thừa đó thì không có gì bàn cãi", ông Đình nói.
Theo Tổng công ty điện lực miền Bắc, nhiều khu, cụm công nghiệp ở miền Bắc đang chờ nghị định sớm được ban hành để lắp đặt ĐMT mái nhà, trước mắt phục vụ trong khu vực.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cơ chế khuyến khích ĐMT mái nhà cần tính tới các khu vực có sự chênh lệch lớn về hiệu suất theo thời điểm như miền Bắc. Tuy nhiên, hiện nguồn ĐMT khá thấp, chỉ chiếm khoảng 6%. Hay như tại Hà Nội, nơi có nhu cầu điện tăng 2 con số mỗi năm, nhưng nguồn ĐMT cũng chiếm chưa tới 0,4%. ĐMT hiện chủ yếu tập trung ở khu vực miền Nam và miền Trung, khoảng 90% công suất. Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng 17%. Thế nên, nguồn ĐMT tự sản tự tiêu nếu có dư thừa bán lên lưới tại khu vực miền Bắc cũng không đáng kể.
"Do tính chất khí hậu, mùa nắng nóng tại miền Bắc diễn ra khoảng thời gian ngắn. Điều này giảm hiệu quả đầu tư, khó hấp dẫn người dân tại miền Bắc lắp đặt ĐMT tự sản tự tiêu trong quy mô hộ gia đình. Thay vào đó, nên khuyến khích và sớm có chính sách để các khu công nghiệp, nhà máy ở miền Bắc làm ĐMT để giải quyết nguồn thiếu tại chỗ. Muốn vậy, chính sách mua qua bán lại, bán cho hàng xóm, nôm na là trong khu công nghiệp với nhau nên được khuyến khích, làm sớm hơn", ông Đình chia sẻ.
Tính toán dựa trên an toàn lưới điện
Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng tỷ lệ mua ĐMT dư của người dân phát lên lưới là 10% hay 20% dựa vào an toàn, an ninh đường truyền tải, chứ không thể theo ý chí của nhà sản xuất điện hay cơ quan mua điện được. "Gợi ý của Phó thủ tướng có thể xuất phát từ việc ĐMT tại miền Bắc còn rất ít, tỷ lệ mua điện thừa tăng nhằm khuyến khích người dân khu vực phía bắc đẩy mạnh phát triển ĐMT tự sản tự tiêu nhiều hơn, nhằm bổ sung nguồn cho khu vực luôn bị áp lực thiếu vào mùa nắng hạn.
Ngoài ra, ĐMT tại khu vực miền Nam và miền Trung lâu nay đầu tư ồ ạt, nên xảy ra quá tải, gây mất an toàn cho lưới. Tại miền Bắc, lưới vẫn còn được đảm bảo hơn do không bị rơi vào tình trạng quá tải nguồn ĐMT. Tuy nhiên, mọi tính toán phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống truyền tải. Các quy định nhằm kiểm soát bảo đảm an toàn hệ thống khi huy động ĐMT tự sản tự tiêu dư lên lưới phải được thực hiện chặt chẽ và có thể giao cho địa phương...", ông Lâm nói.
Theo Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt, trong đó ĐMT tự sản tự tiêu không vượt quá 2.600 MW đến năm 2030, nhiều ý kiến băn khoăn, các tỷ lệ 20% ở miền Bắc và 10% ở miền Trung, Nam liệu có vượt quá quy hoạch. Chuyên gia Ngô Đức Lâm trấn an, Quy hoạch điện 8 cho dù đã xác định bằng con số cụ thể nhưng vẫn là quy hoạch "mềm", số liệu vẫn có thể thay đổi.
"Cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu hay ĐMT mái nhà nói chung nên được tiếp cận theo hướng gia tăng xã hội hóa, tận dụng mọi nguồn lực từ dân để tăng nguồn điện mà nhà nước không tốn nhiều tiền hơn để đầu tư phát triển nguồn, chỉ tập trung phát triển lưới tốt hơn. Thế nên, khống chế một tỷ lệ 10% hay 20% trong thực tế không cần thiết. Quan trọng là bảo đảm an toàn lưới. Các giải pháp về an toàn lưới, kiểm soát nguồn phát lên lưới, kiểm soát an ninh năng lượng… thuộc về kỹ thuật, người làm kỹ thuật và chính các chuyên gia tư vấn làm chính sách tính toán trên các thông số kỹ thuật cụ thể. Việc này không khó. Quan trọng nhất là khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn từ tư nhân. Thứ hai, việc khuyến khích phát triển ĐMT có giá trị gia tăng khi khu vực sản xuất dùng ĐMT sẽ nhận được lợi thế có tín chỉ xanh, thúc đẩy xuất khẩu phát triển tốt hơn", ông Ngô Đức Lâm nói.
Theo Hiệp hội Năng lượng VN, dự thảo nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu. Ví dụ như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, khu vực có yếu tố thời tiết ít thuận lợi trong khi nhu cầu phụ tải cao, hoặc khu vực thiếu nguồn xây mới - như miền Bắc trong vài năm tới, hoặc truyền tải điện khó khăn. Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù - trừ. Có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20 - 30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3 - 4 kWh được trừ 1 kWh mua điện... Cần có tính toán cụ thể để xác định mức hợp lý. Với các hộ ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu có bộ lưu trữ, nên cho phép bán vào hệ thống điện trong giờ cao điểm từ 16 - 19 giờ, và có thể giá cao hơn giá mua trung bình để khuyến khích lắp bộ lưu trữ điện, hỗ trợ hiệu quả hệ thống trong thời gian này.
Bình luận (0)