Điện thoại có thực sự nghe lén người dùng nói chuyện?

31/01/2023 08:06 GMT+7

Không ít người từng phải thốt lên rằng: "Cái điện thoại rõ ràng nghe lén vì tôi vừa nói gì là y rằng hiện quảng cáo trúng phóc".

Lời đồn thổi về nghe lén

Có thể khẳng định điện thoại thông thường (không nhiễm mã độc, phần mềm điều khiển từ xa…) không ghi lại các cuộc hội thoại của người dùng rồi tải lên máy chủ để phân tích nội dung, sau đó trả về quảng cáo trên máy trùng khớp với những thông tin có được. Điều này sẽ khó tin với một số người nhưng các chuyên gia có cơ sở để khẳng định điện thoại không lén lút theo dõi cuộc trò chuyện.

Loa thông minh nhiều lần bị tố nghe lén, ghi âm người dùng nói chuyện

Loa thông minh nhiều lần bị tố nghe lén, ghi âm người dùng nói chuyện

Chụp màn hình Washington Post

Nhưng về mặt lý thuyết cũng như công nghệ, các trợ lý ảo (ví dụ Alexa, Google Assistant, Siri…) có thể ghi lại âm thanh đoạn hội thoại khi chủ nhân dùng khẩu lệnh đánh thức thiết bị. Trong một vài trường hợp (đã được ghi nhận), trợ lý ảo tải nội dung âm thanh lên máy chủ để các chuyên gia có thể cải thiện khả năng phản hồi của ứng dụng này.

Đôi khi âm thanh nói chuyện ở môi trường (không liên quan tới nội dung khẩu lệnh) sẽ bị ghi lại cùng lúc và đương nhiên có người nghe được thông tin trong đó. Tuy nhiên, các bản ghi âm này không phải là nguyên nhân khiến máy hiển thị quảng cáo đúng với nhu cầu của người dùng.

Nhà quảng cáo cũng không cần nghe lén

Các nhà quảng cáo không cần bất kỳ bản ghi âm hội thoại nào để tạo ra mô phỏng gần đúng về những gì người dùng nghe, nói rồi cho chạy nội dung hướng tới nhu cầu đó. Những gì họ cần là nắm bắt xu hướng hiện tại, phân tích và ghép nối với thông tin cơ bản mà họ có được như nhân khẩu học, vị trí, lịch sử tìm kiếm, thói quen mua sắm… để đánh giá người dùng quan tâm tới điều gì. Và thông thường, khi quan tâm tới điều gì thì người ta sẽ bàn về vấn đề ấy.

Giả sử bạn đi gặp gỡ bạn bè tại một quán cà phê và trước đó, người bạn ấy đã tìm kiếm thông tin về một số loại máy làm bánh trên mạng. Trong cuộc trò chuyện, người này nhắc tới chuyện muốn ăn bánh hay muốn làm bánh. Tất nhiên chúng ta có xu hướng trao đổi mà không nghĩ nhiều về sản phẩm đó (vì không đúng nhu cầu của mình). Nhưng trong lần sử dụng điện thoại tiếp theo, những mẫu quảng cáo máy làm bánh xuất hiện có thể khiến bạn lo lắng.

Vậy smartphone có thực sự phân tích đoạn hội thoại và quyết định thử chạy quảng cáo máy bán bánh cho bạn xem luôn hay không? Câu trả lời là “Không”. Google chỉ cần thu thập một số dữ liệu cần thiết và ghép nối với nhau. Các công cụ hiện đại không khó để nắm được lịch sử duyệt web trên thiết bị của người bạn kia. Hoạt động định vị trên smartphone dễ dàng “hiểu” rằng 2 thiết bị đã ở gần nhau trong một quãng thời gian đủ lâu khi 2 người trò chuyện.

Điện thoại có thực sự nghe lén người dùng nói chuyện? - Ảnh 2.

Lịch sử duyệt web có giá trị với nhà quảng cáo hơn so với đoạn ghi âm hội thoại

Shutterstock

Như vậy, máy chẳng cần phải ghi âm hay phân tích hội thoại, chỉ cần vài dữ liệu nhỏ và theo dõi vị trí địa lý, tư duy logic để ghép nối các thông tin trước khi cho quảng cáo hiện ra. Quảng cáo máy làm bánh sau cuộc trò chuyện chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không liên quan đến nội dung trao đổi giữa 2 người.

Nghe lén hội thoại thiếu tính thực tế

Không thể phủ nhận với sự trợ giúp của công nghệ, việc ghi âm hội thoại và tải lên máy chủ từ xa cùng là điều có thể xảy ra. Nhưng quá trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều tài nguyên máy, ngốn pin và đẩy mức tiêu thụ dữ liệu mạng không dây lên cao - những yếu tố rất dễ bị người dùng phát hiện. Việc sử dụng phần mềm gián điệp tiên tiến sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên dùng cho kẻ thù quan trọng nghe hợp lý hơn là cài lên máy khách hàng để chờ mong “ra đơn hàng”.

Trong khi đó, cách làm của các công ty quảng cáo hiệu quả hơn so với việc rình mò cuộc trò chuyện của người dùng. Một đoạn ghi âm có chất lượng cần quá nhiều điều kiện để thu thập, đăng tải, lưu trữ so với dữ liệu đơn thuần như lịch sử tìm kiếm, lịch sử vị trí địa lý... Sẽ ra sao nếu doanh nghiệp, tổ chức (giả định) phải xử lý âm thanh ghi lại từ microphone của hàng tỉ chiếc điện thoại đang hoạt động trên thế giới vào cùng lúc, diễn ra liên tục suốt cả ngày? Có lẽ ngay cả “gã khổng lồ tìm kiếm” Google cũng phải “chào thua” trước nhiệm vụ này.

Cuộc hội thoại của người dùng không thực sự có giá trị

Giả sử Big Tech (những công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới) có đủ tài nguyên khổng lồ để che giấu phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng nơi chứa và phân tích các đoạn hội thoại của người dùng trên toàn cầu cho mục đích quảng cáo đúng mục tiêu. Lúc này, vấn đề trở thành việc lãng phí nhân lực, thời gian, tiền bạc khổng lồ cho hoạt động trên bởi trong đa phần trường hợp, đoạn trò chuyện chẳng đáng để nghe với người ngoài.

Với những gì người dùng đang trao đổi, nhà quảng cáo đã biết từ lâu. Niềm hứng thú hay nỗi ám ảnh mới của bạn đều là điều cũ kỹ đối với công ty như Google. Bạn và đồng nghiệp hào hứng kể, bàn luận với nhau về bộ phim vừa xem tuần trước? Google đã biết và đoán ra từ trước khi bạn định đi xem, cũng biết luôn chuyện người dùng thích nội dung phim hay không thông qua cách họ tương tác với điện thoại sau buổi chiếu.

Bên cạnh đó, người ta cũng thường nói dối và giả vờ về niềm hứng thú của mình trong khi trò chuyện. Ai cũng từng tỏ ra hào hứng với sở thích tẻ nhạt của người bạn mình để giữ lịch sự. Sự giả dối đó gây ra nhiễu loạn thông tin cho các nhà quảng cáo nếu họ rảnh rỗi tới mức ngồi nghe lén ghi âm của bạn. Trong khi cuộc trò chuyện có thể giả, lịch sử duyệt web là thứ thật đến mức không thể chối cãi về thói quen, sở thích của mỗi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.