Việt Nam sản xuất hơn 250 triệu chiếc điện thoại
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý 1/2021, sản lượng điện thoại di động (ĐTDĐ) của cả nước đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó trong cả năm 2020, sản lượng ĐTDĐ đạt 253,2 triệu chiếc, gấp 1,3 lần năm 2016. Nhóm hàng ĐTDĐ và linh kiện cũng tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam khi năm vừa qua đạt kim ngạch 50,9 tỉ USD. Tuy nhiên, số lượng ĐTDĐ sản xuất tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và phần lớn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%. Ngược lại theo Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2020, trị giá nhập khẩu nhóm hàng ĐTDĐ và linh kiện của Việt Nam đạt 16,64 tỉ USD, tăng 13,9% so với năm 2019.
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Euromoniror, trong điều kiện bình thường thì doanh thu của thị trường ĐTDĐ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm trong giai đoạn 2020 - 2024 là 19%/năm và sản lượng tiêu thụ tăng trưởng kép khoảng 3,9%/năm.
|
Ước tính mỗi năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 18 - 19 triệu chiếc ĐTDĐ với doanh số khoảng 4 tỉ USD. Trên thực tế, các sản phẩm điện thoại từ Trung Quốc hiện chiếm gần 50% thị phần tại thị trường Việt Nam với hàng loạt thương hiệu như Oppo, Xiaomi, Realme, Vivo, Huawei, Meizu, Lenovo… Những sản phẩm này đã dần quen thuộc do có nhiều loại, từ giá rẻ đến cao cấp, đáp ứng đủ nhu cầu của đại đa số người dùng Việt Nam.
Theo báo cáo của Công ty công nghệ giải trí số Appota trong năm 2020, thu nhập bình quân tại Việt Nam chưa cao, đa phần là tầng lớp thu nhập trung bình và thấp nên các sản phẩm ĐTDĐ thông minh (smartphone) có mức giá “vừa phải” sẽ dễ dàng chiếm được thị trường. Cụ thể, phân khúc giá rẻ và tầm trung từ 3 - 10 triệu đồng có số lượng thiết bị được bán ra cao nhất; phân khúc cao cấp từ 10 - 20 triệu đồng trở lên được chiếm lĩnh bởi Samsung và Apple. Tuy nhiên, doanh số chính hãng chỉ chiếm 5% thị trường, nếu xét cả các dòng iPhone xách tay cũng chỉ đạt dưới 10% số thiết bị sử dụng. Như vậy, mức giá dưới 5 triệu đồng đang chiếm gần tới 70% thị phần smartphone tại Việt Nam.
Có thể thấy, giá cả chính là yếu tố quyết định đến lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng và là điểm cần lưu ý đối với các thương hiệu điện thoại muốn thâu tóm thị trường trong nước. Chủ một cửa hàng ĐTDĐ tại TP.HCM nói thẳng: Ngoại trừ một số ít người có thu nhập cao mới sử dụng những sản phẩm đắt tiền như của Apple, Samsung hay Oppo, còn lại đa số chỉ lựa chọn những chiếc “alô” ở phân khúc tầm trung hay thấp và đó là thị phần gần như tuyệt đối của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Nhưng tất cả thương hiệu này đều không đặt nhà máy ở Việt Nam như Samsung, Nokia mà hoàn toàn nhập khẩu. Vì vậy, dù ĐTDĐ “Made in Vietnam” có mặt trên toàn thế giới nhưng ngay tại thị trường trong nước, hàng “Made in China” vẫn áp đảo về số lượng.
|
Thị trường ĐTDĐ cạnh tranh khốc liệt
Thị trường ĐTDĐ trong thời gian qua đã chứng kiến không ít thương hiệu xuất hiện rồi biến mất, cả những tên tuổi lớn từ các tập đoàn nước ngoài. Mới đây, Tập đoàn LG đã quyết định từ bỏ mảng smartphone sau 6 năm thua lỗ với khoản lỗ lũy kế đến hơn 4,4 tỉ USD cho riêng mảng này. Đến đầu và giữa những năm 2000, LG vẫn là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới, sau Nokia và Samsung. Song đến quý 3/2020, thị phần của LG ở mảng di động thông minh đã giảm xuống chỉ còn 1,91%, theo dữ liệu từ Counterpoint Research. Hiện theo tờ Business Korea, Tập đoàn LG đang rao bán nhà máy sản xuất smartphone ở Việt Nam, Brazil và Trung Quốc. Trong đó, nhà máy LG tại Hải Phòng có công suất khoảng 10 triệu cái/năm.
Ngay tại thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu điện thoại cũng ra đời và biến mất thường xuyên. Năm 2019, Mobiistar - cái tên sáng giá từng được kỳ vọng lớn là sẽ gây tiếng vang cho điện thoại thương hiệu Việt, cũng đã chính thức gục ngã. Còn Bphone của Bkav, sau nhiều năm chinh chiến thì trong năm 2020 tiếp tục tung ra 4 mẫu máy với phân khúc giá từ 5 - 10 triệu đồng nhưng cũng chưa thể khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường. Chỉ có thương hiệu Vsmart của Vingroup thì theo thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường GfK trong năm 2020 đã kịp vươn lên, tính trung bình trong cả năm 2020 đứng thứ 3 thị phần trong nước với 12,7%.
Ông Phùng Ngọc Tuyến, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động, Công ty Thế Giới Di Động, cho biết lượng tiêu thụ ĐTDĐ tại hệ thống này trong 3 tháng đầu năm nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước và tương đương quý 1/2019. Dù vậy theo ước tính của GfK, toàn thị trường vẫn còn giảm khoảng 5% về số lượng so với cùng kỳ của năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Dẫn đầu về doanh thu trên thị trường hiện nay vẫn là Samsung, Apple, Oppo. Hiện nay rất khó để đưa ra dự báo về mức độ tăng trưởng cho cả năm vì diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, nhưng các công ty bán lẻ vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi sớm như bình thường.
Chuyển hướng sang smartphone
Theo Thông tư 43 của Bộ Thông tin - Truyền thông về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến”, sẽ có hiệu lực từ 1.7 tới, tất cả máy ĐTDĐ được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Như vậy, các sản phẩm ĐTDĐ nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G hoặc 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Riêng những sản phẩm đã sản xuất, nhập khẩu trước thời điểm này vẫn được phép lưu hành.
Quy định trên được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương “phủ sóng” smartphone trên toàn quốc. Thống kê cho biết, Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy. Nhưng trong đó chỉ có khoảng 12,4 triệu người dùng điện thoại “cục gạch” và số khác sử dụng kèm smartphone.
Ông Phùng Ngọc Tuyến cho biết số lượng ĐTDĐ cơ bản (không phải smartphone) tại hệ thống của Thế Giới Di Động bán ra vẫn chiếm 20 - 25% số lượng nhưng chỉ chiếm 5% doanh thu mảng ĐTDĐ nói chung. Với quy định nói trên, hiện nhiều nhà sản xuất đã gần như chuyển hoàn toàn sang những sản phẩm smartphone. Chẳng hạn ngay cả HMD Global - sở hữu thương hiệu ĐTDĐ Nokia - vốn được biết đến là nhà sản xuất chuyên về dòng sản phẩm cơ bản, mới đây cũng ra mắt cùng lúc 6 mẫu smartphone Nokia mới thuộc ba dòng từ phổ thông đến phân khúc cao cấp. Trong đó có thể dòng smartphone phổ thông C-series được cho là sẽ gắn bó với người dùng ở các thị trường như Việt Nam nhờ độ bền đặc trưng của Nokia nhưng với mức giá hấp dẫn. Hay Oppo liên tục đưa ra những chiếc smartphone giá ở tầm trung như Reno5 với nhiều phiên bản mới như tích hợp công nghệ 5G, Reno5 Marvel…
“Nếu ĐTDĐ cơ bản công nghệ 4G là có kết nối internet thì giá cũng sẽ cao hơn sản phẩm 2G trước đây. Như vậy có thể nhiều người dùng sẽ lựa chọn smartphone nhiều hơn vì giá sẽ không còn chênh lệch nhiều nữa”, ông Tuyến chia sẻ thêm.
Bình luận (0)