Điện thoại tầm trung chiến game tốt nhất 2019

02/10/2019 14:38 GMT+7

Thể thao điện tử phát triển đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện thoại di động thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, các hãng cũng đã có cho mình các điện thoại tầm trung có thể chiến game tốt, phù hợp túi tiền của đại đa số game thủ.

Hầu hết các game thủ thể thao điện tử tiềm năng đều rơi vào lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và các bạn mới tốt nghiệp. Những khách hàng này thường không có nhiều ngân sách cho việc đầu tư một chiếc điện thoại flagship. Vì vậy, việc có được các sản phẩm điện thoại tầm trung dưới 10 triệu đồng có thể “gánh” được các tựa game thể thao điện tử và thậm chí các game offline là động thái rất đúng đắn đến từ các hãng. Sau đây là những mẫu điện thoại tầm trung có thể chiến game tốt nhất 2019, và ngoài ra còn làm được nhiều công việc khác.

Các tiêu chí lựa chọn sản phẩm bao gồm: Cấu hình, giá thành, chất lượng màn hình hiển thị, thời lượng dùng pin và các tính năng phụ phục vụ cho nhu cầu giải trí đa dạng.

Tổng quan tốt nhất: Nova 5T

Ưu điểm: Cấu hình của flagship; 4 máy ảnh; pin dung lượng lớn; có sạc nhanh.
Nhược điểm: Không có khe thẻ nhớ mở rộng; màn hình LCD IPS.

Nova 5T là một trong những chiếc điện thoại tầm trung ra mắt thị trường trong tháng 9. Với lợi thế sinh sau đẻ muộn, sản phẩm được trang bị cấu hình mạnh, góp phần đem lại trải nghiệm tổng thể của máy tốt. Với vi xử lý Kirin 980, 8GB RAM và 128GB dung lượng bộ nhớ trong và mức giá bán ra 8,9 triệu đồng, game thủ có được một cỗ máy chiến được toàn bộ các tựa game hiện có trên thị trường. Để hạ giá thành sản phẩm, Huawei đã trang bị cho máy màn hình LCD tấm nền IPS, dù không thể sánh được với chất lượng hiển thị của các sản phẩm sử dụng tấm nền OLED, nhưng vẫn đủ cho các nhu cầu giải trí đa phương tiện khác.

Đồng thời, trải nghiệm game với tấm nền này cũng không bị giảm sút nhiều. Về thời gian chiến game liên tục, khi thử nghiệm với Liên quân mobile, các game thủ có thể chơi được liên tục từ 6 đến 8 giờ đồng hồ tùy thuộc vào thiết lập hiệu năng của máy (các chế độ Tiết kiệm pin, Bình thường và Hiệu năng cao). Các con số này nhìn chung khá ấn tượng. Máy có thể sạc đầy trong 1 giờ 30 phút, đủ nhanh để đảm bảo game thủ có thể sử dụng máy ở cường độ cao nhất mà không lo hết pin. Cần lưu ý là khi vừa sạc vừa chơi các game cần cấu hình mạnh có thể làm thiết bị nóng. Kích thước màn hình 6,26 inch đối với một số người sẽ là hơi nhỏ, cần phải sử dụng thêm ốp lưng cho đằm tay hơn khi cần cầm máy lâu. Về máy ảnh, không có gì phàn nàn về cụm 4 cảm biến mặt sau của Nova 5T, nếu không muốn nói là có hiệu năng tốt khi so với một số mẫu thuộc nhóm cận cao cấp và cao cấp, qua đó giúp game thủ làm được nhiều việc hơn là chỉ chơi game, như quay phim chậm và siêu chậm, chụp chân dung, chụp đêm...

Màn hình tốt nhất: K3

Ưu điểm: Màn hình AMOLED tràn viền tích hợp cảm biến vân tay; cấu hình vừa phải; pin dung lượng lớn; có sạc nhanh.
Nhược điểm: Dung lượng lưu trữ mặc định thấp; chỉ có 2 camera.

OPPO là một tượng đài ở phân khúc tầm trung, với các con số bán ra khổng lồ. Đó là nhờ việc hãng biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đồng thời, sự hợp tác sớm với Liên quân mobile và một số tựa game thể thao điện tử di động khác đã giúp cho OPPO tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía người dùng, và qua đó từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm. K3 là kết quả của quy trình này.

Sản phẩm không chỉ có cấu hình vừa đủ cho các tựa game thể thao điện tử hiện nay (Snapdragon 710, 6 đến 8GB RAM, 64 và 128GB dung lượng lưu trữ) mà còn được trang bị màn hình AMOLED tràn viền kích thước 6,5 inch, đảm bảo đem lại trải nghiệm game tốt nhất trong phân khúc điện thoại tầm trung (6,99 triệu đồng). Tấm nền AMOLEd giúp máy có thể hiển thị rõ ràng, sắc nét hình ảnh, cả ở game lẫn các nhu cầu giải trí khác. Kích thước màn hình lớn, tràn viền giúp cho việc xem video hay replay game được thoải mái và có trải nghiệm hình ảnh trung thực. Loa lớn cũng là một ưu điểm của máy. Pin dung lượng 3750mAh kết hợp cùng Game Space của K3 có thể trụ được khoảng 6 giờ chơi game liên tục. Sạc nhanh VOOC 3.0 của máy giúp lấp đầy mức dung lượng pin trên trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Màn hình AMOLED đã góp phần làm tiết kiệm pin, tăng thêm thời gian sử dụng. Game Space của OPPO đã giúp tối ưu hóa phần cứng, đảm bảo hiệu năng trải nghiệm game lúc nào cũng ở mức cao nhất. Cuối cùng, mặc dù chỉ được trang bị 2 cảm biến máy ảnh mặt sau, nhưng nhìn chung K3 cũng có thể cho ra các khung hình chất lượng đủ tốt để chia sẻ trên mạng xã hội. Nếu lựa chọn các phiên bản 6GB RAM và 64GB dung lượng lưu trữ thì có thể sẽ thiếu hụt đôi chút với game thủ, nhưng K3 cũng có khe thẻ nhớ mở rộng cho những người có nhu cầu cao mà không cần phải nâng lên phiên bản 8GB RAM.

Hiệu năng/giá thành tốt nhất: Redmi Note 8 Pro

Ưu điểm: Cấu hình mạnh; giá thành hấp dẫn; pin dung lượng cực lớn; màn hình lớn nhất; có chống bụi và nước IP52.
Nhược điểm: Sử dụng tấm nền LCD IPS; chụp ảnh 64MP chỉ ở mức chấp nhận được.

Redmi Note 8 Pro 64GB là một trong những chiếc điện thoại tầm trung được trông đợi nhất trong quý cuối năm 2019 của Xiaomi. Đây là sản phẩm đầu tiên sử dụng SoC dành cho game thủ của MediaTek – G90T – và vẫn giữ được đặc trưng về định vị của Xiaomi – Hiệu năng/giá thành cao. Máy được bán ra (ở thị trường quốc tế) với mức giá khoảng 6,5 triệu đồng cho cấu hình cao nhất gồm MediaTek Helio G90T, 8GB RAM và 128GB dung lượng bộ nhớ trong, kèm theo các phiên bản thấp hơn như 6GB RAM, 128GB lưu trữ và 6GB RAM, 64GB lưu trữ với các mức giá lần lượt là 5,6 và 5,2 triệu đồng.

Có thể nói, để sở hữu một thiết bị có hiệu năng gần tương đương với SoC Snapdragon 845 dành cho dòng flagship mà chỉ cần bỏ ra mức chi phí như vậy là hoàn toàn hợp lý cho những game thủ hạng nặng, chỉ cần quan tâm đến hiệu năng. Dù vậy, Redmi Note 8 Pro vẫn có được thiết kế hấp dẫn, sử dụng màn hình giọt nước kích thước 6,53 inch, và dù chỉ là tấm nền LCD IPS nhưng Redmi Note 8 Pro vẫn đem lại trải nghiệm hình ảnh ở mức chấp nhận được. Viên pin dung lượng lớn 4.500mAh là một trong những ưu điểm mà Xiaomi ưu ái cho game thủ, qua đó giúp thiết bị trụ được lâu hơn khi chơi game. Đặc biệt, đây là sản phẩm duy nhất trong danh sách bình chọn này được tích hợp khả năng chống bụi và chống nước IP52, cũng sẽ giúp bạn chơi game mọi lúc, mọi nơi mà không lo bị “hao mòn” thiết bị. Đồng thời, với cảm biến máy ảnh mặt sau 64MP, máy cũng phần nào cho ra các tấm hình chất lượng, vốn dĩ chụp ảnh không phải là thế mạnh của Xiaomi ở các phân khúc tầm trung.

Giá thành tốt nhất: Realme 5 Pro

Ưu điểm: Giá thành thấp; 4 máy ảnh mặt sau; có sạc nhanh; pin dung lượng lớn.
Nhược điểm: Màn hình tấm nền LCD IPS; chỉ 4GB RAM.

Nếu không có quá nhiều ngân sách, chỉ cần một sản phẩm chiến game thể thao điện tử ổn định, và đôi khi chơi game offline ở cấu hình vừa phải, thì Realme 5 Pro sẽ là lựa chọn đáng giá. Với mức giá thấp nhất 5 triệu đồng cho bản 4GB RAM, 64GB bộ nhớ trong, người dùng vẫn có được sự phục vụ của vi xử lý Snapdragon 712 mới của Qualcomm, đủ mạnh cho các nhu cầu kể trên và một số thói quen giải trí đa phương tiện khác. Tấm nền LCD IPS 6,3 inch với thiết kế giọt nước là khá đủ cho những nhu cầu trải nghiệm game cơ bản.

Đồng thời, Snapdragon 712 có hiệu năng cao hơn phiên bản 710 khoảng 35%, không tệ so với một sản phẩm có mức giá từ 5 triệu đồng. Snapdragon 712 còn giúp cho Realme có thể tối ưu hóa hiệu năng của cụm 4 cảm biến máy ảnh mặt sau. Đây là một trong số những chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh tốt nhất trong phân khúc tầm trung hiện nay. Với pin dung lượng 4.035mAh và sạc nhanh VOOC 3.0, người dùng có thể thoải mái trải nghiệm game cả ngày dài, đồng thời máy có thể sạc nhanh lên 50% pin chỉ trong 30 phút.

Kết luận

Với mức giá thành tối thiểu từ 5 triệu đồng, các game thủ thể thao điện tử dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp đều có thể sở hữu cho mình một chiếc điện thoại tầm trung với khả năng chiến game ấn tượng, phù hợp với từng nhu cầu khác nhau. Cho dù muốn có hiệu năng cao nhất, hay chụp ảnh đẹp, giải trí tốt hay thời lượng pin lâu, game thủ đều có rất nhiều lựa chọn hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.