Điện thoát lỗ, vẫn lo tăng giá

08/01/2025 06:15 GMT+7

Tổng kết hết năm 2024, ngành điện hân hoan báo tin đã thoát lỗ và có lợi nhuận. Tuy vậy, giá điện cũng được dự báo sẽ tăng trong năm nay khiến người dân và doanh nghiệp lại phập phồng, thấp thỏm.

Có thể tăng 5%?

Thông tin tại Hội nghị tổng kết ngành điện năm 2024 mới đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết doanh thu của tập đoàn trong năm qua đã tăng hơn 14% so với năm 2023, đạt 480.662 tỉ đồng, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 575.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy năm 2024 EVN đã chính thức thoát lỗ.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN báo cáo khoản lỗ hơn 13.000 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi được điều chỉnh giá điện tăng 4,8% từ tháng 10, doanh thu của tập đoàn đã cân đối được, hết lỗ. Cụ thể, ngày 11.10.2024, EVN thực hiện đợt tăng giá điện lên mức 2.103,1159 đồng/kWh, tăng 4,8% so với trước đó. Đây là lần tăng giá thứ ba sau 2 đợt tăng vào tháng 5 và tháng 11.2023. Năm 2023, EVN lỗ đến 34.245 tỉ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, số lỗ sau khi trừ thu nhập tài chính khác ở mức 21.822 tỉ đồng. Năm 2022, EVN cũng báo lỗ gần 36.300 tỉ đồng.

Điện thoát lỗ, vẫn lo tăng giá- Ảnh 1.

Giá điện có thể tiếp tục tăng để bù chi phí lỗ từ các năm trước

Ảnh: Nhật Thịnh

Báo cáo của EVN cũng đề cập đến việc có lợi nhuận trong năm 2024, song chưa nêu chi tiết. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là dù đã cân bằng được tài chính và có lợi nhuận, tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long lên dây cót "tinh thần chung là có thể giá điện phải tăng để bù đắp chi phí".

Phân tích về cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành điện, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng việc tăng 4,8% giá điện bình quân vào tháng 10 năm ngoái chỉ góp giảm lỗ phần nào. Bên cạnh đó, còn có thêm nhiều yếu tố như nguồn điện giá rẻ nhờ thủy điện tăng tốt nhờ nước về dồi dào, giá than đá thế giới không tăng mạnh…

Nói rõ hơn về "tinh thần tăng giá điện", theo ông Đình, là để có thể tăng tiếp vì ngoài việc bù chi phí, ngành điện còn thu hút đầu tư các dự án nguồn mới.

"Trong tương lai khó có nguồn điện giá rẻ, nhất là khi nguồn điện mới theo Quy hoạch điện 8 nêu là các nguồn điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng… rất khó có chi phí sản xuất giá rẻ", ông Đình nói rõ.

Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng, để GDP tăng trưởng 8%, nhu cầu về điện sẽ tăng khoảng 12%, ông Đào Nhật Đình nhấn mạnh đó là thách thức lớn khi cả năm 2024 tổng công suất đặt chỉ tăng có 1.500 MW. Do đó, EVN đã, đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện đang xây dựng của mình và phối hợp với Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Than và Khoáng sản VN, các nhà đầu tư tư nhân thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà máy điện, nhằm bổ sung thêm nguồn điện mới.

Trong bối cảnh Quy hoạch điện 8 đã được ban hành gần 2 năm, nhưng không có nguồn điện lớn nào được khởi công xây dựng, EVN sẽ phải thúc đẩy khởi công các dự án như thủy điện tích năng Bác Ái, nhiệt điện Quảng Trạch 2 và điện gió ngoài khơi… Đặc biệt, tới đây, EVN sẽ đảm nhận làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN tại tỉnh Ninh Thuận. Với các nguồn điện mới, giá điện tăng mới có thể hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BSC cũng dự báo năm 2025 EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 - 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2.088,90 đồng/kWh) do nguồn cung điện giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Báo cáo nêu rõ, giá điện tăng 4,8% năm ngoái làm CPI tăng 0,16% và giá điện tăng tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất cũng như sinh hoạt trong toàn nền kinh tế, do đó sẽ kéo theo mặt bằng giá cả hàng hóa chung tăng lên, làm tăng tốc độ lạm phát. Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Không phải tăng giá mới thu hút được đầu tư

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế lại không ủng hộ việc tăng giá điện sớm. Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Công thương "bật đèn xanh" cho tăng giá điện sớm trong năm nay, trên một số diễn đàn năng lượng tái tạo, một số ý kiến thắc mắc ngành điện đã thoát lỗ rồi, sao lại "nhăm nhe" cho tăng giá điện tiếp? Đây cũng là ý kiến của nhiều người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, giải thích: "Ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng bền vững, xanh hóa nền kinh tế VN năm 2025. Trách nhiệm khá nặng nề, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng công suất chuyển tải điện; cân đối các nguồn năng lượng phù hợp, tăng nguồn năng lượng sạch nhưng phải phù hợp phụ tải… Bên cạnh đó phải ứng phó với sự bất ổn về giá của thị trường, sự bất định khí hậu trong thời gian tới. Đó là những áp lực lên giá điện".

Tuy nhiên, ông Việt nhấn mạnh rằng tăng giá điện để ứng phó với các khó khăn, bất ổn nói trên không phải là giải pháp của ngành điện. "Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới năm nay được dự báo có thể đi ngang, thậm chí giảm nhẹ, cộng với chính sách mới từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ giữ giá cả năng lượng ổn định hơn, xung đột được hạ nhiệt, tăng khai thác năng lượng hóa thạch… Thế nên, việc cho rằng tăng giá điện để bù đắp đầu tư, bù lỗ cho những khoản lỗ cũ từ mấy năm trước không khả thi trong tình hình hiện nay. Lý do, năm nay áp lực lạm phát còn rất lớn, tích lũy của người dân chưa cao, nhu cầu tiêu dùng trong nước còn thấp, áp lực chi phí hàng hóa, dịch vụ cơ bản vẫn chiếm phần lớn trong rổ chi tiêu, lạm phát có nguy cơ tăng. Chính vì vậy, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu lạm phát với mức "sát sao" 4,5% chứ không cho khung dao động nữa. Như vậy, tăng giá điện đồng nghĩa với chi phí đầu vào của DN tăng sẽ tạo áp lực lớn cho nền kinh tế", TS Nguyễn Quốc Việt phân tích và khuyến cáo: "Giữ mặt bằng giá bằng việc bảo đảm chi phí đầu vào ổn định là cần thiết".

Về thu hút đầu tư vào ngành điện, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng không nên lạm dụng nguồn lực nhà nước đổ vào ngành điện mà phải tăng nguồn đầu tư khác, gồm nước ngoài, quỹ đầu tư, tư nhân… Việc khơi thông nguồn vốn tư nhân không chỉ có giải pháp tăng giá bán điện mà nên có nhiều cơ chế khác như cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế mua bán điện trực tiếp một cách hiệu quả.

"Cơ chế bán lẻ điện trực tiếp, tách bạch nguồn điện sản xuất trong khu công nghiệp với nguồn bán cho người dân, bỏ bù chéo giá bán điện… đã là khuyến khích nhà đầu tư rồi", ông Việt nói thẳng.

"Khi thị trường có cơ chế giá bán điện sạch, doanh nghiệp có nhu cầu sẵn sàng trả giá cao hơn, thay vì phải dùng điện không sạch rồi phải trả thêm các chi phí phát thải, chi phí môi trường. Thứ 2, tách bạch giá điện bán cho sản xuất và tiêu dùng, không nên kéo dài cơ chế bù chéo. Có cơ chế mua bán điện trực tiếp trong các khu công nghiệp, không qua lưới sẽ có nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư hệ thống hạ tầng riêng để phân phối điện trong các khu công nghiệp, khu lân cận. Cho mua bán điện trực tiếp từ bán lẻ đến bán buôn, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm theo giờ; giảm chi phí trung gian… sẽ tạo động lực lớn mở rộng thu hút đầu tư tư nhân rất lớn", chuyên gia này nói. 

Việc điều chỉnh giá điện có tăng, có giảm tùy vào sự minh bạch các khâu. Vì vậy, cần công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện đến từng chi tiết. Phải tách bạch hoàn toàn các khâu sản xuất, nguồn nhập khẩu, chi phí truyền trải, phân phối, bán lẻ. Đặc biệt, giá điện không thể tăng khi cơ chế bù chéo giữa người dùng điện cao bù cho người dùng ít; điện sinh hoạt bù cho điện sản xuất, kinh doanh… Yếu tố công bằng, minh bạch còn yếu, thậm chí không bình đẳng mà cứ cho tăng giá điện với lời giải thích bù lỗ, bù chi phí… là không thuyết phục.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.