Điện trên mái nhà vẫn ì ạch: 1 triệu mái nhà sẽ "phát điện"

26/08/2018 19:13 GMT+7

Cả nước mới chỉ có 748 dự án điện trên mái nhà được nối lưới với tổng công suất 11,5 MW, sau khi Quyết định 11 có hiệu lực hơn một năm. Vì vậy, mục tiêu 1 triệu Ngôi nhà xanh với tổng công suất nối lưới khoảng trên 3.000 MW vào năm 2030 là bài toán không hề đơn giản.

Ngôi nhà xanh không chỉ bán điện
Sáng kiến “Triệu Ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng” nằm trong Tuần lễ năng lượng tái tạo (lần 3) do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức. 
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - đơn vị điều phối VSEA, cho biết: Hiện tại hình dung của chúng tôi về Ngôi nhà xanh gồm: Giải pháp về điện từ năng lượng tái tạo như mặt trời, sinh khối, gió… kèm theo đó là các giải pháp ứng dụng của năng lượng mặt trời như xử lý nước nóng, giải pháp về sử dụng thiết bị gia dụng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó Ngôi nhà xanh còn gắn với giải pháp xử lý rác thải bằng cách phân loại tại nguồn, tái chế và tái sử dụng, việc thu hồi và tái sử dụng nước mưa, trồng cây xanh để làm mát và lọc không khí… “Chúng tôi muốn kiến tạo và thúc đẩy ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, tiết kiệm hiệu quả và sử dụng tài nguyên hợp lý. Nó cần được bắt đầu từ quy mô một hộ gia đình/ngôi nhà đến một khu dân cư, tiến tới một thành phố và hướng đến quy mô một đất nước”, bà Khanh kỳ vọng.
Chương trình sẽ thiết kế các giải pháp công nghệ và tài chính phù hợp với từng quy mô áp dụng, chuẩn hóa và đề xuất thành chương trình quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030 toàn Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu Ngôi nhà xanh - nguồn điện mặt trời trên mái nhà từ các Ngôi nhà xanh này có thể đóng góp cho nguồn điện quốc gia khoảng 3.000 MW (Thủy điện Hòa Bình hiện tại có tổng công suất 1.920 MW).
Ông Đặng Quốc Toản, Giám đốc GreenAsia, thành viên nhóm sáng kiến Ngôi nhà xanh, nói: Hiện tại chúng ta đã có cơ chế giá thu mua điện trên mái nhà. Cơ chế giá cho phép nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong khoảng thời gian 4 - 5 năm. Sau khoảng thời gian đó toàn bộ là lãi - kéo dài ít nhất 15 năm. Hiện nay các đơn vị kinh doanh là những người sử dụng điện với giá rất cao. Họ có thể đầu tư vào điện mặt trời trên mái nhà để giảm chi phí sử dụng về lâu dài. Riêng tại TP.HCM, có gần 1.000 siêu thị, hàng ngàn khách sạn, nhà xưởng, cao ốc, bệnh viện, trường học, các gia đình khá giả… đều là những nơi có thể triển khai và phát triển hệ thống điện trên mái nhà và xây dựng Ngôi nhà xanh.
Chính phủ và EVN cần vào cuộc
Đầu năm 2018, Viện Năng lượng đánh giá tiềm năng điện mặt trời có thể đạt tới 734.000 MW. Từ tháng 6.2017, khi Quyết định 11/QĐ-TTg về khuyến khích điện mặt trời với giá 9,35 cent/1 kWh có hiệu lực đã có khoảng 20.000 MW điện mặt trời quy mô trang trại đã được đăng ký. Nhưng số lượng các dự án được triển khai để đấu nối vào điện lưới quốc gia chỉ chiếm khoảng 10% tổng số dự án đăng ký. Bên cạnh đó nguồn tiềm năng năng lượng mặt trời mái nhà hiện còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác mặc dù Nhà nước đã có cơ chế bù trừ điện năng.
TP.HCM có tiềm năng lớn về điện mặt trời trên mái nhà nhưng số lượng nối lưới còn hạn chế Quỳnh Trần
Sáng kiến và mục tiêu 1 triệu Ngôi nhà xanh được xem là kỳ vọng quá lớn đối với những cơ chế, chính sách hiện tại của lĩnh vực này. Muốn nó trở thành hiện thực phải có sự tham gia của nhiều bộ ngành và địa phương để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Đặc biệt cần có sự tham gia của EVN bởi họ đóng cả hai vai trò mua - bán điện.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, nhận định: Sáng kiến 1 triệu Ngôi nhà xanh rất ý nghĩa. Nó có nhiều giai đoạn để đi đến mục tiêu đó. Trong đó vấn đề quan trọng là góp ý cải tiến chính sách về điện trên mái nhà. Theo tôi để điện trên mái nhà phát triển Nhà nước cần miễn thuế cho loại hình này - ít nhất trong giai đoạn hiện nay. Hoặc chia loại hình này thành các mức khác nhau theo quy mô công suất và lượng điện bán cho EVN; với sản lượng dưới mức A nào đó sẽ được miễn thuế.
Còn TS Nguyễn Duy Khiêm, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) nói: Nếu như hiện nay, ngành điện chỉ ghi nhận số điện bán lên lưới rồi để đó thì không thể phát triển điện trên mái nhà được. Mục tiêu 1 triệu Ngôi nhà xanh cần rất nhiều chính sách hỗ trợ, từ trung ương, bộ ngành đến địa phương. Cụ thể ví dụ trung bình mỗi trường học trả tiền điện khoảng 10 triệu đồng/tháng. Các trường muốn lắp điện mặt trời cần có chính sách hỗ trợ từ ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Nếu không hỗ trợ trực tiếp bằng kinh phí thì phải có chính sách cho nhà đầu tư thuê mái nhà. Để điện khí hóa các mái nhà cần có sự tham gia của các cơ quan đơn vị nhà nước, họ phải tiên phong làm trước để tạo ra phong trào và người dân sẽ hưởng ứng.
Một số ý kiến cho rằng, chính sách khuyến khích điện mặt trời cần tính cả cho bên mua điện là EVN. Vì nếu số lượng điện mặt trời trên mái nhà nối lưới nhiều thì vấn đề cân bằng sản lượng cung - cầu về điện rất quan trọng. EVN về bản chất vẫn là một doanh nghiệp nên không thể chỉ áp đặt họ bằng cơ chế hành chính. 
“Đây chỉ mới là sáng kiến bước đầu của chúng tôi. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm và muốn sáng kiến này thành công cần sự tham gia của rất nhiều bên liên quan. Chúng tôi sẽ ghi nhận và tổng hợp các ý kiến để góp ý chính sách trong thời gian tới. Đây là vấn đề rất quan trọng để mục tiêu của sáng kiến thành hiện thực”, bà Khanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.