Điện tử hóa sổ điểm, sổ liên lạc: Sẽ không còn kiểu sửa chữa 'làm đẹp' điểm số

16/08/2019 08:04 GMT+7

Trước thông tin Bộ GD-ĐT sẽ bỏ sổ điểm, sổ liên lạc giấy gây sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây, PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin , Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

 
       Ông Nguyễn Sơn Hải - Ảnh: Bộ GD-ĐT cung cấp
Ông Nguyễn Sơn Hải cho biết: Tôi khẳng định Bộ GD-ĐT không có chủ trương bỏ học bạ và sổ điểm giấy mà vẫn sử dụng bình thường. Không dùng chỉ là trong một số tình huống. Ví dụ, sử dụng học bạ, sổ điểm điện tử trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Chủ trương của Bộ hiện nay là sẽ số hóa các thông tin, các quy trình, nghiệp vụ, tài liệu… để phục vụ quản lý, dạy học.
Vừa qua, ngành GD-ĐT đã số hóa được cơ sở dữ liệu lưu trữ các thông tin phục vụ quản lý của 53.000 trường học từ mầm non đến phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó, đã số hóa được hồ sơ của gần 23 triệu học sinh (HS); 1,5 triệu giáo viên (GV) và cán bộ quản lý.
Khi đã số hóa được cơ sở dữ liệu liên quan đến các thông tin của ngành, Bộ sẽ thực hiện việc phân tích, dự báo thông tin phục vụ làm chính sách, quy hoạch và rà soát các thủ tục hành chính của ngành. Hiện nay có khoảng hơn 200 thủ tục hành chính, trên cơ sở dữ liệu đã có sẽ tính đến chuyện có thể cắt giảm một số giấy tờ khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có thể nhìn thấy rất rõ là học bạ, sổ điểm, các giấy chứng nhận về thông tin, lý lịch của HS, kết quả học tập… sau này hoàn toàn có thể cắt giảm và làm bản điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

Giúp đẩy lùi các tiêu cực

Có những lợi ích gì nếu ngành GD-ĐT điện tử hóa sổ điểm, sổ liên lạc ở các nhà trường, thưa ông?
Ví dụ với sổ điểm điện tử thì sẽ giúp GV trong việc quản lý, tính toán các con điểm, các công thức để ra kết quả học tập, máy tính thực hiện thay vì GV phải tự tính như trước. Khi có sổ điểm điện tử thì có thể thực hiện các giao dịch thông tin qua các thiết bị điện tử mà không cần phải sử dụng bản giấy, đến tận nơi hoặc phải photo công chứng…, người dân có thể ở nhà để hoàn thành các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác. Số hóa giúp công khai minh bạch trong nội bộ của đơn vị, trong phạm vi quản lý ngành và như vậy sẽ giúp đẩy lùi các tiêu cực, ví dụ sửa chữa “làm đẹp” điểm số.
Ông có thể nói gì về tính khả thi của chủ trương này? Bộ GD-ĐT đã có khảo sát tình hình thực tiễn ở các địa phương ra sao?
Bước đầu tiên rất quan trọng thì chúng tôi đã cơ bản hoàn thành, đó là số hóa các thông tin cần quản lý. Đầu năm học mới chúng tôi cũng tham mưu cho lãnh đạo Bộ để ban hành kế hoạch rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, giấy tờ để có thể khai thác được dữ liệu và khi đó cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị quản lý trong Bộ. Chúng tôi phải phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để xây dựng dịch vụ công trực tuyến của ngành, hướng đến dùng chung, dễ dùng, dễ tiếp cận, sau đó bước cuối cùng là công bố triển khai.
Hiện nay ngành đã đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử nhưng có nhiều mức độ. Đơn giản nhất là thay việc sử dụng các sổ theo mẫu giấy in thì các nhà trường đã quản lý thông tin học sinh, điểm số… bằng phần mềm và từ đó in hoặc xuất ra các định dạng như pdf để lưu trữ, đáp ứng các thông tin như sổ điểm truyền thống.
Sổ điểm điện tử mà sử dụng như dịch vụ công trực tuyến thì chưa có trường nào thực hiện được. Để làm được điều này thì phải có cơ sở pháp lý về sổ điểm điện tử. Trong đó có khâu rất quan trọng là chứng thực các nội dung trên sổ điểm điện tử đó là đúng, là hợp pháp thì từ đó các giao dịch trực tuyến mới chấp nhận là sổ điểm điện tử đó có tính pháp lý.
Khó khăn lớn nhất là phải thu thập được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác những thông tin mà chúng ta số hóa và đưa vào sử dụng sau này. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dự thảo thông tư quy định về quản lý, vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành làm căn cứ pháp lý để tổ chức thu thập, xử lý, khai thác, công bố dữ liệu.
Sẽ không còn kiểu sửa chữa 'làm đẹp' điểm số

Sổ liên lạc điện tử thu phí sẽ được thay thế bằng các ứng dụng công nghệ thông tin

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

“Sổ liên lạc điện tử” thu phí không còn phù hợp

Một trong những vấn đề mà phụ huynh và người dân lo ngại là việc bảo mật thông tin của HS khi các thông tin này được thu thập và đưa vào cơ sở dữ liệu. Ông có thể nói gì về điều này?
Đúng là việc bảo mật thông tin trong quá trình triển khai số hóa, điện tử hóa là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, toàn bộ thông tin về HS, GV mà Bộ thu thập thì được Bộ quản lý để sử dụng cho các mục đích quản lý ngành theo đúng chức trách của mình. Chúng tôi cũng phải phối hợp với các cơ quan liên quan để mã hóa các cơ sở dữ liệu, phối hợp với các đối tác an toàn thông tin lớn của Chính phủ để có các phương án bảo vệ các cơ sở dữ liệu này.
Rất nhiều trường trên cả nước hiện vẫn sử dụng sổ liên lạc điện tử bằng hình thức nhắn tin SMS đến phụ huynh và có thu tiền hằng tháng. Bộ có chỉ đạo gì để các trường áp dụng việc liên lạc trực tuyến thay vì nhắn tin và thu phí như lâu nay?
Năm nay là năm thứ ba trong hướng dẫn đầu năm học về thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD-ĐT, Bộ đều có yêu cầu các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để liên lạc với phụ huynh và khuyến khích sử dụng các hình thức như website, email, tin nhắn OTT… đó là các hình thức liên lạc miễn phí và không khuyến khích các hình thức thu phí. Đến thời điểm này nhiều trường đã áp dụng các hình thức này. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lạm dụng hình thức liên lạc bằng tin nhắn để thu tiền, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến để có những chỉ đạo sát sao, tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.