Diễn viên đóng thế Olivia Jackson suýt chết trên trường quay Resident Evil: The Final Chapter năm 2016. Đồng nghiệp của cô thì không may mắn như vậy. Trong suốt chuỗi “bom tấn” đình đám này, không ít người đã hi sinh. Tuy nhiên, điều đáng sợ chính là: Ai chịu trách nhiệm cho việc này? Và tại sao họ vẫn kiên quyết theo đuổi nghề cascadeur (diễn viên đóng thế)?
Từ chết đến bị thương
Tháng 9.2015, Olivia Jackson cùng đoàn phim đến Nam Phi, nơi bộ phim Resident Evil: The Final Chapter bấm máy. Không ai trong số các diễn viên đóng thế được trang bị giày cao su và áo mưa trong ngày thời tiết xấu. Như thường lệ, nữ diễn viên 34 tuổi được bàn giao các cảnh chiến đấu. Tuy nhiên, ở phút chót, phía nhà sản xuất cho biết họ cần cô thực hiện một pha mạo hiểm bằng xe máy.
Với tốc độ gần 70km/giờ, Olivia Jackson lao về phía một chiếc cần cẩu có gắn camera. Tuy nhiên, trong lần thực hiện đầu tiên, cô đã gặp sự cố. Chia sẻ với tờ The Hollywood Reporter, diễn viên đóng thế kỳ cựu cho biết: “Tôi nhớ mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ cho đến khi cú va chạm xảy ra”. Cô thậm chí còn nhớ khoảnh khắc mình được đưa đến bệnh viện: “Tôi nằm trên xe cứu thương, nhìn chằm chằm vào trần xe và rồi… thế giới dần chìm vào bóng tối”. Tai nạn dẫn đến những vết thương nghiêm trọng, Olivia Jackson bị tổn thương thần kinh và buộc phải cắt bỏ cánh tay trái.
|
Thời điểm đó, Olivia Jackson không hề biết rằng công việc mà cô vừa nhận suýt giết chết mình. Vốn là một người đam mê đua mô tô lâu năm, cô may mắn trở thành ứng viên đóng thế cho ngôi sao Milla Jovovich, nữ chính của bộ phim. Cơ hội này tình cờ đến khi diễn viên gốc Anh quốc gặp điều phối viên đóng thế của tác phẩm. Thêm vào đó, việc thành thạo Muay Thái cũng giúp cô ghi điểm cộng lớn. Thực chất, bản thân nữ diễn viên đã từ chối công việc này vì mức thu nhập không thỏa đáng, nhưng sau khi đàm phán về mức thù lao, hai phía bắt tay vào làm việc. Thời gian này, Olivia Jackson đang nghỉ ngơi trước khi trở lại xứ sương mù tham gia vào dự án Wonder Woman nhưng cô không ngờ rằng đây là một chương đen tối của cuộc đời mình.
|
Đáng chú ý, trường hợp của Olivia Jackson không phải là tai nạn nghiêm trọng duy nhất. Hai tháng sau khi cô nhập viện, một nghệ sĩ đóng thế người Nam Phi khác tên là Ricardo Cornelius đã chết trên phim trường. Ricardo Cornelius qua đời khi thực hiện pha hành động và vô tình trượt khỏi một bục xoay.
Một nguồn tin thân cận trong đoàn phim cũng từng tiết lộ, một nam cascadeur đã bị đứt dây chằng sau khi va chạm với một tảng đá ở phim trường. Người này mất 6 tuần chống nạng và được bác sĩ cảnh báo vĩnh viễn không thể quay lại làm việc.
Trước đó vào năm 2011, trên trường quay Resident Evil: Retribution tại Toronto (Canada), 16 diễn viên quần chúng mặc quần áo thây ma, diễn cảnh rơi xuống từ một bánh xe mô hình. Đáng chú ý, 12 người trong số đó đã được đưa đến bệnh viên với các chấn thương ở vùng chân, lưng và cánh tay.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại Hollywood, quy định về công việc đóng thế vẫn còn lỏng lẻo. Hiện tại, vẫn không có chứng nhận chính thức nào tại Mỹ cho các diễn viên đóng thế và biên đạo các phân cảnh hành động. Dư luận bắt đầu dậy sóng khi hàng loạt bi kịch diễn ra: cái chết của cascadeur Joi Harris trong Deadpool 2, John Bernecker trên phim trường The Walking Dead ở Atlanta… Sự kiện này đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh có cái nhìn khắt khe hơn trong việc bảo vệ các diễn viên đóng thế. Các quy định đã được cân nhắc và bổ sung bởi SAG-AFTRA, Hiệp hội Diễn viên điện ảnh và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nội dung này chỉ có hiệu lực cho đến năm 2020, mặc dù nó đã được kiến nghị từ 2018.
|
Bức xúc về sự bất công, Olivia Jackson đã trình đơn kiện, chống lại đạo diễn Paul W. S. Anderson, nhà sản xuất Jeremy Bolt và các công ty liên kết. Cô buộc tội các nhà làm phim “không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn cơ bản”. Nữ diễn viên gốc Nam Phi cho biết cô được yêu cầu không đội mũ bảo hiểm, không được tham gia các cuộc họp quan trọng. Thậm chí, cô không được phép đeo thiết bị liên lạc để kiểm soát các hành động của đoàn phim trong suốt quá trình ghi hình. Đáng chú ý, nữ diễn viên cũng bức xúc cho rằng phía nhà sản xuất thường xuyên “phá luật” và “qua mặt” cô: “Đôi khi, phía nhà sản xuất đột ngột thay đổi lịch trình và các tình tiết. Nếu bạn luyện tập cho các tình huống nguy hiểm, bạn nên biết chính xác mọi thứ về mặt toán học để tính toán và đảm bảo an toàn. Nhưng mỗi lẫn họ thay đổi vị trí của những pha mạo hiểm, mọi thứ sẽ thay đổi. Điều đó dẫn đến việc sự sống và cái chết chỉ còn là một ranh giới mong manh”.
Chia sẻ với tờ The Hollywood Reporter, một diễn viên đóng thế từ chối cung cấp tên thật vì sợ bị trả thù cho biết: “Các nhà sản xuất rất vội vàng đưa ra quyết định trên phim trường mà không quan tâm đến bất kỳ biện pháp phòng hộ nào cho cascadeur. Với trường hợp của Olivia Jackson, cô ấy có rất ít đồ bảo hộ, không mũ bảo hiểm, không kính trong khi trời mưa. Không ai hỏi cô ấy cảm thấy thế nào”. Đáp lại các cáo buộc, phía nhà sản xuất im lặng.
Vụ kiện của diễn viên đóng thế gốc Nam Phi đã làm bật lên vấn đề quan trọng trong làng điện ảnh: bảo hiểm. Theo đó, các nhà sản xuất đã thờ ơ trước những nguyên tắc bảo hộ lao động, cũng như che giấu trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tai nạn. Được biết, phía nhà sản xuất bộ phim đã lợi dụng sự lỏng lẻo của các điều luật bảo hiểm để bỏ ra 33.000 USD cùng 992 USD thù lao cho trường hợp của nữ diễn viên kém may mắn. Theo Paul Raleigh, quản lý tại công ty bảo hiểm ở Hollard: “Giới hạn mức bảo hiểm có thể được đặt ở mức độ nhiều hay ít hơn, tùy thuộc vào chi phí mà nhà sản xuất sẵn sàng trả”. Do đó, mức chi phí có thể phụ phuộc vào sự “tùy tâm” của các nhà sản xuất, nhưng vấn đề nằm ở việc họ có thực sự quan tâm đến các diễn viên đóng thế hay không.
Resident Evil: The Final Chapter, được đạo diễn bởi Paul W. S. Anderson với kinh phí 40 triệu USD. Đây là bộ phim hành động dựa trên trò chơi điện tử ăn khách, đã thu về hơn 1,2 tỉ USD trong 16 năm. Tác phẩm trải qua nhiều lần bấm máy theo định dạng live-action (phiên bản người đóng) và thu về thành công thương mại đáng kể. Đặc biệt, series Resident Evil được xem là một trong chuỗi tác phẩm gay cấn, bạo lực và nguy hiểm nhất thế giới đối với cánh diễn viên đóng thế. Vụ kiện của Olivia Jackson hiện chỉ là một trong hàng trăm vụ thương tật do sự cố trên phim trường ở Hollywood. Nhiều trường hợp bị che giấu hoặc giữ im lặng. Các bộ phim “bom tấn” vẫn liên tục ra rạp với sự tán dương của hàng triệu khán giả toàn cầu, nhưng những tràng pháo tay vốn chỉ thuộc về những ngôi sao lộ mặt.
Bình luận (0)