Sơ sẩy có thể bị "ném đá" như chơi
Bên cạnh những cái tên gạo cội trong ngành lồng tiếng phim truyền hình thập niên 80-90 thế kỷ trước như Thế Thanh, Bích Ngọc, Thanh Phúc,Thế Phương, Nguyễn Vinh, Bá Nghị... thì cái tên Thùy Dương có phần lạ lẫm. Ở giai đoạn sau những năm 2000, khi phim TVB chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước châu Á, Thùy Dương kịp gắn bó với những bộ phim tiếng vang như Hoa Gia tỷ (lồng tiếng vai của Xa Thi Mạn), Tân Hoàn Châu Công chúa (lồng tiếng cho vai Tiểu Yến Tử và Dung Ma Ma), Diệp Vấn (lồng tiếng vai mẹ Trịnh Gia Dĩnh), Tùy Đường Diễn Nghĩa (lồng tiếng vai Mị Nương)... Bên cạnh những bộ phim TVB hay Hoa ngữ thì Thùy Dương còn góp giọng trong những bộ phim của Thái Lan, Philippines như Tình người kiếp rắn (giọng nữ diễn viên Ấn Độ Vishaka), Mặt nạ hoa hồng (hai nhân vật: mẹ Angeline và Chantal Armada)...
Thùy Dương sinh năm 1985 tại An Giang, từng tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh. Từ một người không biết gì về nghề lồng tiếng phim, một lần tình cờ cô được bạn rủ rê vào nhóm của "vua lồng tiếng" Đạt Phi. Cô mạnh dạn thu một đoạn thử giọng qua điện thoại và bất ngờ nhận được cái gật đầu từ nghệ sĩ này. Thời gian đầu, Thùy Dương gặp khá nhiều áp lực khi phải đối diện với các tiền bối có kinh nghiệm lâu năm trong nghề như nghệ sĩ Trung Châu, Tuyết Nương, Huy Dũng, Kim Ngân…
"Áp lực đến mức không dám thở mạnh, đến lật kịch bản cũng sợ ảnh hưởng đến cả nhóm. Cột mốc ba ngày đáng nhớ trong phòng thu năm ấy giúp tôi có thêm cơ hội mới", Thùy Dương kể lại. Sau đó cô được giao lồng tiếng cho vai tì nữ trong tác phẩm kinh điển Nhất đại Hoàng hậu Đại Ngọc Nhi do minh tinh Phan Nghinh Tử đóng chính. Vai tì nữ đi bên cạnh Phan Nghinh Tử xuất hiện xuyên suốt phim với nhiều tình huống là thử thách cho Thùy Dương.
Nhìn lại khoảnh khắc mới vào nghề, Thùy Dương cho biết cô cảm thấy may mắn khi "chân ướt chân ráo" đã được làm việc cùng nhiều "cây đa cây đề", nhờ vậy kỹ năng nhanh chóng tiến bộ. Trong đó, Hoa Gia tỷ là bộ phim đầu tiên Thùy Dương lồng tiếng cho nhân vật của Xa Thi Mạn, cô gái khờ khạo nhưng sống tình cảm. Mãi cho đến tác phẩm Hốt Tất Liệt truyền kỳ, Thùy Dương đã quen với nhịp thoại cũng như cách diễn của Xa Thi Mạn, quá trình làm việc nhanh và hiệu quả hơn.
Nói về việc đảm nhận thanh âm cho nữ hoa đán đình đám TVB, Thùy Dương cho biết đó là áp lực cũng là vinh dự. Bởi khi nhắc đến Xa Thi Mạn khán giả sẽ nhớ ngay đến một hoa đán tài sắc vẹn toàn. Không những vậy, nhất tỷ TVB còn sở hữu một lượng fan lớn tại Việt Nam nói riêng và toàn châu Á nói chung. Vì vậy, ngoài việc phải chỉn chu cảm xúc, diễn viên còn dễ bị so sánh với nhiều chất giọng đã từng lồng tiếng cho Xa Thi Mạn. Chỉ cần sơ sẩy là có thể bị "ném đá" như chơi. "Một khi khán giả đã quen mặt diễn viên đó đồng nghĩa với việc quen thuộc với giọng lồng chính cho người đó, tới khi nghe giọng lạ rất dễ phản ứng. Khán giả bây giờ họ rất thông minh, họ có thể biết được diễn viên lồng tiếng nào lồng cho ai", cô chia sẻ với Thanh Niên.
Nghề lồng tiếng đã bước vào giai đoạn thoái trào
Bên cạnh việc đảm nhận phần lồng tiếng cho cựu hoa đán TVB Xa Thi Mạn, Thùy Dương còn từng là người đứng sau thanh âm của hoa đán Chung Gia Hân. Thùy Dương chia sẻ lồng tiếng cho phim TVB được xem là khá nhiều thử thách đối với các diễn viên lồng tiếng bởi tốc độ thoại diễn biến nhanh, mỗi câu đều có xúc cảm. Nhân vật lồng tiếng cũng phải thể hiện được cảm xúc thông qua những thước phim chưa được xem trước. Để thể hiện tốt đòi hỏi diễn viên lồng tiếng cần phải thường xuyên tập luyện để có được hơi thở tốt, biết điều tiết âm lượng để câu nói ra không bị dính, tròn vành rõ chữ.
Ngoài ra, với đặc thù làm việc bằng giọng nói nên người lồng tiếng cũng quý trọng giọng nói không khác gì ca sĩ. Chính vì vậy, cũng như bao diễn viên lồng tiếng khác họ cũng có quy tắc cho riêng mình để bảo vệ giọng như hạn chế uống nước đá, tránh la lớn để không bị khàn giọng, tránh bị cảm lạnh, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giọng trong lúc làm việc.
Sau hơn 14 năm miệt mài cống hiến cho nghề, từng trải qua nhiều sự cố, Thùy Dương có được nhiều kinh nghiệm để chia sẻ: "Việc của diễn viên lồng tiếng là phải làm được các giọng từ trẻ đến già, diễn được các cảm xúc, vừa thấy mặt diễn viên phải biết dùng giọng như thế nào và quan trọng là phải nhập vai vào nhân vật đó".
Nếu như nhiều năm trước, việc lồng tiếng phim khá thịnh hành, được yêu thích thì giờ đây, công việc này đã bước vào giai đoạn thoái trào, khán giả thích xem phụ đề hơn lồng tiếng. Nhưng song điều may mắn là thế hệ các diễn viên lồng tiếng kỳ cựu vẫn còn làm nghề gần như đầy đủ. Thùy Dương cho rằng mỗi hình thức có lượng khán giả riêng, có thể khán giả trẻ ưa thích phụ đề vì nghe được âm sắc ngôn ngữ diễn viên họ yêu thích, cũng có nhóm khán giả lớn hơn ưa chuộng phim lồng tiếng vì sự chân thật, không bị phân tâm khi xem chữ trên màn hình… Tuy nhiên, Thùy Dương luôn cố gắng chỉn chu trong mỗi dự án phim, để khán giả thấy phim lồng tiếng cũng có sự cuốn hút riêng.
Thùy Dương cho biết thêm nghề lồng tiếng thu nhập ổn định tùy thời điểm. Có lúc diễn viên tất bật chạy show, mà cũng có khi chẳng ai gọi. Nhưng với cô, chọn theo đuổi nghề lồng tiếng phải biết chấp nhận thời thế, tin vào bản thân và làm hết tâm sức mình. Bên cạnh trực tiếp lồng tiếng phim, cô mong muốn truyền lửa cho các bạn trẻ bằng những buổi workshop, lớp luyện giọng cho những bạn muốn theo đuổi nghề.
Bình luận (0)