Trong một bài phỏng vấn, diễn viên Trung Dũng cho hay một trong những lý do làm nên thành công của phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ đang khá hot gần đây là do phim được thu tiếng trực tiếp. Thậm chí nam diễn viên còn cho rằng sẽ không có giọng ai có thể thay thế hay lồng tiếng được cho mình hay các diễn viên như Hồng Vân hay Á khôi Thúy Ngân. Anh cho rằng phim được lồng tiếng lại khiến khán giả cảm thấy không thật và làm giảm hiệu quả diễn xuất của các diễn viên trong phim.
Ý kiến này của Trung Dũng lập tức gây ra nhiều luồng tranh luận trái chiều. Đặc biệt, nhiều diễn viên lồng tiếng cho rằng họ cảm thấy nghề nghiệp của mình đang bị xem thường và đây là một hành động “phủi sạch” công sức của những người làm công tác hậu kỳ. Với tư cách của một người từng lồng tiếng cho Trung Dũng trong nhiều phim truyền hình, diễn viên Trọng Hiếu tỏ ra không hài lòng với cách phát ngôn của đồng nghiệp. Anh đã chia sẻ lại đoạn clip phỏng vấn nói trên lên trang cá nhân và tuyên bố sẽ không bao giờ nhận lời lồng tiếng cho nam diễn viên phim Vết dầu loang thêm một lần nào nữa.
|
Chia sẻ với Thanh Niên, diễn viên lồng tiếng cho Trung Dũng bày tỏ: “Tôi nghiêm túc khi nói như vậy. Tôi không nói ý kiến của Dũng sai hay đúng hoàn toàn nhưng tôi cũng như nhiều anh em làm công tác hậu kỳ cảm thấy nó có một chút “phũ” ở đây. Bởi không thể nói rằng việc lồng tiếng khiến khán giả nhàm chán hay “kéo” diễn xuất của các diễn viên đi xuống, rất hiếm trường hợp như thế. Trong rất nhiều trường hợp, chính công tác lồng tiếng đã cứu các diễn viên khỏi hỏng vai một cách ngoạn mục”.
Anh cũng cho biết các diễn viên lồng tiếng đều là người qua trường lớp diễn xuất bài bản và cũng có không ít người là diễn viên đóng phim như bản thân anh. Do đó, họ có đủ khả năng và biết cách làm thế nào để “cứu nguy” cho một diễn viên bị hạn chế về mặt đài từ, cách phát âm…
Trọng Hiếu cũng phân trần từ thập niên 1990 đến nay, anh đã lồng tiếng cho không ít diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước nên hiểu rõ công tác hậu kỳ có sức ảnh hưởng đến sự thành bại của một bộ phim như thế nào. “Nếu phim có một dàn diễn viên thực lực, diễn viên kịch như Hồng Vân, Thành Lộc, Hoài Linh… thì đâu còn cần lồng tiếng để làm gì vì họ đã có kỹ năng sân khấu, cách phát âm và giọng nói quá quen thuộc với khán giả rồi. Nhưng có những diễn viên, kể cả chuyên hay không chuyên, họ diễn rất đạt, hình thể rất đẹp nhưng không hiểu sao cứ bị tật “ngại micro”. Ví dụ Thái Hòa có lần đóng phim truyền hình, khi tự thu lại tiếng của mình anh ấy còn thấy mệt mỏi và nói thôi từ sau ai lồng tiếng thì lồng chứ không muốn tự lồng tiếng mình nữa. Diễn xuất bên ngoài hay, giọng nói bên ngoài chuẩn là thế nhưng chưa chắc vô phòng thu lại đã nói được”, nam diễn viên nói.
|
Ngoài ra bối cảnh phim và kinh phí cũng là một vấn đề khiến nhà sản xuất cân nhắc về việc có nên thu tiếng trực tiếp hay không. Diễn viên Trọng Hiếu kể thêm: “Kể cả những bộ phim nổi tiếng của nước ngoài, người ta cũng thường dùng phương pháp lồng tiếng vì bối cảnh có quá nhiều tạp âm. Ví như một cảnh quay lãng mạn ở một thác nước lớn đổ xuống, chỉ có hai diễn viên nam và nữ chính tình cảm nói chuyện với nhau thì về cũng bắt buộc phải lồng tiếng lại. Không thể nào thu tiếng trực tiếp được vì tiếng nước chảy lúc đó là rất lớn, hai diễn viên đó có gào thét hay dùng thủ thuật nào cũng không thể nghe rõ tiếng được”.
Anh cũng cho biết kinh phí thu tiếng trực tiếp khá tốn kém và dễ gặp sự cố, đòi hỏi người diễn viên phải đảm bảo nhiều kỹ năng, chất giọng nhất định nên nhà sản xuất cũng thường chọn giải pháp lồng tiếng lại để tiết kiệm và an toàn hơn. Do đó, tùy theo hoàn cảnh mà nhà sản xuất quyết định nên hay không nên thu tiếng trực tiếp để đảm bảo hiệu quả và thuận tiện nhất cho bộ phim.
Trọng Hiếu cho biết dù mình hoạt động ở cả hai lĩnh vực đóng phim và lồng tiếng nhưng anh đứng về phía những người làm hậu kỳ hơn. “Tôi đã nhiều lần lên tiếng việc công việc hậu kỳ không được mọi người chú trọng, xem nhẹ. Tôi từng bày tỏ rằng tại sao ở những hội đồng giải thưởng lớn quốc tế như Oscar, Cannes… người ta có giải dành cho công tác hậu kỳ như người làm nhạc phim xuất sắc, biên tập âm thanh xuất sắc nhất... mà ở những giải thưởng lớn như Cánh diều, Mai vàng hay liên hoan phim ở nước ta lại chỉ trao giải cho diễn viên và đạo diễn”, anh nói thêm.
Trọng Hiếu tiết lộ thu nhập thực tế của một diễn viên lồng tiếng chỉ bằng 20% so với diễn viên trên phim. Nhưng điều đó không làm họ buồn lòng vì hiểu rằng người diễn viên đóng phim cũng mất nhiều công sức cho tạo hình, phục trang, hình ảnh. Họ chỉ buồn khi những cống hiến của mình với nghề đôi khi không được khán giả nhìn nhận một cách đúng đắn, sát với thực tế.
Bình luận (0)