Ở đầm Ô Loan (H.Tuy An, Phú Yên), điệp sinh sản và phát triển nhiều, nhất là thời điểm cuối hè. Loại thủy sinh này sống dưới lớp đáy nước, hình thù của nó được ghép từ hai mảnh vỏ mỏng như hai chiếc quạt úp lại; phần thân nhỏ bằng đầu ngón tay nằm ở giữa hai mảnh vỏ. Người dân sống xung quanh đầm ngụp lặn bắt điệp vào nhiều thời điểm trong ngày.
>> Ngon ngọt canh ghẹ nấu rau muống
>> Một lần ăn bún bề bề ở Quảng Ninh
Điệp tươi có thể nấu nhiều món ngon. Người dân ven đầm thường làm món điệp nướng. Lửa được nhóm thành một đống to, cứ thế cho điệp vào trên lửa, đợi một hai phút, nước trong thân điệp chảy ra xèo xèo, hai mảnh vỏ há ra thì người nướng phải gắp điệp nhanh ra. Không nên để điệp chín quá vì nó sẽ khô ăn không ngon, nên ăn lúc còn nước, chấm muối tiêu.
|
Ngoài món nướng, người nội trợ còn lấy phần thịt điệp để làm nhiều món khác nhau như cháo, xào, canh, lẩu... Vị ngon của nồi canh rau nấu với điệp được nhiều người khen vì nó hòa hợp giữa một thứ có dưới đầm là thịt điệp và một thứ trên đất là các loại rau quê như mồng tơi, lá bát, bồ ngót...
Cho phần thịt điệp tươi sống khử dầu hành cùng một ít nước mắm rồi cho nước sôi vào. Nấu đến khi điệp chín, cho phần rau đã chuẩn bị vào rồi nêm gia vị. Có một điều mà ai cũng phải công nhận là canh điệp nấu với rau tập tàng (gồm đủ loại rau) không cần nêm bột ngọt nhưng nồi canh vẫn ngon ngọt như thường. Theo một số tài liệu, canh điệp là món lành tính, có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng.
Mỹ Tuyết
Bình luận (0)